24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Băng Tâm
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vàng và chứng khoán cùng tăng giá, vì sao?

Thế giới vẫn đang trải qua giai đoạn khó lường và bất ổn hơn bao giờ hết. Giá vàng, vì thế có khả năng tiếp tục tăng, còn TTCK hiện nay càng tăng sẽ càng tách rời so với nền kinh tế thực.

Thông thường, giá vàng và cổ phiếu có diễn biến trái chiều, nhưng gần đây, hai loại tài sản này hầu như cùng tăng giá mạnh trên toàn cầu.

Khoác vai cùng leo dốc

Trong phiên giao dịch đầu tuần, giá vàng giữ vững đà leo dốc, vượt qua ngưỡng 1.800 USD/ounce, trong bối cảnh đồng USD xuống giá và mối lo ngại về sự gia tăng các ca lây nhiễm Covid-19 trên toàn cầu.

Giá vàng giao ngay đạt 1.803,8 USD/ounce, trong khi giá vàng tương lai ở mức trên 1.809 USD/ounce trong phiên đầu tuần. Ðây là lần đầu tiên kể từ ngày 20/9/2011, giá vàng leo tới gần mức 1.800 USD/ounce, một trong những ngưỡng cản lớn đối với kim loại quý này theo phân tích kỹ thuật.

“Ðại dịch Covid-19 vẫn chưa đi đâu xa và trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tổn thương, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa thể sớm thay đổi chính sách lãi suất hiện tại. Các yếu tố này đều tạo động lực tăng trưởng tích cực cho giá vàng”, Stephen Innes, chiến lược gia trưởng tại hãng dịch vụ tài chính AxiCorp cho biết.

Trong trung hạn, triển vọng hồi phục nền kinh tế vẫn khó đoán định và có nhiều yếu tố rủi ro tạo động lực tăng trưởng cho các loại tài sản được đánh giá là “bến đỗ an toàn”, mà vàng là điểm nhấn.

Darius McDermott, Giám đốc Chelsea Financial Services đánh giá, khi lãi suất ở mức thấp, giá vàng có triển vọng tăng trưởng tốt. Hiện tại, môi trường lãi suất tại Mỹ thậm chí có thể xuống mức âm, điều đang diễn ra tại châu Âu và chính điều này càng tạo trợ lực cho đà tăng của giá vàng trong ngắn và trung hạn.

Cùng chung quan điểm, Giles Coghlan, chiến lược gia trưởng thị trường tiền tệ tại hãng môi giới HYCM nhận định, vàng luôn là nơi trú ẩn an toàn được giới đầu tư tìm tới trong 3 cuộc khủng hoảng gần nhất là 1990 - 1991, 2001 và 2007 - 2009.

“Trong ngắn hạn, tôi đánh giá nhu cầu với vàng và các loại tài sản an toàn khác sẽ tiếp tục gia tăng, khi nhà đầu tư cần tìm biện pháp phòng hộ rủi ro. Với bối cảnh này, có nhiều lý do để tin giá vàng sẽ vượt qua ngưỡng 2.000 USD/ounce cho tới cuối năm”, Coghlan chia sẻ.

Ðáng chú ý, trong các cuộc khủng hoảng tài chính, giá vàng thường giảm mạnh sau khi có dấu hiệu nền kinh tế phục hồi và thị trường chứng khoán theo hướng leo dốc. Chẳng hạn, giai đoạn 2011 - 2015, giá vàng giảm gần 40%, trong khi thị trường chứng khoán giữ vững đà tăng.

Tình hình hiện tại đã có nhiều khác biệt, theo đó, chứng khoán đang diễn biến cùng chiều với giá vàng, khi thị trường chứng khoán toàn cầu vừa ghi nhận quý leo dốc mạnh mẽ nhất trong thập kỷ qua.

Hiện tại, thị trường chứng khoán toàn cầu đang giao dịch quanh mức đỉnh đạt được kể từ tháng 2/2020 và tiếp tục chờ đợi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý II cũng như nửa đầu năm nay.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Mỹ vào tháng 3, đẩy thị trường chứng khoán xuống đáy, các chỉ số đã tăng ít nhất 40% trong hơn 3 tháng qua, nhiều thời điểm ghi nhận kỷ lục cao nhất từ trước tới nay.

Không riêng tại Mỹ, các thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Trung Quốc cũng tăng tốc ấn tượng. Với đà tăng gần 6% trong 1 phiên giao dịch, chỉ số CSI 300 hiện ở mức cao nhất 5 năm qua, thậm chí còn gợi nhắc các thành viên thị trường về câu chuyện cách đây 5 năm, khi chứng khoán Trung Quốc bùng nổ năm 2015.

Có nhiều lý do để thị trường chứng khoán có những trải nghiệm phấn khích trong năm 2020, đi ngược với nỗi lo đại dịch và khiến nhiều nhà đầu tư tiếc rẻ rằng mình đã bỏ lỡ. Mặc dù số người nhiễm Covid-19 vẫn gia tăng, nhưng tâm lý của các thành phần kinh tế đã cải thiện đáng kể trong tháng 6, so với 3 tháng trước đó.

Theo Conference Board, Chỉ số Tự tin (Confidence Index) đã tăng lên mức 98,1 điểm trong tháng 6, so với mức 85,9 điểm trong tháng 5. Chỉ số Kỳ vọng (Expectations Index) tăng lên 106 điểm trong tháng 6, so với mức 97,6 điểm trong tháng 5.

Vàng và chứng khoán cùng tăng giá, vì sao?

Diễn biến chỉ báo VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư với chỉ số S&P 500.

Ngoài ra, chỉ báo VIX (CBOE Volatility Index - chỉ số tăng thể hiện nỗi sợ hãi của nhà đầu tư gia tăng và ngược lại) thường dùng để đo độ sợ hãi của nhà đầu tư từ chỉ số S&P 500. Diễn biến chỉ báo này cho thấy, nhà đầu tư có tâm lý sợ hãi, hoảng loạn giai đoạn tháng 3/2020, tuy nhiên sau đó thị trường hồi phục từ đầu tháng 4/2020, tâm lý nhà đầu tư dần ổn định. Tại Mỹ, xuất hiện trào lưu nhà đầu tư mua vào các doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản, điều này cho thấy sự hưng phấn quá đà đang diễn ra ở thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung.

Vàng và chứng khoán cùng tăng giá, vì sao?

Biểu đồ giá vàng và tương qua với chỉ số S&P 500.

Vàng và chứng khoán cùng tăng giá, vì sao?

Biểu đồ tương quan giá trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 1, 2, 5 và 10 năm.

Ba bài toán lớn hậu đại dịch

Nhiều TTCK tiếp tục tăng điểm mạnh nhờ vào nỗ lực của chính phủ các nước bằng việc bơm tiền ra nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế báo cáo tăng trưởng GDP nhiều quốc gia trên thế giới vẫn đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm qua.

Các tổ chức lớn như Bloomberg, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADP) đều có quan điểm tương đồng về khó khăn trong năm 2020, chỉ hồi phục từ năm 2021 cũng là do tăng trưởng của năm 2020 quá thấp.

Cụ thể, Bloomberg dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm 3,7% trong năm 2020, tăng trở lại 5% trong năm 2021 và tăng 3,3% trong năm 2022; WB dự báo, tăng trường GDP toàn cầu năm 2020 là âm 5,2%, năm 2021 là dương 4,2%; IMF dự báo, tăng trưởng GDP năm 2020 là âm 3%, năm 2021 là dương 5,8%. Cùng với đó, thế giới vẫn đang đối mặt với ba bài toán lớn chưa có lời giải.

Thứ nhất, đại dịch Covid-19 vẫn tồn tại và có dấu hiệu lan rộng ở các nước châu Âu, Mỹ, Nam Mỹ… Ðáng lo ngại hơn là khối nợ quốc gia của nhiều nước ngày một gia tăng, trong khi phải thực hiện kích cầu, tổng thu ngân sách giảm, áp lực nợ vay gốc và lãi chính tăng lên.

Theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), nợ toàn cầu tính tới quý III/2019 đã chạm mốc kỷ lục, lên đến 322% tổng GDP, ước tính giá trị nợ đạt 253.000 tỷ USD. Trong đó, Mỹ và châu Âu chiếm 50% nợ toàn cầu, nợ tại hai khu vực này chiếm 383% GDP. Trong khi đó, nợ ở các thị trường mới nổi khoảng 72.000 tỷ USD.

Nợ chính phủ sẽ là vấn đề lớn với cả các thị trường phát triển và mới nổi. Ðặc biệt, nhìn sang khu vực châu Âu và Mỹ là nơi bị dịch bệnh tác động mạnh nhất, hậu quả của việc doanh thu giảm, nợ vay cao và thiếu dòng tiền trả lãi.

Thứ hai, chủ nghĩa bảo hộ quốc gia có dấu hiệu lan rộng trên thế giới. Khi các chính phủ đều đồng bộ thực hiện các gói trợ cấp để chống lại suy thoái do Covid-19 gây ra, hành động này gieo mầm cho cuộc chiến thuế quan, hạn ngạch khi tất cả quốc gia đều muốn bảo vệ nền kinh tế nội địa, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu nhằm giúp kinh tế nhanh chóng hồi phục.

Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn có động thái đẩy các lỗi liên quan tới kiểm soát dịch yếu kém sang phía Trung Quốc, đổ lỗi kinh tế đi xuống do Trung Quốc lợi dụng Mỹ trong thương mại. Những cuộc đổ lỗi có thể dẫn tới rủi ro chiến tranh thương mại quay trở lại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Vàng và chứng khoán cùng tăng giá, vì sao?

Nhà đầu tư nên chọn gì, vàng hay chứng khoán?

Quan sát trên thị trường quốc tế cho thấy, những nhà đầu tư kinh nghiệm giữ thái độ thận trọng với diễn biến thị trường và chọn phương án phòng thủ thay vì đẩy mạnh đầu tư nắm giữ cổ phiếu. Vàng và trái phiếu tiếp tục là kênh giữ vốn.

Lịch sử đã chứng minh, vàng không đơn thuần là một kênh đầu tư, mà đó là tâm lý của giới đầu tư toàn cầu. Mỗi khi nền kinh tế trải qua giai đoạn khó khăn, cũng như các cuộc khủng hoảng tâm lý, người dân lại tăng cường tích trữ vàng, điều này vô hình trung tạo nên xu hướng tăng mạnh của giá vàng.

Ðặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia liên tục bơm tiền để hỗ trợ kinh tế dẫn đến đồng tiền mất giá, kênh đầu tư vàng thu hút hơn nữa.

Ðiểm đáng chú ý là không chỉ nhà đầu tư thông thường mua vàng, động thái mua ròng vàng để dự phòng né tránh lạm phát đang được nhiều ngân hàng trung ương thực hiện. Theo tính toán của Buyshares.co.uk, 10 quốc gia dự trữ vàng lớn nhất thế giới chiếm 50% tổng dự trữ.

Theo đó, Mỹ giữ 8.133 tấn, Ðức 3.363 tấn, Italia 2.451 tấn, Pháp 2.436 tấn, Nga 2.299 tấn, Trung Quốc 1.948 tấn, Thuỵ Sĩ 1.040 tấn, Nhật Bản 785 tấn, Ấn Ðộ 645 tấn, Hà Lan 612 tấn.

Ngoài ra, theo Blooberg, lượng vàng nắm giữ bởi các quỹ đầu tư đảm bảo bằng vàng đã lên tới gần 3.225 tấn, tăng 665 tấn từ đầu năm tới nay, mức tăng cao kỷ lục kể từ năm 2009.

Có thể thấy, nhiều quỹ đầu tư, người dân và chính phủ đang có động thái mua vàng tích trữ chống lại lạm phát. Ðiều này được dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian, cho tới khi nền kinh tế có dấu hiệu vượt qua khủng hoảng.

Nhìn chung, động thái giá vàng tăng đang phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư kinh nghiệm trước tương lai khó lường của nền kinh tế cũng như ngân hàng trung ương cũng muốn tích luỹ vàng để né tránh rủi ro mất giá tiền tệ.

Giá vàng tăng bao lâu sẽ phụ thuộc vào thời điểm kinh tế hồi phục, nếu như kinh tế chưa hồi phục ngay lập tức thì giá vàng nhiều khả năng duy trì giao dịch ở vùng giá cao. Giá vàng sẽ giảm khi nhà đầu tư nhìn thấy tương lai sáng hơn của nền kinh tế và chuyển danh mục từ phòng thủ sang mở rộng đầu tư.

Tại Việt Nam, giá vàng vượt 50 triệu đồng/lượng và lời khuyên của các chuyên gia trong nước cho rằng, nhà đầu tư nên đa dạng hóa tài sản, dù nhiều khả năng giá vàng còn tăng. TTCK có phiên giao dịch đầu tuần với mức giảm nhẹ 0,29% với thanh khoản dưới 5.000 tỷ đồng cho thấy, dòng tiền có dấu hiệu thận trọng trong giải ngân. Trong bối cảnh không có gì chắc chắn, nhà đầu tư nên quan tâm nhiều hơn đến cơ hội từng cổ phiếu, thay vì chọn đầu tư theo sự đoán định xu hướng của cả thị trường.

Giai đoạn khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008, giá vàng đã tăng cho tới khi nền kinh tế toàn cầu chạm đáy năm 2012 và sau đó hồi phục kinh tế, giá vàng mới bắt đầu giảm. Tương tự như vậy, giai đoạn năm 2015 khủng hoảng nợ công ở châu Âu, cũng như dấu hiệu bong bóng bất động sản ở Trung Quốc xì hơi đã khiến giới đầu tư tích trữ vàng nhiều hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả