24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Mai Lan
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

VASEP tiếp tục kiến nghị không kiểm dịch với sản phẩm thủy sản chế biến dùng làm thực phẩm

Việc đưa các sản phẩm thuỷ sản chế biến dùng làm thực phẩm phải kiểm dịch bệnh theo Luật Thú y là đi ngược lại định hướng tinh thần cải cách của Chính phủ.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) lại tiếp tục kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) chỉ áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm với các sản phẩm thuỷ sản đã chế biến dùng làm thực phẩm như thủy sản khô, thủy sản nấu chín, đóng hộp chứ không kiểm dịch, chỉ kiểm dịch hàng thủy sản tươi sống…

Bộ NNPTNT đang đưa hàng thủy sản chế biến dùng làm thực phẩm như thủy sản khô, đóng hộp.. vào danh mục kiểm dịch trong Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT, Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT, 26/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư 18/2018/TT-BNNPTNT, dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 15 lại tiếp tục đưa các mặt hàng này vào danh mục phải kiểm dịch dù các doanh nghiệp và cả VASEP đã kiến nghị từ lâu và đã kiến nghị nhiều lần.

Ủng hộ hoàn toàn việc phải kiểm dịch các động vật và sản phẩm động vật sống, tươi, ướp hoặc không ướp đá vì đây là các đối tượng có nguy cơ mang theo các mầm bệnh lây lan ra môi trường và là tác nhân có thể gây bệnh cho vật nuôi, nhưng VASEP đang tỏ ra lo lắng khi thấy trong dự thảo thông tư thay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 (mã số HS đối với danh mục hàng hoá thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ NNPTNT) Bộ NNPTNT muốn kiểm dịch cả sản phẩm đã chế biến trong khi thế giới chỉ kiểm dịch tươi sống.

“Khi phải kiểm dịch theo Luật thú ý thì quy trình, thủ tục phức tạp hơn. Trong khi sản phẩm thủy sản chế biến nhập khẩu dùng làm thực phẩm được kiểm tra theo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm theo đúng Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm 2010. Chúng tôi đề nghị gọi đúng tên của hoạt động này là kiểm tra an toàn thực phẩm”, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó tổng thư ký của VASEP phát biểu.

Tháng 2 vừa qua VASEP đã có văn bản gửi Bộ NNPTNT góp ý cho thông tư thay thế Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT trong đó tiếp tục kiến nghị kiến nghị không đưa các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật thủy sản vào danh mục kiểm dịch theo Luật Thú y.

Mới đây, VASEP vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp nêu lên 5 vướng mắc, bất cập về pháp lý mà doanh nghiệp ngành thủy sản đang đối mặt. Trong văn bản này, VASEP lại tiếp tục kiến nghị không kiểm dịch với các mặt hàng thủy sản chế biến nhập khẩu làm thực phẩm mà đề nghị các mặt hàng này được kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng Nghị định 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký của VASEP cho rằng, việc duy trì mở rộng các đối tượng/danh mục “hàng chế biến” phải kiểm dịch là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, với quy định pháp luật cũng như thông lệ quốc tế hiện hành.

Đưa các mặt hàng thủy sản này vào diện phải kiểm dịch là không theo thông lệ quốc tế, là bất cập về pháp lý và gây tổn phí không đáng có cho doanh nghiệp và đi ngược lại tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh, giảm thiểu mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành của Chính phủ đã đưa ra trong loạt Nghị quyết 19 - Nghị quyết 02 ban hành hàng năm.

Về mặt pháp lý, Luật Thú y không quy định sản phẩm chế biến từ “sản phẩm động vật” hoặc sản phẩm có chứa “sản phẩm động vật” thuộc diện phải kiểm dịch động vật.

Luật An toàn Thực phẩm cũng chỉ quy định thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật mới phải có chứng nhận vệ sinh thú y của cơ quan thú y còn thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn chỉ phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

VASEP cho biết, có 160 quốc gia trong các quốc gia đang phát triển, (trong đó có Mỹ, EU, Nhật Bản, Anh, Canada) đang nhập khẩu sản phẩm thủy sản chế biến của Việt Nam ( đông lạnh, đồ hộp, hàng khô…) dùng làm thực phẩm cho người đều chỉ áp dụng kiểm tra an toàn thực phẩm thủy sản nhập khẩu chứ không kiểm dịch.

Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) hàng năm đều cập nhật với danh mục dịch bệnh cho từng đối tượng thủy sản: cá, nhuyễn thể, giáp xác… Và EU cũng chỉ yêu cầu chứng nhận an toàn dịch bệnh chỉ áp dụng đối với các loài cá và giáp xác sống. Hiện tại, chưa có DN nào của Việt Nam xuất khẩu thủy sản sống sang EU.

Như vậy với cùng mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dùng, bảo đảm an toàn thực phẩm thì thế giới kiểm tra an toàn thực phẩm còn Việt Nam lại kiểm dịch.

“Đưa sản phẩm thủy sản chế biến làm thực phẩm vào diện phải kiểm dịch theo Luật Thú y là quá mức cần thiết, không đúng và không phù hợp, sai về bản chất khoa học, đánh tráo khái niệm, trùng lắp nội dung khiến danh mục sản phẩm thủy sản phải chịu kiểm tra là rất nhiều đi ngược với tinh thần cắt giảm việc kiểm tra chuyên ngành mà Chính phủ đặt ra trong chuỗi Nghị quyết 19-Nghị quyết 02”, Phó Tổng thư ký VASEP phát biểu.

Về vấn đề này, TS.Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương - người luôn đau đáu với công cuộc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam cho rằng tất cả của các kiến nghị và phân tích của VASEP đều đúng.

“Mục đích kiểm dịch thì cần tập trung vào sản phẩm có nguy cơ cao. Việc mở rộng phạm vi kiểm dịch đến hàng nhập khẩu là thủy sản chế biến làm thực phẩm là quá mức cần thiết gây hại cho doanh nghiệp và đi ngược lại định hướng và tinh thần cải cách của Chính phủ. Kiểm dịch chỉ nên áp dụng với sản phẩm tươi sống. Sản phẩm đã chế biến thì nên áp dụng kiểm soát an toàn thực phẩm”, TS.Nguyễn Đình Cung kết luận.

5 vấn đề cần rà soát vì làm khó doanh nghiệp thủy sản

Một là, bất cập, vướng mắc trong QCVN 11-MT:2015 về nước thải chế biến thuỷ sản và Dự thảo QCVN nước thải công nghiệp 2021.

Hai là, bất cập, vướng mắc trong việc đưa các sản phẩm chế biến từ động vật, sản phẩm động vật thủy sản sử dụng cho con người tiêu dùng vào danh mục kiểm dịch thú y.

Ba là, bất cập, vướng mắc trong quy định mức thu kinh phí công đoàn 2% quỹ lương.

Bốn là, bất cập trong quy định và thực hiện về "kiểm dịch" và "thông quan" nguyên liệu thủy sản nhập khẩu.

Năm là, bất cập, vướng mắc trong thu phí sử dụng hạ tầng, dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cảng biển tại TP.HCM.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả