menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Hải Vân Pro

Vấn đề thuế trong thời đại công nghệ Blockchain

1 - Chúng ta được dạy dỗ rằng đóng thuế là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân, là nghĩa vụ mà công dân đóng góp để Nhà nước thực thi các sứ mệnh ích nước lợi dân. Bởi vậy, trốn thuế không chỉ vi phạm pháp luật mà còn là hành vi thất đức.

Chẳng có gì để bàn cãi nếu như mọi công dân đều bình đẳng trong nghĩa vụ đóng thuế, bình đẳng ở đây được hiểu theo nghĩa chân chính của nó là những người được hưởng phúc lợi và dịch vụ ngang nhau từ Nhà nước thì đóng một mức thuế bằng nhau. Ở đây nói về thuế thu nhập cá nhân. Do thuế thu nhập đánh theo tỷ lệ, nên cùng một tỷ lệ thì người giàu có số thuế tuyệt đối đóng cao hơn người nghèo. Cứ cho là người giàu được hưởng phúc lợi và dịch vụ công nhiều hơn đi, thì sự chênh lệch tuyệt đối này đã đảm bảo yếu tố công bằng rồi.

Thế nhưng chúng ta lại được dạy dỗ thêm rằng Nhà nước còn có sứ mệnh phân phối lại thu nhập nhằm bảo đảm công bằng xã hội, vì vậy người giàu không chỉ phải đóng thuế với số tuyệt đối cao hơn mà còn phải đóng theo tỷ lệ cao hơn. Nhà nước kêu gọi người giàu phải trang bị thêm đức hạnh, nhưng lại không tin vào lời kêu gọi của mình, nên đức hạnh đó được Nhà nước luật hóa bằng mức thuế thu nhập lũy tiến. Tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân lũy tiến hiện hành của Việt Nam bậc cao nhất gấp 7 lần bậc thấp nhất (35% so với 5%).

Các chuyên gia kinh tế của chúng ta thường mang tâm lý nhược tiểu, động một cái là mang Mỹ, Anh, Đức, Nam Hàn hay Singapore… ra làm chuẩn so sánh. Nhưng ở các nước dân chủ, đánh thuế cao hay đánh thuế thấp phụ thuộc vào quan điểm chánh trị của các đảng cầm quyền, phái hữu muốn đánh thuế thấp còn phái tả đánh thuế cao. Chẳng hạn như ở Mỹ, thời ông Reagan còn làm diễn viên điện ảnh, mức cao nhất của thuế thu nhập lũy tiến lên tới khoảng 80%, tài tử điện ảnh Reagan cũng là nạn nhân của mức thuế đó, nên ông thường đi chơi nhiều hơn đi diễn. Trong 8 năm làm Tổng thống Mỹ, ông Reagan chỉ đủ sức kéo giảm xuống, hình như chỉ được khoảng một nửa mà thôi. Đến thời ông Trump, Mỹ tiến hành một đợt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử, nhưng đến thời ông Biden lên thì thuế lại tăng.

Các kinh tế gia tự do theo trường phái Áo và trường phái Chicago từ lâu đã vạch trần sự lừa bịp của thuế thu nhập lũy tiến. Ludwig von Mises, một trong các nhà kinh tế học và chính trị học nổi tiếng nhất của trường phái Áo, đã nói về bản chất lừa bịp của nó ngay từ năm 40 của thế kỷ trước. Theo ông, luận điệu cho rằng đánh thuế cao người giàu thì không ảnh hưởng xấu đến giới bình dân là sự ngụy biện.

Nói cho dễ hiểu, so với những người thu nhập thấp, những người có thu nhập cao thường dùng một tỉ lệ nhỏ hơn trong thu nhập của họ để tiêu dùng (tính cả các trường hợp cho con cái chơi bời hoang phí nếu có), phần lớn còn lại dùng cho tiết kiệm và đầu tư. Chính khoản tiết kiệm này tạo thành vốn đầu tư. Bắt người giàu phải chịu khoản đóng góp cao bất thường so với nghĩa vụ chính đáng của họ, thực chất Nhà nước đã “sung công” một phần khoản đầu tư của họ để dùng cho việc chi tiêu công, điều này làm giảm sự gia tăng của vốn đầu tư, khiến cho xu hướng tăng lên của năng suất cận biên bị ngưng trệ, cũng có nghĩa là gây cản trở việc tăng lương cho người lao động. Vì vậy, đánh thuế cao người giàu không những không làm lợi cho người nghèo mà ngược lại còn gây thiệt hại cho người nghèo, ít nhất là trong việc chậm được tăng lương và chậm mở rộng việc làm. Các khoản “sung công” bằng việc đánh thuế vào vốn và tài sản cũng gây tác hại tương tự.

Có người sẽ nói, Nhà nước sẽ dùng khoản “sung công” này để xây dựng cơ sở hạ tầng như làm đường cao tốc, vân vân. Nói như vậy là không có sức thuyết phục. Bởi vì hầu hết các dự án lớn dùng vốn Nhà nước đều kém hiệu quả, chưa nói đến thất thoát lớn do tham nhũng. Hơn nữa, khi Nhà nước "sung công" một nguồn vốn tư nhân biến thành nguồn vốn của Nhà nước để đầu tư vào một công trình mà tư nhân có thể làm được, thì công trình đó sẽ tạo lợi thế cho một nhóm dân cư này và tạo bất lợi cho nhóm dân cư khác, vì chỉ riêng họ phải nộp thuế để làm công trình mà không được hưởng lợi từ công trình đó đã là sự thiệt hại rồi. Trong khi chỉ cần có những chính sách thông thoáng và minh bạch, tự khắc dòng vốn tư nhân sẽ chảy vào những lĩnh vực mà Nhà nước muốn đầu tư, dòng vốn này sẽ tạo ra hiệu quả lớn hơn nhiều mà không hề gây bất lợi cho ai, cũng không bị thất thoát bởi tham nhũng. Tóm lại, cùng một khoản tiền thì tư nhân đầu tư sẽ mang lại lợi ích cho xã hội lớn hơn nhiều so với nhà nước đầu tư.

2- Tôi là người chơi chứng khoán nhỏ lẻ, hàng ngày vẫn nộp thuế thu nhập mỗi khi bán chứng khoán, bất kể lời hay lỗ. Tôi còn là người đang “đào” Pi cùng với hàng triệu người Việt Nam khác, dù Pi bây giờ chưa phải là tiền, nhưng nếu trong tương lai nó thành tiền mã hoá (crypto) có thể mang ra giao dịch được thì tôi cũng muốn nộp thuế sòng phẳng cho nhà nước.

Vấn đề là thuế đối với thu nhập từ crypto của công nghệ blockchain đang khiến nhiều quốc gia đau đầu. Nhiều quốc gia đang đánh thuế với các mức thuế rất khác nhau trong khi nhiều quốc gia khác không thừa nhận là phương tiện thanh toán nên không đánh thuế nhưng không cấm được với tư cách là tài sản sở hữu trí tuệ.

Hiện tại, tổng crypto đang lưu hành qua công nghệ blockchain đã có giá trị tương đương với hàng ngàn tỷ đô la Mỹ, riêng giá trị của Bitcoin có lúc lên tới khoảng 1000 tỷ USD (hiện nay còn khoảng 400 tỷ USD). Theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), đến năm 2025, tổng tài sản của nhân loại được lưu hành trong Blockchain sẽ lên tới 10% GDP toàn cầu. Cho nên sẽ không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc, đứng ngoài cuộc bây giờ thì trong tương lai cũng sẽ phải chạy theo, nhưng chạy theo không kịp. Vấn đề là không ai, không tổ chức nào, không nhà nước nào có thể kiểm soát và can thiệp những gì diễn ra trong hệ thống Blockchain thì làm sao có thể thu thuế ? Đó cũng là lý do những người chống crypto dùng để bài bác chúng. Họ cho rằng crypto có nguy cơ tiếp tay cho buôn lậu, rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Tất nhiên là có những tệ nạn đó, nhưng trước khi có công nghệ blockchain thì buôn lậu, rửa tiền và tài trợ khủng bố đã tràn lan rồi. Và sự thật thì Crypto minh bạch hơn nhiều so với những gì người ta nghĩ. Những người đào crypto ai cũng phải xác minh danh tánh (KYC), đặc biệt là những người đào Pi được xác minh danh tánh vô cùng chặt chẽ. Họ có địa chỉ ví và mọi giao dịch đều thể hiện công khai mọi người vào hệ thống đều có thể nhìn thấy, chỉ là không ai biết địa chỉ ví đó là của ai. Nhưng nếu nhà nước muốn kiểm soát (buôn lậu, rửa tiền và tài trợ khủng bố) thì có thể yêu cầu những cá nhân tình nghi công bố địa chỉ ví của mình với cơ quan bảo vệ pháp luật, khi ấy có thể biết ngay họ có phạm pháp hay không. Quyền cá nhân trong blockchain là tuyệt đối, nhưng không thể đứng ngoài vòng pháp luật. Vấn đề là phải có luật để điều chỉnh. Hơn ai hết, Ban quản trị dự án Pi Network công khai tuyên bố tuân thủ luật pháp của các quốc gia.

Trở lại vấn đề thu thuế, nếu thu thuế theo thể thức hiện hành thì nhà nước có thể yêu cầu những người sở hữu crypto đăng ký và nộp thuế thu nhập theo định kỳ (ví dụ hàng năm) nếu có thu nhập (lợi nhuận). Danh tánh và địa chỉ ví của người sở hữu crypto được đăng ký với một cơ quan nhà nước duy nhất có thẩm quyền và phải được bảo mật tuyệt đối. Nếu nghi ngờ ai trốn thuế, nhà nước hoàn toàn có đủ cơ sở để truy thu và xử lý.

Và như đã nói ở phần 1, để đảm bảo thuế má được công bằng, sẽ đến lúc trở về đạo lý của nó : Những người được hưởng cơ sở hạ tầng và dịch vụ do nhà nước cung ứng ngang nhau (bao gồm lãnh vực an ninh quốc phòng) thì có một mức thuế ngang nhau. Nhà nước vốn không có sứ mệnh phân phối lại thu nhập. Thu nhập cao hay thấp là do tài năng, óc sáng tạo, sự chăm chỉ cộng với một chút may mắn của từng người, những người có thu nhập cao không có nghĩa vụ chia thành quả công sức của mình cho người khác, trừ các hoạt động giúp đỡ tự nguyện. Theo đạo lý đó thì nhà nước không cần kiểm soát thu nhập của dân cư (trừ việc kiểm soát buôn lậu, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các hành vi dùng tiền hoặc tài sản để hoạt động bất hợp pháp). Nhiệm vụ của nhà nước là phải biết những ai khó khăn cần được miễn giảm thuế và giúp đỡ những người không có sức lao động nhưng không nơi nương tựa để họ không rơi xuống dưới mức sống tối thiểu.

Công nghệ Blockchain là trung tâm của cuộc cách mạng 4.0. Nó đang lù lù hiện diện làm thay đổi tất cả và sẽ làm đảo lộn tất cả, không ai cưỡng lại được nó. Nó sẽ trả lại những gì mà mỗi một cá nhân làm ra về cho chính cá nhân đó, nó sẽ tạo ra một xã hội mà quyền lực được phân tán cho mỗi một thành viên của xã hội đó, một xã hội không có lãnh tụ, không có quyền lực tập trung, một xã hội mà con người được quyền sở hữu toàn vẹn những gì mình có và liên kết với nhau, giúp đỡ lẫn nhau hoàn toàn tự nguyện. Thuế má cũng nhất định phải thay đổi, không chóng thì chầy.

Là ước mơ chăng ? Không. Xã hội đó đang manh nha hiện hữu.

HOÀNG HẢI VÂN

(Phần 1 có "đạo văn" bài viết của chính mình 5 năm trước, phần 2 là cập nhật).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Hoàng Hải Vân Pro

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

4 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại