Văn hóa nghỉ việc - Khi cộng sự thân thiết rời đi
Với các công ty tư tầm trung trở xuống, một vấn đề thường xuyên xảy ra là một ngày nào đó, cộng sự/nhân viên cao cấp rất thân thiết với bạn bỗng dưng xin nghỉ việc. Sau khi tìm hiểu thì biết cộng sự/nhân viên ấy đã xin việc và làm cho công ty khác. Bao nhiêu năm chăm sóc và đối đãi tử tế cuối cùng bị phụ lòng thế này ư? Hành xử như thế có được không?
Và thế là bạn lên cơn, làm tanh bành mọi thứ, hoặc là năn nỉ thuyết phục nhân viên ở lại. Khi họ quyết chí ra đi, đặc biệt là khi làm cho đối thủ, bạn cảm thấy bị phản bội và giận dữ tuyên bố “đã đi thì cấm kỳ trở lại nhé”. Và cuối cùng quan hệ của bạn với cộng sự đổ vỡ đến mức không thể hàn gắn được. Mỗi lần nhắc đến nhau thì đầy uất hận: “Thằng/con ấy vô ơn. Anh/chị đã tạo dựng cho nó từ khi còn trứng nước”. Còn cộng sự thì bảo: “Em không thể chịu được ông/bà ấy nữa, làm với ông/bà ấy mệt mỏi lắm”.
Cảm giác này rất thường gặp và phần lớn phản ứng như trên xảy ra với những người thế hệ 5-6-7X như chúng tôi. Trong khi đó với các bạn thế hệ 8X-9X trở đi, có lẽ họ sẽ rất ngạc nhiên và bực bội khi các sếp đầu 5-6-7x phản ứng như vậy với sự nghỉ việc của họ.
Tại sao lại thế? Một phần, đối với thế hệ 7X trở về trước, chúng tôi thích anh em quây quần, yêu thương. Văn hoá kiểu “vườn đào kết nghĩa”, “trung thành tuyệt đối” đã ngấm vào máu theo văn hoá Á Đông.
Nhưng thực ra, phần lớn là do nhân sự chất lượng cao của Việt Nam còn quá ít, và “lòng tin” trong xã hội của chúng ta vẫn còn rất thấp do pháp luật chưa chặt chẽ nên chúng ta luôn phải dựa vào quan hệ xã hội, tình anh/chị em để duy trì một công ty ổn định. Ở những nền kinh tế phát triển, chất lượng và số lượng nhân sự cao hơn rất nhiều nên các công ty luôn tìm được người thay thế nhanh hơn ở Việt Nam và do vậy các lãnh đạo không có cảm giác đau đớn, bị phản bội như trên.
Tôi từng làm vị trí quản lý cao cấp ở một công ty tư vấn lớn. Việc mất người cho các công ty bên ngoài đối với chúng tôi là chuyện thường ngày phải đối mặt. Chính sách của công ty và văn hoá của của sếp tổng ở Việt Nam luôn là tạo điều kiện và ủng hộ để họ ra đi. Những người rời đi, sau này đều mang công việc lại cho công ty và luôn có người trở về làm quản lý, partner.
Khi muốn rời công ty nói trên, tôi bay ra Hà Nội gặp sếp tổng và trực tiếp xin nghỉ với lý do tôi muốn khởi nghiệp lần nữa. Sau đó, tôi bay sang Singapore gặp sếp quản lý vùng chỉ để xin nghỉ. Ngày chia tay, công ty tổ chức lễ lạt linh đình đến mức tôi phát ngại. Đến bây giờ chúng tôi vẫn là anh em và luôn giúp nhau trong công việc.
Tôi có những cộng sự cao cấp ở công ty hiện tại, những người tôi coi như là anh em chiến hữu. Lúc họ xin nghỉ mà thuyết phục họ ở lại không được, mặc dù rất buồn, nhưng chúng tôi vẫn để họ ra đi đàng hoàng. Những lúc đấy chúng tôi thường làm tất cả trước khi: nói chuyện, chia sẻ về tầm nhìn và thuyết phục họ. Nhưng khi họ đã quyết chí ra đi thì sẽ không cản và tạo điều kiện hết cỡ để họ thành công. Sau này nhìn lại, bạn sẽ không hối tiếc về những việc đó, đặc biệt là sau này khi có mâu thuẫn nếu họ làm cho đối thủ cạnh tranh. Vì bạn đã “trọn tình, trọn nghĩa”.
Đừng bao giờ “thao túng cảm xúc” của họ bằng các thủ đoạn để làm họ khó xử và đẩy vấn đề tệ hại đến mức không thể hàn gắn được hoặc để họ có ở lại thì cũng miễn cưỡng đến mức họ sẽ mất niềm tin vào sếp và tổ chức.
Đối với những cộng sự ra đi, lời khuyên của tôi là đừng bao giờ nghỉ việc chỉ vì cảm xúc nhất thời hoặc vì một sự hiểu nhầm. Hãy dũng cảm và hành xử một cách đàng hoàng, nói trực tiếp và chia sẻ sớm với sếp sớm nhất có thể. Nếu chỉ là bức xúc về “cái áo hơi chật” so với năng lực của mình thì hãy mạnh dạn trao đổi trước khi kiếm cơ hội khác. Bạn chỉ nên ra đi nếu cơ hội nghề nghiệp đó thật lớn và văn hoá phù hợp hơn với bạn.
Không bao giờ nên xin nghỉ việc bằng email hay tin nhắn. Và cũng đừng bao giờ “đốt cầu” bằng những việc “đại kỵ” như rút người, lấy tài liệu, khách hàng, hoặc nói xấu công ty và sếp. Bạn sẽ phải trả giá vô cùng đắt về những chuyện này. Một mặt, bạn sẽ đối mặt với những vi phạm pháp lý vì không có công ty nào dung túng và chấp nhận việc này. Mặt khác, công ty mới sẽ đánh giá bạn thế này: “[họ] có thể làm được việc đó với sếp cũ và công ty cũ thì [họ] sẽ làm được với mình”. Và do vậy, công ty mới cũng sẽ không tin bạn đâu.
Nếu cộng sự của bạn thực sự muốn ra đi. Hãy ủng hộ họ và hãy tạo cơ hội cho họ thành công. Và đặc biệt không bao giờ được nghĩ là bạn hay tổ chức đã “ban ơn đầu tư cho họ”.
Khi làm việc với mình, họ đã làm tận tâm tận sức vì bạn và công ty rồi. Họ có toàn quyền và đủ sự chín chắn để lựa chọn bước đi tiếp theo. Khi họ nghỉ thì thường họ đã suy nghĩ khá kỹ rồi, nên có cản cũng không được nữa. Do vậy, chả có lý do gì làm cho sự việc tệ hơn.
Không ai thích cảm giác phải “chịu ơn” người khác. Gánh nặng “ân tình” đối với người Á Đông là gánh nặng vô hình mà suốt đời không biết trả thế nào, đặc biệt là đối với những người thuộc thế hệ 7x về trước. Do vậy, đừng bao giờ bắt người khác “mang ơn” mình chỉ vì họ đã làm với mình một thời gian dài. Chúng ta không có quyền làm việc đó.
Nguyễn Quốc Toàn - EQuest Group
PS: Ở EQuest, chúng tôi luôn cố gắng tạo ra một văn hoá tuyển dụng và chia tay đàng hoàng. EQuest luôn chào đón các tài năng cho vị trí lãnh đạo, hiệu trưởng, hiệu phó khối phổ thông và công nghệ. Bạn nào quan tâm thì liên hệ nhé.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận