Vẫn nhức nhối vấn nạn hàng giả, hàng nhái
Hàng giả, hàng nhái rất dễ gây rủi ro và không có bảo hành chất lượng cho người tiêu dùng. Đồng thời, làm suy giảm độ tin cậy của xã hội đối với danh tiếng của các DN kinh doanh chân chính.
Bà Nguyễn Thị Quyên, Trưởng phòng Pháp chế Công ty TNHH Panasonic Việt Nam chia sẻ, trên thị trường, hàng giả về đồ gia dụng, hàng điện tử, thiết bị điện, pin… rất đa dạng về chủng loại. Những mặt hàng này chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn và Móng Cái. Đặc biệt, hàng giả xuất hiện khắp các tỉnh thành và ngày càng nhiều trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc các trang web của các nhà cung cấp.
Chia sẻ về vấn nạn trên, ông Ngô Sĩ Nghị - Phó tổng giám đốc CTCP Ngôi sao châu Âu - đơn vị chuyên kinh doanh ngành hóa mỹ phẩm, phân phối độc quyền các sản phẩm từ Ý về Việt Nam cho biết, DN này nhiều lần phải khốn khổ vì hàng giả, hàng nhái. Sau nhiều năm xây dựng và phát triển, các sản phẩm mà DN này phân phối đã được nhiều người tiêu dùng Việt Nam đón nhận. Tuy nhiên đây cũng chính là thời điểm mà DN phải đối mặt với vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Mới đây, đại diện công ty đã phối hợp với lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một điểm bán hàng ở Hà Nội. Kết quả phát hiện gần 2.000 sản phẩm tại đây không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, trong đó nhiều sản phẩm nhái thương hiệu nước hoa Tesori mà công ty nhập về, ông Ngô Sĩ Nghị cho biết thêm.
Tình trạng này cũng diễn ra phổ biến đối với mặt hàng gas. Ông Đoàn Trọng Thà, Trưởng Ban chống gian lận thương mại - Hiệp hội Gas Việt Nam cho hay, tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ bình của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra thị trường. Việc làm trên đã gây thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, Nhà nước thất thu thuế và là một trong các nguyên nhân gây ra cháy nổ.
Hàng giả, hàng nhái rất dễ gây rủi ro và không có bảo hành chất lượng cho người tiêu dùng. Đồng thời, làm suy giảm độ tin cậy của xã hội đối với danh tiếng của các DN kinh doanh chân chính.
Việt Nam hiện đã và đang chịu tác động bởi các hiệp định thương mại tự do (FTA), do đó hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào các thị trường khác để lẩn tránh mức thuế suất cao. Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp… gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này.
Trong bối cảnh đó, vai trò quản lý, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan là rất quan trọng trong việc kiểm soát xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, để bảo vệ các nhà sản xuất Việt Nam, thu hút đầu tư trong nước để sản xuất sản phẩm xuất khẩu đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.
Ông Nguyễn Xuân Khương, Phó Đội trưởng Đội 4, Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính cho hay, đến thời điểm hiện tại, cơ quan hải quan đã kiểm tra 78 doanh nghiệp, tổng số trị giá hàng xuất khẩu là 647 tỷ đồng, phát hiện 391 C/O giả và 1.894 C/O không đủ điều kiện. Đặc biệt cuối năm 2019 đã phát hiện một CTCP có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, không có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng đã lợi dụng danh nghĩa là hội viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu cho 33 doanh nghiệp, với trị giá hàng vi phạm khoảng 600 tỷ đồng. Đây là một thủ đoạn gian lận mới, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam, vụ việc đã được Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển cơ quan điều tra đề nghị khởi tố điều tra làm rõ.
Theo đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an, hiện nay đã xuất hiện tình trạng một số DN Trung Quốc chuyển dịch nhà máy sang Việt Nam để sản xuất hàng hóa, nhưng thực chất là đưa hàng hóa, chi tiết, linh kiện sang Việt Nam rồi gia công, lắp ráp đơn giản để gắn nhãn “Made in Vietnam”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), kinh doanh hàng giả trên môi trường thương mại điện tử tập trung vào 3 nhóm hàng hóa chính, gồm: đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; và đồ gia dụng. Đặc biệt, những mặt hàng giả được bán nhiều trên môi trường thương mại điện tử là những mặt hàng có giá trị cao, do nước ngoài sản xuất. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi: kinh doanh online, phân tán hàng hóa… dẫn đến khó thu thập chứng cứ vi phạm, đối tượng vi phạm. Ngoài ra, người dân dù biết hàng giả vẫn mua vì giá rẻ, hoặc chưa đủ kỹ năng và thông tin để nhận biết.
Để xử lý rốt ráo vấn đề này với kết quả cao, ông Nguyễn Xuân Khương nhấn mạnh, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương (Cục quản lý cạnh tranh, Cục Xuất nhập khẩu), Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội ngành hàng... để thực hiện kiểm tra, đối chiếu nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ theo từng lô hàng. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, phát hiện các vụ việc gian lận cho cán bộ, công chức hải quan; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của cộng đồng DN xuất nhập khẩu.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận