Vận tải hàng hóa thời dịch: Rối như canh hẹ
Sau 4 làn sóng COVID - 19 với những đợt “bùng dịch” khó kiểm soát, thị trường vận tải hàng hóa, hành khách luôn tái diễn cảnh “rối như canh hẹ” do loạn cách điều hành, mỗi nơi một phách. Việc thiếu quy chuẩn về vận tải áp dụng toàn quốc khi có dịch bệnh khiến nhà quản lý lúng túng, doanh nghiệp (DN) phải xoay chóng mặt.
Tắc vì thiếu chuẩn chung
Hơn 1 năm qua, mỗi đợt dịch COVID-19 bùng phát, lưu thông hàng hóa lại bị gián đoạn. Nơi làm ra hàng hóa không đem đi tiêu thụ được, nơi cần không có để mua. Tình trạng ngăn sông, cấm chợ, xe hàng từ tỉnh này không được vào tỉnh khác vẫn còn. Nếu lái xe muốn đi qua thì bị “hành” kiểu cứ vài ngày lại phải trình một giấy xác nhận xét nghiệm COVID-19. Tình trạng này từng xảy ra, thậm chí có lúc làm “tê liệt” hoạt động vận tải tại Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang. Mới đây, vận chuyển hàng hóa thiết yếu tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam cũng tê liệt.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Thế Phương, Giám đốc Công ty CP Giao nhận Vận tải Phương Lâm (Hải Phòng) cho biết, lý do để xảy ra tình trạng trên nằm ở chỗ chưa có một quy định nào làm chuẩn cho xe vận tải áp dụng trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19. Ngay quy định về xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng chưa rõ là buộc lái xe dùng xét nghiệm PCR hay test nhanh; thời gian có hiệu lực cũng chưa thống nhất, nên mỗi địa phương thực hiện một kiểu”, ông Phương nói.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền phản ánh, thực tế xe vận tải lưu thông trên đường còn nhiều vướng mắc khi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh.
Cũng theo vị này, quy định phòng chống dịch do Bộ Y tế ban hành, Bộ GTVT chịu trách nhiệm về lưu thông hàng hóa, nhưng khi lây lan dịch bệnh trách nhiệm lại thuộc về chính quyền địa phương. Điều này dẫn tới, bộ ngành ra văn bản hướng dẫn nhưng địa phương vẫn có quy định riêng cho mục tiêu kiểm soát dịch bệnh. Tổng cục Đường bộ cấp thẻ nhận diện cho xe chở hàng toàn quốc, nhưng Hải Phòng lại dán thêm thẻ màu đỏ, vàng, xanh để nhận diện theo nhóm nguy cơ riêng. “Chuyện ách tắc lưu thông hàng hóa cứ vòng quanh và đương nhiên xảy ra khi mỗi nơi thực hiện một cách riêng”, ông Phương nói thêm.
Hiện tại, xét nghiệm PCR có giá 720 nghìn đồng/mẫu, test nhanh giá 230 nghìn đồng/mẫu, nếu xét nghiệm gộp chi phí rẻ hơn, nhưng không phải lúc nào cũng có nhiều mẫu để gộp. Xét nghiệm PCR phải chờ 24 giờ sau mới có kết quả, giá trị sử dụng chỉ 72 giờ từ khi lấy mẫu, nên thực tế kết quả chỉ dùng được trong 2 ngày.
Để giải quyết, ông Đặng Thế Phương bày tỏ mong muốn Chính phủ sớm có một chỉ đạo, quy định chung về điều kiện đi lại để thực hiện trên toàn quốc trong điều kiện có dịch bệnh. Trong đó quy định rõ: loại xét nghiệm, giá trị sử dụng, quyền hạn của bộ ngành, địa phương; quy định cho xe chở hàng, chở khách, xe cá nhân... “Quy định không chỉ cho lần này, khi có dịch bùng phát, địa phương và doanh nghiệp cứ theo đó làm. Có như vậy mới giải quyết được tình trạng ùn ứ lưu thông hàng hóa mỗi khi bùng dịch”, ông Phương nói thêm.
Chủ doanh nghiệp vận tải trên cũng kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu quy định về giá trị của việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19; giấy chứng nhận đã tiêm vắc - xin liệu có thay được xét nghiệm?
Vẫn đang xử lý tình thế
Mới đây, sau khi có kiến nghị từ Bộ GTVT và Công Thương, Bộ Y tế đã có văn bản 5753/BYT-MT hướng dẫn xét nghiệm người vận chuyển hàng hoá trên cả nước. Bộ Y tế cho phép xe chở hàng nội tỉnh, xe đi lại giữa 19 tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 không cần giấy xét nghiệm COVID-19 với tài xế và người đi theo xe. Trường hợp xe đi từ vùng cách ly sang vùng khác, hoặc từ tỉnh có dịch sang địa phương liền kề áp dụng chống dịch với yêu cầu thấp hơn mới cần giấy xét nghiệm. Giấy xét nghiệm theo phương pháp PCR hay test nhanh đều có giá trị trong 72 giờ (tính từ khi lấy mẫu). Lái xe phải di chuyển đúng lộ trình, hạn chế tiếp xúc người khác, ghi chép hành trình, thường xuyên mở cửa kính, thực hiện 5K... Bộ Y tế cũng cho phép các địa phương bố trí điểm xét nghiệm tại các trạm dừng nghỉ cung cấp cho tài xế khi cần.
Theo số liệu của Bộ GTVT, tới hết ngày 20/7, phần mềm cấp giấy nhận diện phương tiện vận tải ưu tiên theo luồng xanh có mã QR của Tổng cục Đường bộ đã cấp cho 1.914 xe của 50 tỉnh hành. Ngoài ra, hệ thống của sở GTVT đã cấp thẻ nhận diện cho trên 39.200 xe vận tải ưu tiên theo luồng xanh. Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) cho biết, do ban đầu các địa phương áp dụng Chỉ thị 16 còn lúng túng, mỗi nơi một kiểu, nên có xảy ra ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, tới nay tình hình đã cơ bản thông suốt. Về quy định áp dụng thống nhất toàn quốc, Tổng cục Đường bộ đã có phần mềm cấp giấy nhận diện kèm mã QR trên phạm vi cả nước. Khi lái xe qua chốt kiểm tra chỉ cần quét mã sẽ được tạo điều kiện. Dự kiến, tới đây Bộ Y tế sẽ tích hợp kết quả xét nghiệm COVID-19 của tài xế lên mã QR này, để quét 1 lần sẽ cho ra các thông tin cần biết. Thời gian giải quyết cấp giấy nhận diện qua hệ thống của Tổng cục Đường bộ khoảng 1 giờ và hoàn toàn miễn phí.
Với hướng dẫn về y tế, theo văn bản 5753/BYT-MT của Bộ Y tế áp dụng cho toàn quốc, xe lưu thông nội tỉnh và giữa 19 tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 không cần xét nghiệm COVID-19. Tuy nhiên, sáng 20/7, có một số địa phương chưa áp dụng hoặc quy định khác, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản đề nghị các địa phương áp dụng thống nhất. “Chúng tôi cũng có văn bản kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chỉ đạo các tỉnh thành áp dụng thống nhất theo những quy định trên, không đưa ra thêm quy định khác, tránh mỗi nơi một kiểu”, đại diện Tổng cục Đường bộ nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận