Vay kinh doanh bất động sản tăng 35%, vay mua nhà đất chỉ hơn 1%
Dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản năm 2023 tăng trên 35%, trong khi dư nợ cho vay tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chỉ tăng thêm 1,08% - thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, theo Ngân hàng Nhà nước.
Thông tin này nêu tại báo cáo Ngân hàng Nhà nước gửi đoàn giám sát của Quốc hội về phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội 2015-2023.
Theo Ngân hàng Nhà nước, diễn biến trên thị trường bất động sản ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng.
Bất động sản là tài sản bảm đảm cho phần lớn các khoản vay tại tổ chức tín dụng, nên tác động tới an toàn hệ thống ngân hàng, giá trị tài sản bảo đảm, hạn mức cho vay dựa trên giá trị tài sản bảo đảm.
Cơ cấu sản phẩm trên thị trường bất động sản cũng tác động tới cơ cấu tín dụng với lĩnh vực này.
Tín dụng cấp cho bất động sản luôn tăng trưởng
“Thị trường bất động sản và hoạt động tín dụng có tác động qua lại”, Ngân hàng Nhà nước khái quát và cho hay, dư nợ tín dụng với lĩnh vực bất động sản từ năm 2015 đến 2023 đều tăng trưởng.
Dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 400 nghìn tỷ đồng vào giai đoạn 2015-2016. Sau 1 năm, dư nợ tín dụng bất động sản, xây dựng đạt 529 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 9,21%.
Từ 2018 đến nay, Ngân hàng Nhà nước thống kê dư nợ lĩnh vực bất động sản, bao gồm cả kinh doanh bất động sản và mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản.
Dư nợ tín dụng ở giai đoạn này luôn có “tỷ lệ tăng trưởng cao”, năm 2019 tăng 23,26%, năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của Covid-19, tín dụng bất động sản vẫn có sự tăng trưởng với tỷ lệ thấp hơn, lần lượt là 12,06% và 15,7%. Năm 2022, tỷ lệ này đạt 23,91%. Đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đất động sản đạt 11,81%.
Ngân hàng Nhà nước cho hay, trong dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản thì dư nợ kinh doanh bất động sản có tốc độ tăng trưởng biến động qua từng năm.
Đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 35,38%, cao hơn tỷ lệ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực bất động sản và tỷ lệ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế.
Trong khi, dư nợ tín dụng với mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản chỉ tăng thêm 1,08%, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Diễn biến này cho thấy nhu cầu vốn đang tập trung vào phía cung thị trường, tức các nhà phát triển, đầu tư bất động sản. Trong khi, người dân lại không có nhu cầu vay mua nhà đất.
Bất động sản chưa có nguồn vốn dài hạn ổn định
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, thị trường bất động sản chưa có nguồn vốn dài hạn ổn định dành cho doanh nghiệp, dự án. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn lĩnh vực này tăng nhanh, từ 24% lên 34%, sau 8 năm.
Điều này khiến các ngân hàng đối mặt với rủi ro kỳ hạn khi cho vay. Bởi, các dự án bất động sản thường có thời gian thu hồi vốn dài, trong khi vốn của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn.
“Chênh lệch kỳ hạn có thể dẫn đến rủi ro cho hệ thống ngân hàng khi người vay không trả nợ đúng hạn”, theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước.
Để có thêm nguồn lực, kênh huy động vốn dài hạn cho bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đề nghị Bộ Tài chính rà soát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, để các thị trường này phát triển, trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, giảm phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn tín dụng.
Các chủ đầu tư cũng cần có giải pháp chủ động về dòng tiền, nâng cao năng lực tài chính để giảm sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn vay ngân hàng.
Về phía mình, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sẽ điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô. Việc này nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các ngành, lĩnh vực trong đó có bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước cũng thanh tra, kiểm tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại, sai phạm của tổ chức tín dụng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận