Vàng lập đỉnh, có nên rút tiền gửi tiết kiệm để mua vàng?
Hôm nay (7/7), giá vàng đã lập kỷ lục mới khi có giá bán ra 50,3 triệu đồng/lượng. Nhiều người đang tự hỏi, có nên rút tiền gửi tiết kiệm để mua vàng?
Giá vàng trong nước nhảy vọt lên 50,3 triệu đồng/lượng
Trong phiên giao dịch sáng nay (7/7), sau khi chinh phục đỉnh lịch sử, giá vàng SJC tiếp tục lập đỉnh mới ở mức 50,3 triệu đồng/lượng.
Mở cửa thị trường trong nước sáng nay, tại thị trường Hà Nội, một số doanh nghiệp vàng lớn giao dịch giá vàng SJC ở mức 49,95 - 50,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 49,96 - 50,14 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC được doanh nghiệp niêm yết giao dịch ở mức 49,87 triệu - 50,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng mỗi chiều 230.000 đồng/lượng và 300.000 đồng/lượng.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế, thị trường vàng đang bị tác động mạnh bởi tình hình kinh tế thế giới và tình hình dịch bệnh tại nhiều nước. "Do sự bùng phát của dịch COVID-19, các nhà đầu tư đang cảm thấy bất an khi tình hình dịch bệnh ảnh hưởng tới túi tiền của họ. Việc giá vàng hạ nhiệt là do các nhà đầu tư rút tiền, ngừng đầu tư. Tuy vậy, gần đây, việc giá vàng tăng cao cho thấy các nhà đầu tư trên thế giới đang quay trở lại vào thị trường vàng - kênh đầu tư an toàn, các nhà đầu tư trong nước cũng như vậy", ông Trí nhận định.
Lãi suất tiền gửi giảm mạnh
Đầu tháng 7/2020, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng lớn đã giảm mạnh từ 0,2% - 0,5%/năm tùy từng kỳ hạn. Với nhóm ngân hàng có vốn nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, các khoản tiền gửi có kì hạn 1 tháng và 2 tháng được áp dụng cùng mức lãi suất là 3,7%/năm.
Kỳ hạn 3 - 5 tháng quanh mức 4%/năm, thấp hơn nhiều so với mức trần 4,25%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Các kỳ hạn 6 - 12 tháng ở các ngân hàng lớn cũng giảm nhanh, dao động ở khoảng 4,4% - 6%/năm, giảm khoảng 0,5%/năm so với trước.
Lý giải nguyên nhân khiến lãi suất tiền gửi giảm nhanh, bà Trần Hải Yến, Chuyên gia phân tích vĩ mô, công ty Cổ phần Bảo Việt cho rằng do hệ thống ngân hàng đang "thừa tiền". Hiện có khoảng 147 nghìn tỷ đồng tín phiếu đáo hạn, không được Ngân hàng nhà nước rút về.
Có nên rút tiền gửi ngân hàng để đầu tư vàng?
Mặc dù có một thực tế là nắm giữ vàng không đem lại thu nhập nhưng theo ông Oliver Gregson, giám đốc của JPMorgan tại Vương quốc Anh và Ireland, vàng luôn là một "bến đỗ" an toàn trong "cơn bão". Ông Gregson dự đoán giá vàng vào cuối năm sẽ là 1.750 USD/ounce.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho hay nhận định: "Do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng về y tế, không những vậy còn khủng hoảng về kinh tế, vì vậy, giá vàng đã tăng lên".
Giá vàng đang tăng cao, lãi suất ngân hàng giảm cùng nhiều yếu tố khác khiến vàng đang được xem là kênh đầu tư an toàn. Mặc dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm có xu hướng giảm nhẹ, song vẫn ở mức cao trên 6%/năm, vì thế, việc giữ một phần tiết để gửi tiết kiệm lúc này vẫn được xem là một giải pháp an toàn.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, người dân không nên bỏ trứng vào một giỏ, cần có sự nghiên cứu, theo dõi kỹ giá vàng trước khi đưa ra quyết định. Ngoài kênh đầu tư vào vàng, mọi người có thể gửi tiết kiệm ở ngân hàng, đầu tư chứng khoán, bất động sản. Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư cũng chỉ nên đầu tư bằng tiền nhàn rỗi nhằm đảm bảo an toàn cho dòng tiền khi có biến động về giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận