Vật liệu xây dựng trông chờ bất động sản
Theo các chuyên gia, khi thị trường bất động sản phục hồi sẽ là yếu tố quan trọng góp phần kéo ngành thép trong nước khởi sắc trở lại.
Theo Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng tiêu thụ thép thành phẩm đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023.
Tín hiệu tích cực từ ngành thép
Tính riêng tháng 5 năm nay, tổng tiêu thụ thép toàn hệ thống đạt 351.700 tấn, tăng 1% so với tháng 4 và tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng tháng 5/2024 tăng tới 42% so với cùng kỳ năm 2023.
Tín hiệu tích cực của ngành vật liệu xây dựng cho thấy sự phục hồi của những thị trường có nhu cầu sử dụng thép như bất động sản. Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn phục hồi, thông thường ngành thép sẽ được hưởng lợi trong giai đoạn này nhờ sự hồi phục của thị trường bất động sản.
Từ thời điểm cuối năm ngoái, ngành thép đã dần khởi sắc và duy trì ổn định trong giai đoạn đầu năm nay. Dựa trên số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, trong 4 tháng đầu năm nay 2024, sản xuất thép thô đạt 7,15 triệu tấn, tăng 19%; tiêu thụ đạt 6,96 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Qua dự báo của VNSteel, nhu cầu tiêu thụ thép của Việt Nam trong năm nay sẽ phục hồi, nhưng ở mức độ yếu và chưa thể trở lại mức sản lượng như trước đại dịch Covid-19. Trong đó, sự xuất hiện của thép giá rẻ từ Trung Quốc là yếu tố mang tính rủi ro đối với ngành thép tại Việt Nam. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu sắt thép từ thị trường Trung Quốc là 2,9 tỷ USD, tăng 29%; lượng nhập khẩu đạt hơn 4 triệu tấn, tăng 49,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Do đó, các nhà sản xuất thép trong nước đang đề nghị cơ quan chức năng điều tra chống bán phá giá đối với hai sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc là HRC và thép mạ (tôn mạ).
Chờ thị trường khởi sắc
Từ đầu quý 2/2024, thị trường bất động sản đang dần phục hồi qua từng tháng. Một loạt dự án bất động sản đa dạng phân khúc được tái khởi động, giới thiệu ra thị trường trên cả nước, đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM…
Song Công ty Chứng khoán VPS cho rằng, yếu tố đầu ra quan trọng nhất đối với khả năng tiêu thụ nội địa ngành thép chính là bất động sản dân dụng. Hiện nay thị trường địa ốc vẫn chưa thực sự quay trở lại đà tăng mạnh như trước đây, bởi giá trị các dự án hoàn thành và các giao dịch thực hiện nhìn chung vẫn đang ở mức khá thấp so với những năm qua. Nhiều doanh nghiệp hầu hết đang triển khai nốt các dự án đã hoàn thiện pháp lý để bàn giao khách hàng. Do tốc độ hồi phục của thị trường bất động sản còn chậm nên chưa tác động mạnh đến tiêu thụ thép xây dựng trong nước.
Theo dự báo từ các chuyên gia, dấu hiệu phục hồi của thị trường bất động sản chỉ thực sự rõ nét kể từ nửa cuối năm 2024, khi các quy định mới của pháp luật có liên quan chính thức có hiệu lực. Cụ thể, Luật Đất đai 2024 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ tháo gỡ nút thắt về pháp lý cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các vướng mắc trong quá trình định giá đất, đền bù và giải phóng mặt bằng. Từ đó giúp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, mang lại nguồn cung cho thị trường.
Như nhận xét của ông Đinh Quốc Thái - Tổng Thư ký VSA, thị trường địa ốc phục hồi trong năm nay được kỳ vọng sẽ kéo theo nhu cầu thép gia tăng trở lại. Bên cạnh đó, nỗ lực đẩy nhanh giải ngân đầu tư công năm 2024 của Chính phủ cũng là một động lực để ngành thép tăng trưởng.
Trong thời gian tới, triển vọng của ngành thép được dự báo sẽ tươi sáng hơn. Bộ Công Thương đang nỗ lực hỗ trợ cho ngành này hồi phục và phát triển thông qua các giải pháp phù hợp. Cùng đó, Bộ cũng sẽ phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành để tận dụng cơ hội thị trường nội địa từ việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình giao thông, xây dựng trọng điểm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận