'Vấn đề' của dòng tiền margin trên thị trường chứng khoán
Đến thời điểm này, tổng dư nợ cho vay chứng khoán của các ngân hàng thương mại nằm trong khoảng 450.000 - 460.000 tỷ đồng - tương đương 0,46 - 0,47% tổng dư nợ.
Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong đó có chứng khoán không phải là chủ trương mới của Ngân hàng Nhà nước mà đã thực hiện nhiều năm gần đây.
Đầu tháng 4/2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có gửi văn bản đến các ngân hàng thương mại, nhắc nhở lại nội dung tương tự.
Được biết, hiện tổng dư nợ cho vay chứng khoán của các ngân hàng thương mại nằm trong khoảng 450.000 - 460.000 tỷ đồng - tương đương 0,46 - 0,47% tổng dư nợ, tương ứng với khoảng 5% vốn điều lệ của hệ thống ngân hàng, tức đang ở ngưỡng cho phép.
Dẫn lời Báo Đầu tư, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV cho hay, lượng cho vay chứng khoán của ngân hàng thương mại luôn bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát bằng hạn mức cụ thể. Theo Thông tư 22/20219/TT-NHNN, hạn mức cho vay cổ phiếu, trái phiếu của các ngân hàng không được quá 5% vốn điều lệ.
Tuần qua, đã có thời điểm xuất hiện tin đồn Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại ngừng cấp tín dụng cho công ty chứng khoán. Tuy đây là thông tin thất thiệt, song thời gian qua, một số ngân hàng đã có thời điểm vượt trần cho vay chứng khoán và đã phải “giảm bớt” vào cuối kỳ báo cáo với Ngân hàng Nhà nước.
Tuy vậy, kiểm soát chặt tín dụng chứng khoán không phải là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán lao dốc.
“Thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực gần đây về cơ bản là do tâm lý của nhà đầu tư. Hơn nữa, năm ngoái, thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, nên năm nay, thị trường sẽ có lúc phải điều chỉnh theo hướng phù hợp và thực chất hơn”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.
Cho vay ký quỹ đang tiềm ẩn rủi ro lớn
Theo ước tính của Chứng khoán VNDirect, quy mô dư nợ cho vay ký quỹ toàn thị trường đang ghi nhận ở mức kỷ lục 230.000 tỷ đồng, tương đương 10 tỷ USD. Như vậy, quy mô cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán đã gần bằng một nửa dư nợ cho vay của các ngân hàng.
Đến thời điểm này, tổng số tài khoản nhà đầu tư trong nước mới chiếm xấp xỉ 5% dân số và dự báo còn tăng mạnh thời gian tới. Thêm vào đó, các công ty chứng khoán đang rầm rộ tăng vốn. Vì vậy, dự báo dư nợ cho vay ký quỹ của khối công ty chứng khoán sẽ còn tăng mạnh thời gian tới.
Hiện tại, dư nợ cho vay ký quỹ mới chiếm 3% vốn hóa của toàn thị trường - con số không lớn. Tuy vậy, cho vay ký quỹ tăng quá nhanh và chất lượng danh mục cho vay ký quỹ của nhiều công ty chứng khoán có vấn đề đang gây nhiều lo ngại.
Theo GS-TS Phạm Hồng Chương - Đại học Kinh tế Quốc dân, cho vay ký quỹ đang tiềm ẩn rủi ro lớn cho các công ty chứng khoán nếu hoạt động quản trị rủi ro không tốt. Tỷ trọng cho vay ký quỹ tăng lên 50% tổng tài sản của các công ty chứng khoán trong năm 2021; tỷ lệ nợ vay ký quỹ/vốn chủ sở hữu luôn duy trì ở mức cao trên 55% và đến năm 2021 tăng lên hơn 129%.
“Việc đầu tư này khiến rủi ro về ‘bong bóng’ của thị trường ngày càng rõ rệt hơn, có thể tác động đến tính ổn định của toàn thị trường”, báo cáo trên viết.
Theo các công ty chứng khoán, lệnh dừng ký quỹ không chỉ là biện pháp quản trị rủi ro của công ty chứng khoán, mà còn là công cụ hỗ trợ các nhà đầu tư ngăn ngừa tổn thất lớn hơn và quản lý rủi ro. Tuy vậy, thực tế, nhiều thời điểm, lệnh dừng ký quỹ và bán giải chấp cổ phiếu như “đổ dầu vào lửa”, khiến thị trường thêm khủng hoảng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận