menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ái Vy

Vận tải đường sắt: Sẽ hồi sinh trong... sự quên lãng?

Sự phát triển không tương xứng với cơ sở hạ tầng sẵn có khiến vận tải đường sắt ngày càng thụt lùi. Những cố gắng của Cục đường sắt Việt Nam liệu có “cứu nguy” kịp thời trước nguy cơ chết yểu?

Thực tế đáng buồn

Là một trong những tuyến đường sắt đầu tiên tại miền Bắc, tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng có lịch sử lâu đời, là tuyến quan trọng bậc nhất về vận tải hàng hóa và hành khách của đường sắt Việt Nam. Tuyến đường này giúp giải phóng được lượng hàng hóa khu vực đầu mối ở phía Bắc đồng bằng Bắc bộ nói chung, khu vực cảng Hải Phòng nói riêng. Bên cạnh đó, thu hút được hàng xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc đi Trung Á, châu Âu và ngược lại.

Nhưng hiện nay nó lại không phát huy nổi thế mạnh vận tải trong vành đai trọng điểm kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Tuyến đường sắt này mới chỉ kết nối được với cảng Hoàng Diệu, cảng Vật Cách, cảng Cái Lân.

Tại cảng Hoàng Diệu nhiều năm qua có sử dụng kết nối đường sắt nhưng số lượng đơn hàng ít nên việc kết nối chưa đem lại hiệu quả cao. Tại Quảng Ninh, hoạt động khai thác đường sắt tại cảng Cái Lân chưa thực hiện được. Trên toàn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có nhiều ga đầu mối trung gian nhưng chưa ga nào tham gia được vào quá trình vận chuyển theo cung đường, chặng đường nên làm giảm hiệu quả khai thác cả tuyến.

Đây cũng là thực trạng mà TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội rất bức xúc khi cho rằng: Vai trò của cảng biển rất quan trọng, nhưng hiện nhiều cảng không có kết nối hạ tầng phía sau, đặc biệt là giữa cảng biển và đường sắt. Ví dụ như Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải hiện không có đường sắt. Hay như cảng Lạch Huyện, dù vay vốn lớn của Nhật Bản nhưng cũng không có đường sắt.

Chuyến động mới

Mới đây, trong buổi tiếp đoàn công tác của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, ông Lê Văn Thành – Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, thành phố đang tập trung phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng giao thông và mong muốn sẽ cùng hợp tác với tỉnh Vân Nam để mở chuyến bay giữa Hải Phòng - Vân Nam cũng như thúc đẩy xây dựng đường sắt tốc độ cao.

Cũng tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Thành Phát - Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam nhất trí sẽ cùng với thành phố Hải Phòng phối hợp để thúc đẩy xây dựng tuyến bay giữa Côn Minh – Hải Phòng, đặc biệt xây dựng tuyến đường sắt cao tốc.

Trước đó, từ cuối năm 2017, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã khai trương tuyến tàu hàng chuyên tuyến liên vận quốc tế Hải Phòng – Lào Cai – Sơn Yêu – Khai Viễn, với với cự ly vận chuyển là 610km từ ga Hải Phòng (Việt Nam) đến ga Khai Viễn (Trung Quốc). Tuyến vận tải đường sắt này được kì vọng sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa giữa hai nước được thông thương một cách nhanh chóng, thuận tiện và an toàn, tiết kiệm chi phí hơn so với đường bộ.

Liệu đây có phải là những tín hiệu đáng mừng cho sự “hồi sinh” của vận tải đường sắt Việt Nam nói chung và đường sắt Hải Phòng nói riêng khi mà ngành vận tải này đang có nguy cơ rơi vào…quên lãng. Thậm chí, Hải Phòng từng có ý định di dời tuyến đường sắt ra khỏi nội đô, đồng nghĩa với việc “cắt đứt” tuyến vận tải hàng hóa từ cảng tới các khu vực khác.

Sẽ hồi sinh?

Nhìn từ thực tế có thể thấy rằng, so với các ngành vận tải khác, đường sắt phát triển vô cùng “èo uột, cầm hơi” từng ngày. Trong khi đó, nó từng là xương sống của ngành vận tải chuyên chở hàng hóa. Ông Khương Thế Duy, Phó cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam phải thừa nhận việc kết nối đường sắt với các cảng biển gần như không được xây mới mà chỉ dựa vào hầu hết các tuyến đường sắt cũ. Trong bối cảnh các cảng biển phát triển mạnh mẽ thì ngành đường sắt đầu tư nhỏ giọt và chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều tuyến đường sắt tại các cảng biển phía Bắc hiện nay đã bị tháo dỡ, một số khác thì hoạt động cầm chừng.

Không thể phủ nhận ưu điểm của đường sắt: khối lượng vận chuyển lớn, thời gian giao hàng ổn định, hạn chế tai nạn giao thông…Nhưng sự phát triển nhanh – mạnh của vận tải đường bộ, cảng biển, đường hàng không khiến vận tải đường sắt ngày càng “chết yểu”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể từng chia sẻ: “Từ thời Pháp thuộc, chỉ có mấy cảng biển mà họ vẫn làm đường sắt vào cảng. Bây giờ, trục đường Bắc – Nam thông suốt, nhiều cảng biển nhưng vẫn không có đường sắt vào cảng thì làm sao phát huy logistic? Trong khi, đường sắt đóng vai trò vận tải lớn”. Hướng đi nào cho ngành này khi mà mọi sự đầu tư đều chưa đúng mức?

Nhìn nhận khách quan có thể thấy rằng hệ thống đường sắt trong nước hiện nay đã hoàn thiện với nhiều ga tàu trên khắp các tỉnh thành lớn của cả nước. Dù nguồn vốn đầu tư còn hạn hẹp nhưng Cục đường sắt đã và đang nỗ lực từng bước cải thiện chất lượng dịch vụ của ngành này. Trong đó, tập trung xây dựng nhánh đường sắt kết nối các chân hàng lớn, ổn định, cải tạo các ga hàng hóa hợp lý để khai thác tối đa năng lực dư thừa của tuyến phù hợp với quy hoạch.

Nhiều đề xuất giải pháp ưu tiên đã được đề ra. Đầu tiên phải kể đến kiến nghị đầu tư nâng cấp hệ thống kho, bãi hàng tại ga Hà Đông trên tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM theo hình thức xã hội hóa đầu tư, để tăng cường kết nối với đường bộ, phục vụ vận chuyển hàng rời (gỗ, thạch cao) và tiến tới hàng container đi Lào và ngược lại. Các tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai; tuyến đường sắt Gia Lâm – Hải Phòng; tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng...cũng được đề xuất nhiều giải pháp ưu tiên nhằm tăng tính kết nối, tăng thị phần vận tải giữa các tuyến, giảm tải cho đường bộ.

Cùng với đó, Cục Đường sắt phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam rà soát, bổ sung các quy hoạch để tăng kết nối đường sắt vào các cảng biển loại I trở lên, các khu công nghiệp, khu đô thị lớn.

Hi vọng với những biện pháp thực tiễn của ngành đường sắt sẽ tạo ra bước ngoặt lớn, tạo sức bật để vận tải đường sắt tăng trưởng mạnh mẽ trong thị trường logistics.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại