Vàng, Fed, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và lạm phát
Giá vàng có thể về dưới 1.900 USD/ounce, nhưng không giảm quá sâu, vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải “làm gì đó” để kiểm soát lợi suất trái phiếu, tạo ra một mức “sàn” cho giá vàng.
Quan điểm điều hành mới của Fed
Ngày 27/8, Fed đưa ra phát biểu quan trọng mà cả thị trường tài chính đều chờ đợi suốt tuần nay. Cả thị trường đều kỳ vọng, Fed sẽ chính thức thay đổi quan điểm điều hành lãi suất của mình.
Quan điểm điều hành lãi suất được chính thức quy định thành văn bản trong “Tuyên ngôn về chính sách dài hạn và chiến lược chính sách tiền tệ (Statement on Longer-Run Goals and Monetary Policy Strategy). Trước ngày 27/8, theo quan điểm ghi trong văn bản này, khi lạm phát chạm mức 2%, Fed sẽ phải cân nhắc điều chỉnh lãi suất để khống chế lạm phát.
Tuy nhiên, theo quan điểm điều hành mới đưa ra hôm 27/8, Fed sẽ hướng tới “chính sách mục tiêu lạm phát trung bình” (average inflation targeting). Điểm thay đổi chiến lược cốt lõi là, Fed sẽ không xem mức lạm phát mục tiêu 2% là trần lạm phát “cứng” buộc phải can thiệp nữa. Thay vào đó, Fed có thể chấp nhận để mức lạm phát tăng lên trên 2% trong một khoảng thời gian, miễn là giai đoạn trước đó lạm phát thấp hơn 2%. Nói cách khác, miễn là mức lạm phát trung bình của một giai đoạn ở quanh mức 2% là được.
Động thái trên của Fed được xem là mở đường cho lạm phát tăng lên trên 2%, có thể 3% hoặc hơn, miễn là thị trường việc làm và nền kinh tế khởi sắc. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói, Fed hy sinh một chút trách nhiệm ổn định giá cả để hỗ trợ nền kinh tế và thị trường việc làm.
Một số nhà phân tích dự đoán, tin tức trên sẽ tốt cho vàng, vì nếu lạm phát tăng lên, thì như nhiều người nói, vàng là công cụ phòng ngừa lạm phát tốt. Song thực tế ngược lại. Sau phát biểu của Fed, giá vàng quả thật có tăng từ 1.930 USD/ounce lên thẳng 1.970 USD/ounce. Nhưng sau đó chỉ trong vài phút, giá vàng đã giảm từ trên 1.970 USD/ounce về thẳng 1.911 USD/ounce (mà có người hình dung là như “thang máy đứt cáp”).
Lợi suất trái phiếu tăng kéo giá vàng giảm
Một lý do quan trọng là lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là chi phí cơ hội trực tiếp của vàng, ít nhất là với nhiều quỹ đầu tư. Đó là vì trong thời gian gần đây, một số quỹ đã chuyển một phần sở hữu trái phiếu sang vàng do lợi suất trái phiếu quá thấp. Chẳng hạn, một số quỹ đầu tư bảo hiểm và hưu trí ở Anh đang phân bổ lại danh mục các trái phiếu sắp đáo hạn sang vàng và cổ phiếu trả cổ tức cao, thay vì mua trái phiếu mới. Có thể hiểu, lợi suất trái phiếu cũng gần giống như lãi tiết kiệm, khi lãi tiết kiệm lên càng cao thì người ta sẽ chuyển sang gửi tiết kiệm nhiều hơn là giữ vàng, bởi vì giữ vàng không được nhận lãi.
Lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ đang ở mức cực thấp, dưới 0,68%. Song vài ngày gần đây, lợi suất này đột ngột tăng lên trên 0,75%. Tuy mức chênh lệch khá nhỏ, người ta sợ lợi suất trái phiếu này sẽ tăng lại về những mốc cao hơn và sẽ dần tiến về 1%. Điều này nằm ngoài mong muốn của Fed, vì Fed muốn giữ lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Thế nhưng, diễn biến thị trường trái phiếu không chiều lòng Fed vì nhiều nhà đầu tư trái phiếu đang bán trái phiếu ra.
Có nhiều nguyên nhân thúc đẩy nhà đầu tư bán trái phiếu, trong đó có việc các quỹ đầu tư đang đón đầu tín hiệu nối lại đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, do đó kỳ vọng kinh tế thế giới sẽ khởi sắc. Nếu điều này thành sự thật, thì thị trường cổ phiếu sẽ tăng mạnh, nhất là những cổ phiếu hàng không, khách sạn, ngân hàng.
Sau phát biểu của Fed, người ta quả thật nhìn thấy những cổ phiếu ngân hàng, khách sạn và hàng không lên giá, có cổ phiếu như American Airlines tăng giá hơn 10%, bất chấp việc họ vừa tuyên bố khó khăn hơn dự kiến và sẽ phải sa thải tiếp gần 20.000 nhân viên.
Đó có thể là tín hiệu của việc nhiều quỹ đầu tư đang tiếp tục bán trái phiếu và mua vào những cổ phiếu bị dịch bệnh làm điêu đứng. Họ tin rằng, với quan điểm hỗ trợ nền kinh tế của Fed, kinh tế Mỹ sẽ sớm hồi phục và cổ phiếu các ngành này cũng thế. Xu thế này càng kéo dài, thì lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ càng tăng vì nhà đầu tư sẽ bán trái phiếu ra mua cổ phiếu. Điều đó không có lợi cho vàng.
Bắt đáy vàng trong ngắn hạn: Đánh cược vào gói kích thích kinh tế và can thiệp của Fed
Có ý kiến cho rằng, Fed sẽ sớm can thiệp vào thị trường trái phiếu và giữ cho lợi suất không tăng nữa, vì vậy sẽ tạo ra một mức trần với lợi suất trái phiếu và do đó tạo ra một sự hỗ trợ cho vàng. Một số nhà phân tích cho rằng, vàng có thể giảm về dưới 1.900 USD/ounce, nhưng sẽ không giảm quá sâu, vì Fed sẽ phải “làm gì đó” để kiểm soát lợi suất trái phiếu (gọi là “yield control”), vì vậy tạo ra một mức “sàn” cho giá vàng.
Nói cách khác, bắt đáy giá vàng vào thời điểm hiện tại là đặt cược vào khả năng lợi suất của trái phiếu Mỹ sẽ không tăng quá mạnh nữa. Đó có thể là một tính toán hợp lý vì bản thân chính sách tiền tệ mới của Fed đã hàm ý là, họ sẵn sàng hỗ trợ nền kinh tế, hy sinh cả lạm phát, nên sẽ không muốn lợi suất trái phiếu tăng mạnh.
Một nhân tố khác cũng sẽ ảnh hưởng đến giá vàng là gói cứu trợ kinh tế Mỹ sắp tới vẫn đang “kẹt” lại ở thượng viện. Quy mô gói cứu trợ và thời điểm vẫn là ẩn số khi các chính trị gia Mỹ không ngừng tranh cãi. Theo diễn biến khi những gói cứu trợ trước đây được tung ra, nhà đầu tư xem đó là tín hiệu bơm tiền mạnh và làm suy yếu USD, vì vậy sẽ có lợi cho vàng. Tuy nhiên, khi nào tung ra gói cứu trợ vẫn là một câu hỏi. Bắt đáy quá sớm với vàng thì có thể sẽ bị lỗ nặng trước khi những chính sách tiền tệ và tài khóa này thật sự đi đúng dự đoán của nhà đầu tư.
Yếu tố dài hạn: Sức mạnh USD và lợi suất trái phiếu Mỹ
Về dài hạn, lợi suất trái phiếu Mỹ và sức mạnh của USD so với những đồng tiền khác là nhân tố chính ảnh hưởng giá vàng. Các biến số này phụ thuộc vào vô cùng nhiều chính sách của các nước và những biến số khác. Giới đầu tư mua vàng giữ dài hạn trong danh mục của họ vì đặt cược vào khả năng lợi suất trái phiếu Mỹ sẽ vẫn thấp và USD sẽ giảm giá nhiều so với các đồng tiền chủ chốt khác. Đó là một trong nhiều kịch bản có khả năng xảy ra, không phải chắc chắn sẽ diễn ra.
Lấy ví dụ, phát biểu ngày 27/8 của Fed đúng ra sẽ tác động xấu cho USD, vì nó hàm ý chấp nhận lạm phát cao hơn và lợi suất cao hơn. Nhưng trái lại, USD tăng giá so với euro và yên Nhật. Điều gì đang xảy ra?
Có người cho là vì lợi suất trái phiếu Mỹ tăng, nên mua có lợi hơn mua trái phiếu Nhật, làm tăng nhu cầu USD. Cũng có người cho rằng, hành động của Fed sẽ nâng đỡ nền kinh tế Mỹ và do vậy về lâu dài cổ phiếu Mỹ sẽ lên giá. Vì vậy, nhu cầu của USD cũng tăng. Bất kể như thế nào, đó là những điều nằm ngoài dự đoán của không ít nhà phân tích.
Ví dụ trên cho thấy, những thay đổi chính sách của từng nước, diễn biến địa chính trị phức tạp đều tác động đến USD. Xu thế USD vì vậy không chỉ dựa vào chính sách kinh tế của Mỹ, mà còn của các nước khác. Cược vào giá vàng tăng mạnh là cược vào USD sẽ mất giá dài hạn. Đây chỉ là một ván cược mà thôi. Nếu các nước khác, như Trung Quốc, EU và Nhật Bản in tiền còn nhiều hơn cả Mỹ, thì USD lại sẽ lên giá, chứ không mất giá. Vậy vàng lúc đó sẽ thế nào?
Chỉ có thời gian mới có thể trả lời.
Thời gian qua, giá vàng thế giới có biến động mạnh do Covid-19 tái phát tại nhiều quốc gia, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo đánh giá của NHNN, giá vàng trong nước diễn biến tăng phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế. Mặc dù giá vàng trong nước và thế giới có nhiều biến động, song thị trường vàng trong nước vẫn được đảm bảo, không xuất hiện tình trạng đầu cơ.
Tuy nhiên, có một thực tế đã và đang diễn ra khiến những người mua vàng trong nước chịu thiệt, đó là ở những thời điểm vàng tăng cao, các tiệm vàng niêm yết giá mua - bán khá xa, lên đến 4,5-4,7 triệu đồng/lượng. Các nhà vàng đang đẩy rủi ro cho khách hàng. Khách mua giá cao, nhưng luôn bị các tiệm vàng thu vào giá thấp hơn.
Tâm lý của người mua vàng trong nước đã phần nào khác trước, song vẫn chưa hết xu hướng đám đông, thấy vàng tăng thì muốn vào thị trường, nhưng khi giá giảm thì chưa vội mua. Do đó, khi giá vàng quốc tế lập đỉnh 2.070 USD/ounce đẩy giá vàng trong nước lên 62,45 triệu đồng/lượng, không ít người đã “rót” tiền vào vàng. Sau đó, khi vàng thế giới giảm, giá trong nước điều chỉnh, nhiều người đem vàng đi bán.
Người mua vàng trong nước nên thận trọng, không chỉ kỳ vọng “lướt sóng” kiếm lời, vì rủi ro luôn đi kèm với lợi nhuận, nên cần có cái nhìn dài hơi trong đầu tư. Vàng vẫn được dự báo có cơ hội tạo “sóng” trong thời gian tới, khi dịch bệnh còn tác động lên kinh tế toàn cầu và căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo GDP toàn cầu xuống mức tăng trưởng âm 5,2% trong năm nay. Bức tranh kinh tế ảm đạm như vậy, cộng với các biện pháp, chính sách tài khoá tiền tệ của các quốc gia đã làm suy giảm USD. Từ thực trạng này, giá vàng đã được đẩy lên cao.
Vàng vốn là kênh đầu tư lâu đời, nên sớm muộn gì nhà đầu tư cũng tìm tới như hầm trú ẩn an toàn trước quá nhiều biến động xã hội và kinh tế như hiện nay. Tuy nhiên, chênh lệch mua - bán lên tới 1 triệu đồng/lượng cho thấy, các doanh nghiệp vàng cũng đang rất thận trọng trước động thái tăng, giảm của giá vàng. Với nhà đầu tư nhỏ lẻ, chênh lệch mua - bán quá cao như hiện nay là rủi ro rất lớn nếu có tâm lý lướt sóng vàng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận