24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trọng Tình
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vẫn rối giải ngân gói an sinh 26 nghìn tỷ

Một số địa phương đã phải điều chỉnh các điều kiện nhận hỗ trợ từ Nhà nước cho phù hợp thực tiễn.

Đa số lao động tự do tại các đô thị lớn, đặc biệt là tại Hà Nội đều từ quê ra, ít khi họ đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại nơi ở trọ.

Lúc mất việc làm, họ khó nhận được hỗ trợ từ Nhà nước thông qua gói an sinh xã hội 26 nghìn tỷ đồng, vì chính quyền địa phương yêu cầu phải có đăng ký cư trú, thậm chí phải có xác nhận từ chính quyền địa phương ở quê là chưa nhận hỗ trợ.

Một số địa phương đã phải điều chỉnh các điều kiện nhận hỗ trợ từ Nhà nước cho phù hợp thực tiễn.

Loay hoay sửa đổi

Anh Lê Xuân Hân (48 tuổi, quê Thanh Hóa) làm dịch vụ dọn và chuyển nhà. Hiện tại, anh mắc kẹt trong căn nhà trọ tạm bợ cuối ngõ 28 phố Dương Văn Bé (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Chia sẻ với PV Tin Phong, anh Hân cho biết, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần này, đã hơn 2 tháng anh không có việc làm.

“Tiền ăn cũng cạn, anh em trong xóm trọ chia nhau bát gạo, mớ rau cùng vượt mỗi ngày thôi, cũng không biết làm sao bây giờ. Tiền trọ 1 triệu đồng/tháng, chia 2 người, đã 2 tháng nay chưa thấy chủ nhà nhắc, nhưng chúng tôi cũng phải trả.

Gói hỗ trợ từ Nhà nước dành cho lao động nghèo chúng tôi cũng có nghe, nhưng chưa thấy chính quyền thông báo hay phổ biến gì. Nghe qua về các điều kiện lao động phải đăng ký tạm trú, hoặc có hộ khẩu ở thành phố… mới được nhận hỗ trợ, tôi thấy mình không đạt được yêu cầu”, anh nói.

Theo anh, anh em trong dãy trọ khó khăn ra sao chủ nhà và chính quyền biết cả, ít ngày trước, phường tới khu trọ lấy mẫu xét nghiệm cho mọi người do cách khu có người nhiễm bệnh chỉ vài chục mét.

Theo điều kiện của UBND TPHà Nội đưa ra về gói hỗ trợ người lao động (LĐ) lần 2, LĐ tự do muốn nhận hỗ trợ phải là người thường trú hoặc tạm trú tại Thủ đô; giấy tạm trú phải có thêm xác nhận của cơ quan chức năng tại nơi LĐ thường trú rằng họ chưa nhận hỗ trợ (hoặc ngược lại).

Trong khi Hà Nội đang áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, hạn chế người dân đi lại, rời nơi ở để LĐ có các giấy tờ trên rất khó. Quy định này tương tự quy định gói an sinh lần 1 áp dụng năm 2020, người nhận hỗ trợ chủ yếu có hộ khẩu trên địa bàn sinh sống.

LĐ tự do từ các tỉnh, thành phố khác về Hà Nội làm việc và thuê trọ đa số không đăng ký tạm trú, nên khó tiếp cận để được hỗ trợ, trong khi họ không chỉ cần tiền trang trải ăn, mặc mà còn phải trả tiền nhà trọ, tiền điện, nước giá cao ở Thủ đô.

Do đó, ngày 12/8, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội có văn bản và được UBND thành phố chấp thuận cho tạm thời xử lý linh hoạt, không yêu cầu LĐ tự do có giấy tờ tạm trú đồng thời được xác nhận chưa nhận hỗ trợ...

Thay vào đó, chính quyền địa phương nơi chi trả hỗ trợ phải thông báo tới địa phương người dân đăng ký thường trú để tránh chi trùng lặp. Ngay sau đó, ngày 13/8, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội có văn bản hỏa tốc gửi các quận, huyện đề nghị triển khai theo hướng trên.

Tuy nhiên, tới ngày 16/8, một số phường tại Hà Nội vẫn chưa triển khai quy định sửa đổi này để hỗ trợ người dân. Tại phường Đại Kim (quận Hoàng Mai), cuối tuần trước, một số tổ dân phố mới nhận được văn bản hướng dẫn của UBND phường (ký ngày 10/8).

Hướng dẫn này vẫn theo quy định cũ, tức người LĐ tự do phải thường trú hoặc tạm trú, có “xác nhận 2 chiều” chưa nhận hỗ trợ, trong khi văn bản hướng dẫn sửa đổi bỏ quy định này vẫn chưa được gửi tới cơ quan chức năng ở địa bàn LĐ cư trú.

Phía Nam linh động triển khai

Với các địa phương ở phía Nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu..., việc hỗ trợ LĐ tự do từ gói an sinh lần 2 được tiến hành nhanh gọn và dễ dàng hơn với người bán vé số dạo, kinh phí được lấy từ các công ty xổ số, chia cho LĐ theo danh sách địa phương lập, không yêu cầu điều kiện cư trú, nên tới nay đã chi xong.

Với LĐ tự do ở trọ trên địa bàn, chính quyền không yêu cầu về điều kiện cư trú hay xác nhận chưa nhận hỗ trợ, vì thực tế họ đang ở đó và rất khó khăn, nên người LĐ dễ dàng được nhận hỗ trợ.

Trao đổi với PV Tin Phong, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, cho biết, LĐ tự do đăng ký và được phê duyệt hỗ trợ, dù họ đã rời Bình Dương về quê vẫn được nhận tiền. Tiền hỗ trợ sẽ chi theo số tài khoản người LĐ cung cấp, hoặc người LĐ có thể bảo lưu để nhận khi trở lại Bình Dương làm việc.

Tuy vậy, theo ông Tuyên, việc triển khai gói hỗ trợ cũng gặp khó khăn cần hỗ trợ ngay, đặc biệt là với LĐ trong khu vực phong tỏa, giãn cách. Do người LĐ ở trong khu vực phong tỏa, không thể ra phường nộp hồ sơ, cán bộ địa phương cũng không thể vào từng nhà, nên việc lập danh sách khó khăn, chi hỗ trợ bị chậm.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tới hết ngày 15/8, cả nước có 37/63 tỉnh thành phê duyệt danh sách hỗ trợ gần 1,27 triệu LĐ tự do và nhóm đặc thù khác (trên 100.000 người bán vé số lưu động). Trong đó, đã có 28 tỉnh, thành chi trả gần 1.364 tỷ đồng để hỗ trợ trên 962.000 LĐ tự do khó khăn (chủ yếu khu vực phía Nam). Các địa phương cũng chi trên 182 tỷ đồng hỗ trợ gần 164.000 người thuộc diện đặc thù.

Ngày 16/8, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trần Quốc Khánh, cho biết, tính tới trưa 15/8, Sở nhận được danh sách đề nghị hỗ trợ của trên 93.500 LĐ tự do, tổng số tiền hỗ trợ dự kiến hơn 123 tỷ đồng. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt chi hỗ trợ trên 90 tỷ đồng cho hơn 71.000 người.

Ngoài ra, đã có hơn 3.600 người bán vé số lưu động được chi hỗ trợ trên 2,7 tỷ đồng.

Theo ông Khánh, dịch COVID-19 trong tỉnh tiếp tục phức tạp, số LĐ gặp khó khăn tăng cao hơn dự kiến ban đầu, nên phải điều chỉnh chính sách. Sở LĐ-TB&XH đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để hỗ trợ tốt hơn LĐ tự do mất việc đã đăng ký cư trú (thường trú hoặc tạm trú)....

Sở cũng kiến nghị UBND tỉnh cho địa phương điều chuyển kinh phí chưa chi hỗ trợ LĐ tạm nghỉ việc không lương sang chi trước cho LĐ tự do phát sinh vượt dự toán đang gặp khó khăn.

Ngoài chính sách từ gói an sinh 26 nghìn tỷ đồng, ngày 14/8, UBND tỉnh Bình Dương quyết định hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người LĐ khó khăn đang ở trọ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 1 lần trị giá 500.000 đồng/người trong tháng 8 (bằng tiền, hoặc lương thực, thực phẩm). Việc xác nhận danh sách người nhận hỗ trợ do ban điều hành khu, ấp xét và UBND cấp xã xác nhận (không phân biệt có đăng ký tạm trú, thường trú hay không, chỉ trừ công nhân đang làm việc tại các đơn vị còn hoạt động).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả