24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoài Nhật
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vận tải đường sắt Hà Nội (HRT) đặt mục tiêu có lãi vào năm 2022

CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội (HRT) vừa trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2020 với chỉ tiêu lỗ nhẹ và theo dự kiến của Ban lãnh đạo HRT, tới năm 2022, Công ty mới có lãi trở lại.

Kỳ vọng hưởng lợi từ dự án đầu tư công từ năm 2022

Tại Ðại hội đồng cổ đông thường niên của CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội (mã HRT) tổ chức đầu tuần này, việc giải bài toán thua lỗ là vấn đề được cổ đông đưa ra chất vấn Ban lãnh đạo Công ty.

HRT được cổ phần hóa năm 2015 với vốn điều lệ hơn 800 tỷ đồng, cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 91% cổ phần là Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam. Công ty đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường UPCoM từ năm 2016.

Theo báo cáo tài chính năm 2019, Công ty đạt doanh thu 2.594 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,8 tỷ đồng. Do còn lỗ lũy kế (71 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019), Công ty không chia cổ tức.

Kế hoạch năm 2020, HRT đặt mục tiêu doanh thu 1.636 tỷ đồng, lỗ 335 triệu đồng.

Chất vấn Ban lãnh đạo về hiệu quả hoạt động, một cổ đông HRT nhận xét, Công ty càng làm càng lỗ, năm nào cũng đóng mới toa tàu nhưng kết quả kinh doanh không cải thiện. Theo kế hoạch đặt ra năm 2020, Công ty tiếp tục lỗ, vậy làm thế nào đạt được mục tiêu có lãi vào năm 2022?

Tại Ðại hội, đại diện Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam cũng có ý kiến, Công ty cần rà soát lại các giải pháp đã triển khai, đánh giá lại giải pháp nào hiệu quả, giải pháp nào không có kết quả để có phương án thích hợp.

Năm 2020, HRT dự kiến triển khai 18 danh mục dự án đề nghị đầu tư mới với tổng mức đầu tư hơn 345 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ nguồn khấu hao tài sản cố định được sử dụng trong năm 2020 là gần 200 tỷ đồng.

Dự án lớn nhất là đầu tư đóng mới 200 toa xe hàng, dự kiến đầu tư 300 tỷ đồng. Trước mắt, Công ty bố trí 23,5 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được bổ sung vào năm 2021 và vay vốn ngân hàng.

Chia sẻ với cổ đông, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, hiện Dự án 7.000tỷ đồng (theo Nghị quyết 556/NQ-UBTVQH14 về phương án sử dụng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án đường sắt và các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách) đang thi công dẫn đến các tuyến đường sắt bị ảnh hưởng.

Nhưng đến năm 2022, khi dự án hoàn thành thì HRT sẽ được hưởng nhiều điều kiện kỹ thuật thuận lợi, tải trọng tàu được nâng lên và đây là cơ hội để Công ty có thể tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, xóa lỗ lũy kế.

Về khoản nợ của khách hàng hơn 89 tỷ đồng, Ban lãnh đạo HRT cho biết, có hơn 10 tỷ đồng đến từ khách hàng truyền thống Apatit (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam). Số nợ còn lại đến từ nhiều khách hàng khác nhưng các khoản nợ từ 1 tỷ đồng trở lên đều có bảo lãnh ngân hàng.

Hợp nhất để tránh… cạnh tranh!

Liên quan phương án hợp nhất HRT với CTCP Vận tải đường sắt Sài Gòn, ý kiến cổ đông bày tỏ lo ngại về quyền lợi khi hợp nhất và đề nghị cho biết lộ trình. Chủ tọa Ðại hội cho biết, đây mới là chủ trương.

Sau khi được Ðại hội đồng cổ đông thông qua, Công ty sẽ xây dựng đề án cụ thể, khi đó mới tính toán đến tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu. Chủ tọa Ðại hội khẳng định, việc hợp nhất sẽ thực hiện theo các quy định pháp luật và quyền lợi của cổ đông sẽ được đảm bảo theo pháp luật.

Một cán bộ quản lý của Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam cho biết thêm, sau khi nhiều công ty con thuộc Tổng công ty được cổ phần hóa, Tổng công ty đã nghiên cứu và thấy rằng do có tập khách hàng chung nên phát sinh cạnh tranh nội bộ, dẫn tới sụt giảm hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

Việc hợp nhất hai công ty đường sắt Hà Nội và TP.HCM nhằm mục đích chuyên môn hoá, tách bạch vận tải hàng hoá và vận tải hành khách, hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ, tập hợp nguồn lực để nâng cao năng lực cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, hạ giá thành vận tải…

Hiện đề án đã được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chấp thuận, trình Chính phủ và hiện đang chờ Chính phủ phê duyệt.

Về phương hướng hoạt động sau sáp nhập, Ban lãnh đạo Công ty cho biết, cụ thể còn phải chờ chủ trương được Chính phủ phê duyệt, sau đó xây dựng đề án, nhưng về cơ bản sẽ tách vận tải hành khách và vận tải hàng hóa riêng, có thể hình thành công ty con.

Sau cổ phần hóa, HRT đang quản lý và sử dụng 17 cơ sở nhà đất. Có 4 cơ sở nhà đất đã hoàn thành thủ tục chuyển đổi, ký hợp đồng thuê với Nhà nước bao gồm: Nhà điều hành tại Bắc Giang, Chi nhánh Vận tải đường sắt Yên Bái, trụ sở Trạm công tác tại Yên Bái, Văn phòng chi nhánh tại Lào Cai. Có 3 cơ sở đang mời gọi đối tác hợp tác khai thác.

Còn lại 14 cơ sở nhà đất nằm rải rác ở nhiều tỉnh, thành phố và chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi. Đơn cử như trụ sở HRT tại số 130 Lê Duẩn (Hà Nội), Công ty đã nhiều lần đề nghị nhưng các sở chưa chấp thuận vì vướng quy hoạch đường sắt trên cao.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
13.80 (0.00%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả