Vận tải hành khách liên tỉnh sau Tết vẫn đìu hiu
Trong khi hàng không và đường sắt đang hoạt động sôi nổi với những chuyến đi khách ngồi kín ghế thì các bến xe vẫn đìu hiu. Những chuyến xe lăn bánh vẫn trong tình trạng trống ghế nhiều.
Bến xe đìu hiu, xe khách cùng xe ôm “đói khách”
10 giờ 30 phút ngày 10/2, tại khu vực cổng trước Bến xe Mỹ Đình, tài xế taxi và xe ôm công nghệ đứng thành từng nhóm nhỏ. Họ vừa trò chuyện, vừa đảo mắt khắp nơi mong tìm được một “thượng đế” nào đó xuất hiện.
Cái rét tê tái luồn qua được cả nhiều lớp áo, xuyên thấu vào từng thớ thịt bên trong khiến nhiều người run lên lẩy bẩy, đứng co cụm lại để dùng chính hơi ấm cơ thể mình để sưởi cho nhau. Một vài người không chịu được rét đã phải gom củi lại đốt lửa lên để sưởi.
Cảnh tượng đìu hiu, vắng lặng dường như vẫn bám riết lấy các bến xe dù kỳ nghỉ Tết đã đi qua. Nhiều người đã trở lại TP bắt đầu cho một năm làm việc mới.
Đứng cạnh chiếc xe wave cũ kỹ, anh Trần Văn Công (quê Thái Bình, làm nghề xe ôm ở khu vực Bến xe Mỹ Đình) thở dài: “Đứng từ sáng đến giờ mà mới được một “cuốc” vài chục nghìn. Chẳng biết từ giờ đến tối có khá hơn không chứ cứ như thế này thì đói lắm”.
Người đàn ông này cho biết đã hành nghề xe ôm được gần chục năm. Khu vực hoạt động chính là Bến xe Mỹ Đình. Vào cuối năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người người rủ nhau rời bỏ Hà Nội về quê để tránh dịch khiến cho bến xe vắng lặng, những người hành nghề xe ôm như anh Công rơi vào tình trạng “thất nghiệp”. Cuối cùng anh cũng phải nghỉ Tết sớm.
“Cuối năm mà chẳng có khách, tôi về quê ăn Tết từ 20 tháng Chạp Âm lịch. Mãi hôm mùng 8 Tết vừa rồi mới lên lại Hà Nội để đi làm. Cứ nghĩ đầu năm khách sẽ nhiều hơn mà thấy vẫn ảm đạm lắm. Tình hình này chắc phải chuyển nghề khác mới sống được” – anh Công nói với giọng buồn rầu.
Bên trong Bến xe Mỹ Đình, cảnh tưởng cũng không sôi động hơn là bao. Tại khu vực bến đi, chỉ lác đác vài chiếc xe khách. Phần lớn trong số này là xe chạy tuyến gần như Hà Nội – Lạng Sơn, Hà Nội – Vĩnh Phúc, Hà Nội – Hòa Bình... Có nhiều xe dù đã sát giờ xuất bến nhưng hành khách mới lác đác vài người.
Anh Lê Quân (tài xế xe chạy tuyến Hà Nội – Lạng Sơn) ngồi trầm ngâm trên ghế lái, mắt dán vào chiếc điện thoại trên tay chơi game để... giết thời gian. Khi được hỏi về tình hình khách đi xe, nam tài xế này còn không buồn ngước mặt lên nhìn, buông một câu với giọng chán nản: “Khách như thế nào à? Anh cứ lên xe đếm là biết”.
Từ phía trong xe, giọng một hành khách nói vọng ra với giọng bông đùa: “Xe đông lắm. Mỗi người vài ghế, tha hồ thích nằm ngủ cũng được”. Một vài tiếng cười gượng gạo vang lên càng khiến cho không khí thêm đìu hiu và buồn tẻ. Nhìn sang những xe khách gần đó, tình hình cũng chẳng có gì khác. Do quá vắng khách nên nhiều nhà xe đã phải nhận vận chuyển thêm hàng hóa đề bù tiền xăng dầu, phí đường bộ nhưng nguồn thu cũng chẳng khá hơn là bao.
Nhu cầu đi lại của người dân vẫn lớn
Trao đổi với phóng viên Kinh tế&Đô thị, ông Nguyễn Mạnh Tuấn – Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho biết, sau kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022, hầu hết DN vận tải hành khách liên tỉnh bằng ô tô đã hoạt động trở lại nhưng nhìn chung lượng hành khách qua bến xe vẫn còn rất thấp. “Đây là tình hình chung của hầu hết bến xe ở Hà Nội chứ không chỉ riêng Bến xe Gia Lâm” – ông Nguyễn Mạnh Tuấn nói.
Thống kê mới nhất của Bến xe Gia Lâm, hiện tại trung bình mỗi ngày bến chỉ có khoảng 180 lượt xe khách ra vào bến. So với công suất 550 – 600 xe/ngày của bến thì con số 180 xe/ngày là quá thấp. Tuy nhiên, đấy mới là tính về lượt xe ra vào còn nếu tính về lượng hành khách trên mỗi chuyến xe thì sẽ còn ảm đạm hơn rất nhiều. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn cho hay, các xe xuất bến thường chỉ lác đác vài khách, thậm chí có xe còn chạy không. Tình trạng này không khác là mấy so với thời điểm trước kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần 2022.
“Nhìn chung giờ phần lớn các nhà xe đều chỉ chạy cầm chừng thôi. Xe lúc nào cũng sẵn nhưng để xe hoạt động lại phụ thuộc vào lượng khách trong khi khách đi xe vẫn rất vắng. Với lượng khách như hiện nay cộng thêm chí phí xăng, dầu, cầu đường lên cao, các nhà xe hoạt động đều không thể đảm bảo được doanh thu” – ông Nguyễn Mạnh Tuấn phân tích.
Đại diện nhiều bến xe nhận định, tình trạng vắng khách tại các bến xe không phản ánh hết được thực trạng nhu cầu di chuyển của người dân sau Tết. Trên thực tế, nhu cầu đi lại của người dân vẫn là rất lớn dù cho cả nước vẫn đang chịu sự ảnh hưởng của Covid-19.
Xu hướng sử dụng xe cá nhân để di chuyển đang ngày một phổ biến nhưng điều đó không phải nguyên nhân chính khiến ô tô khách vắng người đi. Sự bùng phát của loại hình dịch vụ xe hợp đồng, xe limousine mới là nguyên nhân khiến các bến xe ngày càng vắng vẻ. Xe khách vẫn là loại hình vận tải có giá thành rẻ nhất. Nhưng xe limousine lại tiện lợi và đưa đón khách tận nơi. Chính vì điều này mà nhiều người đã chuyển sang đi xe limousine hoặc đi xe ghép để tiết kiệm chi phí và cũng tiện lợi hơn cho hành trình của mình.
“Xe khách hiện nay rõ ràng không thể cạnh tranh được. Cần có một cơ chế quản lý xe limousine, xe hợp đồng chặt chẽ hơn để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng cho các DN vận tải hoạt động” – ông Nguyễn Mạnh Tuấn khẳng định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận