Vàng trong nước đang bị làm giá?
Giai đoạn 2012 – 2013, chị tôi mua 10 lượng vàng với giá 47 triệu đồng, sau đó giá vàng xuống 37 triệu đồng thì lo sợ nó còn hạ nữa nên bán cắt lỗ; vậy là, sau một thời gian ngắn đầu tư vào vàng theo sự thúc giục của đám đông ‘mua vàng thì chỉ có lời đến lời’, chị tôi đã gặt về trái đắng là lỗ 100 triệu đồng.
Không riêng gì chị tôi mà nhiều người khi ấy cũng rơi vào hoàn cảnh đó. Vấn đề nằm ở ba yếu tố cốt lõi: Một là nhà đầu tư không có kiến thức về thị trường vàng; hai là đầu tư theo xu hướng đám đông, giá vàng cao thì mua vào, giá vàng xuống thì sợ hạ nữa nên bán ra; ba là sự làm giá của các công ty vàng trong nước (giá vàng trong nước có thời điểm cao ngất ngưởng so với giá vàng thế giới).
Yếu tố thứ ba đóng vai trò không hề nhỏ trong việc thua lỗ của các nhà đầu tư vàng không chuyên. Bởi lẽ, khi thị trường vàng thế giới nhích lên nhẹ thì vàng trong nước bị đẩy giá lên cao ngất ngưởng; khi giá vàng thế giới giảm, báo chí đưa tin rầm rộ thì giá vàng trong nước chỉ giảm nhỏ giọt hoặc đứng yên; nhiều nhà đầu tư không chuyên cứ nghĩ giá vàng lúc này thấp nên mua vào (thực tế lúc này mua vàng với giá cao hơn giá thế giới rất nhiều). Cái bong bóng vàng trong nước bất tuân theo quy luật thị trường, ở hiện trạng phình to như thế để hút máu của nhà đầu tư không chuyên. Nhưng một khi cái bong bóng vàng ấy tồn tại một cách phi thị trường quá lâu, truyền thông lên tiếng, đặt ra câu hỏi vàng đang bị ai làm giá… lúc này Ngân hàng Nhà nước đã dùng bảo kiếm Nghị định 24/2012 để đưa giá vàng về với giá trị thực của nó.
Một khi Nghị định 24/2012 được thực thi, cái bong bóng vàng bị xẹp, lúc này người bị thiệt hại chính là nhà đầu tư vàng không chuyên (bởi trước đó họ đã mua vàng với giá cao hơn giá trị thực của nó), các công ty vàng vẫn ấm túi như thường. Khi ấy tôi và nhiều người phải thốt lên: “Giá như Ngân hàng Nhà nước ra trận sớm hơn thì các nhà đầu tư vàng không chuyên đã không bị lỗ nặng như vậy”.
Tưởng chừng giai đoạn vàng bị làm giá đã qua, nhưng không ngờ trong mấy tháng gần đây Nghị định 24/2012 dường như bị cơ quan chức năng bỏ quên nên giá vàng trong nước lại tiếp tục bị làm giá. Hiện tại (tính lúc 18h30 ngày 05/3/2021), giá vàng thế giới đang quay quanh mức 1.700 USD/oz (nếu chưa tính thuế và phí thì dưới 48 triệu đồng/lượng), nhưng giá vàng miếng của nhiều công ty trong nước vẫn được treo cao ở mức trên 55,5 triệu đồng/lượng.
Theo khoản 1 Điều 51 Hiến pháp năm 2013, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tuy nhiên, vàng đang bị làm giá và đi lệch với thị trường là hồi chuông báo động đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Hành lang pháp lý đã có đầy đủ, giờ này cần người hành pháp thực thi đúng nhiệm vụ của mình được giao để đảm bảo vàng trong nước không bị làm giá, nhà đầu tư vàng nói riêng và người mua vàng nói chung không bị thiệt thòi khi phải mua vàng ở mức giá cao hơn giá trị thực của nó.
Qua đây, tôi mong rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải làm việc này một cách quyết liệt, triệt để chứ không phải đợi bong bóng vàng phình to, truyền thông lên tiếng mới lo làm xẹp nó, rồi sau đó lơ là thì nó lại tái xuất.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận