Vàng tiếp tục là kênh trú ẩn an toàn?
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta, cho rằng giá vàng có thể sẽ tiếp tục tăng do các nhà đầu tư vẫn đang tìm đến vàng làm nơi trú ẩn an toàn.
-Thưa ông, dịch cúm COVID-19 bùng phát đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ bị rơi vào khủng hoảng nếu dịch bệnh tiếp tục lây lan toàn cầu. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Thực ra vấn đề này cũng đúng thôi, bởi tình hình dịch bệnh không được kiểm soát sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế toàn cầu.
COVID-19 hiện được phát hiện ở ít nhất 56 quốc gia, các công ty đang điều chỉnh lại kỳ vọng lợi nhuận hàng năm, các nhà kinh tế cũng đang hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và các nhà hoạch định chính sách đã báo hiệu rằng họ sẵn sàng hành động để ổn định nền kinh tế.
Hiện có ba quốc gia đang bị ảnh hưởng lớn nhất bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc và Ý. Trong đó,Trung Quốc là công xưởng sản xuất của thế giới và cung ứng nguồn nguyên liệu cho nhiều nước, nên việc tắc nghẽn nguồn cung ứng này đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp.
Hàn Quốc cũng là thị trường chịu ảnh hưởng của đợt dịch này, trong khi đó đây là quốc gia có tác động lớn đến GDP toàn cầu, nên chắc chắn không tránh khỏi việc tác động đến kinh tế thế giới.
Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng, sẽ rất nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên dịch bệnh này sẽ không kéo dài mãi được, nên kinh tế toàn cầu có thể chỉ bị suy thoái, chứ chưa tới mức bị khủng hoảng như cảnh báo của nhiều chuyên gia.
- Trước nỗi lo bất ổn kinh tế toàn cầu, các nhà đầu tư đã tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn, như vàng... Điều này đã đẩy giá vàng lên mức đỉnh cao trong nhiều năm qua tại 1.691USD/oz. Theo ông, tại sao vàng lại được các nhà đầu tư chọn làm nơi trú ẩn an toàn? Phải chăng vàng đã quay trở lại thời kỳ vàng son của nó?
Thực ra, khi rủi ro xuất hiện, nhà đầu tư sẽ tìm tới hai kênh đầu tư: vàng và trái phiếu. Ngay từ đầu năm nay, vàng đã trở thành kênh trú ẩn an toàn khi xảy ra các đợt trấn động về địa chính trị giữa Mỹ và Iran. Với tình hình hiện tại khi dịch COVID-19 bùng phát, vàng cũng đã và đang trở thành kênh trú ẩn cho nhà đầu tư, khiến giá vàng lập đỉnh lại 1.691USD/oz đối với giá vàng quốc tế và 49,3 triệu VND/lượng đối với vàng miếng SJC.
Nhưng nhà đầu tư cần lưu ý, giá vàng không thể tăng mãi do yếu tố bất ổn toàn cầu. Tôi cho rằng từ nay đến hết quý 2/2020, giá vàng có thể sẽ duy trì ở mức hiện tại, nhưng để khẳng định đà tăng có kéo dài hay không phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khi nhìn lại quá khứ, các đợt dịch như SARS, Ebola bùng phát, cũng đã đều được kiểm soát sau một thời gian. Do đó, dịch COVID-19 cũng sẽ sớm được kiểm soát, nhất là khi Mỹ và Trung Quốc đã điều chế được vắc xin và sớm thử nghiệm lâm sàng trên người.Như vậy, có thể thấy vàng vẫn là tài sản trú ẩn trong ngắn hạn, cao nhất là trong quý 2/2020.
- Còn nhớ trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, nhiều quốc gia đã nới lỏng tiền tệ để kích cầu. Sau cuộc khủng hoảng này, lạm phát đã tăng phi mã ở nhiều quốc gia, đẩy giá vàng vọt lên mức cao kỷ lục 1.921USD/oz. Trong khi hiện nay, nhiều quốc gia đã nới lỏng tiền tệ để ứng phó dịch COVID-19. Vậy sau đại dịch này, lạm phát có tăng vọt và giá vàng cũng tăng mạnh như vậy không, thưa ông?
Vừa qua, nhiều quốc gia đã đưa ra chính sách kích cầu, thực ra đây là chính sách kích cầu đối với nguồn cung, nghĩa là dành cho khối doanh nghiệp sản xuất chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Về chính sách kích cầu, có hai giải pháp chính là chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Trong đó, chính sách tài khóa bao gồm việc giảm thuế cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn và chịu tác động từ dịch bệnh. Chính sách tiền tệ là giảm lãi vay cho các doanh nghiệp gặp vấn đề về đáo hạn nhằm mục đích tái cơ cấu các khoản nợ...
Việc nhiều quốc gia nới lỏng tiền tệ để giúp các doanh nghiệp ứng phó với dịch COVID-19, chắc chắn sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát trong tương lai. Một khi áp lực lạm phát gia tăng, có nghĩa là tiền tệ của các nước bị mất giá, thì các nhà đầu tư sẽ lại mua vàng để phòng ngừa rủi ro lạm phát. Bằng chứng là giá vàng đã tăng vọt lên 1.921USD/oz vào năm 2011 khi các quốc gia nới lỏng tiền tệ để ứng phó với khủng hoảng tài chính năm 2008-2009.
- Xin ông đưa ra nhận định của mình về xu hướng giá vàng trong năm 2020 và có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư?
Với yếu tố rủi ro của tình hình hiện tại, tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể lướt sóng trên thị trường vàng, chứ chưa nên đầu tư vàng dài hạn, vì giá vàng đang ở mức cao trong nhiều năm qua. Tất nhiên, việc lướt sóng và mua bán phụ thuộc vào chiến lược của mỗi nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nên lưu ý giá vàng tăng nhờ yếu tố nào? Như vừa qua, giá vàng tăng mạnh do các nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh, nên khi đầu tư vào vàng, cần theo dõi sát diễn biến dịch bệnh này để có chiến lược đầu tư hợp lý.
Trong thời điểm ngắn hạn, giá vàng có thể duy trì đà tăng đến thời điểm quý 2/2020. Bởi quý 2 là thời điểm mà nhiều quốc gia đang kỳ vọng sẽ kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Do đó, các nhà đầu tư cần cận trọng khi đầu tư vào vàng ở thời điểm đó.
Sang quý 3/2020, theo tôi, nhà đầu tư nên tìm kênh trú ẩn an toàn như trái phiếu. Bởi trái phiếu là kênh an toàn dài hạn nhất thời điểm hiện tại.
Xin cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận