Vấn nạn hàng lậu, hàng giả qua kênh trực tuyến
Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, hình thức giao dịch trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo, quảng cáo bằng hình ảnh hoặc phát sóng trực tiếp giới thiệu sản phẩm đến khách hàng là kênh đưa hàng lậu hàng giả hàng kém chất
TP.HCM là địa bàn trọng điểm về lưu thông hàng hóa, có nhiều tuyến đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không vào thành phố; có nhiều kho hàng, bến bãi, điểm trung chuyển, giao nhận hàng hóa. Bên cạnh đó, các đối tượng hoạt động buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm rất đa dạng, phức tạp; dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với các lực lượng chức năng; hàng hóa được cất giấu tại các kho hàng và được quảng cáo, giao dịch mua bán qua các trang mạng xã hội, website thương mại. Các hàng hóa này thường được đặt mua từ các website nước ngoài, sau đó được xách tay hoặc vận chuyển bằng đường sắt, đường hàng không và đường biển về Việt Nam; cùng với đó, là hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng được trà trộn với hàng hóa nhập khẩu hợp pháp, hàng thật nên rất khó khăn trong việc phát hiện, kiểm tra.
Trên thực tế, vấn đề lớn nhất hiện nay là việc kiểm tra, xử lý hàng hóa vi phạm về sở hữu trí tuệ, xử lý thông tin trên các website thương mại điện tử, các trang mạng xã hội. Việc giao dịch mua bán thường được thực hiện qua điện thoại, tin nhắn, môi trường mạng internet. Giao dịch phổ biến nhất là giao nhận bằng xe gắn máy, với số lượng rất ít nên rất cơ động và rất khó phát hiện. Đặc biệt, hàng hóa vi phạm thường được chứa trữ tại các căn hộ chung cư, nhà trọ, nhà thuê là chỗ ở mà việc ban hành quyết định khám xét thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện nên việc kiểm tra, xử lý tại các nơi này là vô cùng khó khăn và rất phức tạp.
Bên cạnh đó, hiện nay, phần lớn chủ đầu tư của các trung tâm thương mại, các chợ tư nhân tại TP.HCM là chỉ cho thuê địa điểm, mặt bằng. Chính vì thế, khi có kiểm tra, xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các trung tâm này thì không có cơ chế, quy định để ràng buộc trách nhiệm hoặc xử lý đối với chủ đầu tư. Đối với các chợ do Nhà nước đầu tư, Ban quản lý cũng thường không thực hiện đầy đủ chức năng của mình là thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người kinh doanh; thông tin cảnh báo cho người dân về các trường hợp vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả và thông tin, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm.
Theo Cục Quản lý thị trường TP.HCM, hàng lậu, hàng giả được tiêu thụ chủ yếu là hàng Trung Quốc, được các đối tượng vận chuyển về trữ chứa tại các kho hàng và phân phối đi nhiều nơi. Các sàn thương mại điện tử tuy đã rà soát những cá nhân kinh doanh nhưng vẫn không thể sàng lọc được những đối tượng kinh doanh bất chính, lợi dụng để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng. Đa số mặt hàng nhập lậu có giá trị lớn, đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ hơn so với hàng nhập khẩu chính thức và dễ tiêu thụ trên thị trường. Hoạt động kinh doanh, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả diễn biến ngày càng phức tạp, tác động đến nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.
Cục Quản lý Thị trường cho biết đã phối hợp với công an và các lực lượng chức năng, trong thị trường nội địa, nhằm triệt phá các tụ điểm tập kết, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm; tổ chức kiểm tra kiểm soát, tập trung xử lý các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; kịp thời ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các điểm tập kết, kho tàng, bến bãi; nơi giao nhận hàng hóa trên tất cả các tuyến hàng không, đường bộ, đường sắt, bưu điện… để phát hiện hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ nước ngoài vận chuyển vào Việt Nam tại TP.HCM.
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường TP.HCM nhận định công tác kiểm tra, kiểm soát qua các trang mạng điện tử chưa đi vào chiều sâu, chỉ mới xử lý phần lớn các trường hợp thiết lập website thương mại điện tử bán hàng không thông báo hoặc không đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; chưa khai thác thông tin nguồn gốc hàng hóa, nơi cất giấu và chứa trữ hàng hóa hay đầu mối cung cấp hàng hóa cho các đối tượng kinh doanh. “Trước mắt, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM sẽ tăng cường áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo dõi các đường dây vận chuyển tàng trữ hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để có phương án kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định”, ông Trương Văn Ba, Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận