24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đào Trung Thành Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vấn đề an ninh năng lượng

Tôi viết lại những suy nghĩ và nhận định sau đây, tổng hợp từ những bài viết của các chuyên gia như một hình thức củng cố các luận điểm, phục vụ cho công việc tư vấn cho một đơn vị thuộc ngành dầu khí. Do đó, tôi không có nhu cầu tranh cãi ngoài chủ đề và mời gọi những đóng góp chân tình. Ngõ hầu, giúp Đào mỗ có thêm tri thức để tư vấn một cách đúng đắn.

Đọc bài “China on the Verge of Energy Crisis” của hai nhà nghiên cứu Mr. Chan Kung và Mr nhiều điều đáng suy ngẫm. Trong đó hai tác giả đã dẫn ra một nhận định đáng lưu ý:

“Quy hoạch 5 năm lần thứ 14” của Trung Quốc đã nhấn mạnh đến 3 lĩnh vực an ninh kinh tế lớn mà Trung Quốc đối diện, bao gồm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh tài chính. Trong số 3 lĩnh vực an ninh kinh tế lớn nói trên, bảo đảm an ninh lương thực và an ninh tài chính chủ yếu thực hiện tốt các vấn đề trong nước, tuy nhiên chìa khóa của đảm bảo an ninh năng lượng lại không ở trong nước, mà nằm ở thị trường quốc tế. Do đó, Trung Quốc sẽ cần phải đầu tư nguồn lực quốc tế khá lớn để bảo đảm an ninh năng lượng cho sự phát triển của tương lai. Điều này cũng có nghĩa là vấn đề an ninh năng lượng sẽ là điểm nhạy cảm và điểm rủi ro tồn tại lâu dài của Trung Quốc, đồng thời cũng là đòn bẩy địa chính trị rất dễ bị khai thác.”

Trung Quốc là nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất toàn cầu, khối lượng nhập khẩu dầu thô và LNG đều đứng đầu thế giới. Theo số liệu sản xuất và nhập khẩu năng lượng do Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, năm 2021 Trung Quốc nhập khẩu 320 triệu tấn than đá, 512,98 triệu tấn dầu thô (3.5 tỷ thùng), 121,36 triệu tấn khí đốt tự nhiên (161 tỷ m3, tăng 19,9% so với cùng kỳ)

Trung Quốc vẫn đang nỗ lực xây dựng hệ thống an ninh năng lượng truyền thống. Với đường ống dẫn khí đốt từ Nga của Gazprom, cung ứng đến 48 tỷ m3 khí hàng năm (chiếm khoảng gần 30% lượng khí nhập khẩu) thì vai trò Nga rất đáng kể trong an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Sự gia tăng cọ sát địa chính trị có thể sẽ dễ dàng kích hoạt những biến động dữ dội của thị trường năng lượng quốc tế. Là nước tiêu thụ năng lượng và nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới, Trung Quốc trong tình trạng gần khủng hoảng năng lượng.

Như vậy, trong tương quan, Biển Đông hay biển Nam Trung Quốc sẽ là một nơi sóng gió đương nhiên với trữ lượng dầu mỏ khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hoá xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến đường hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển qua Biển Đông. Mỹ chắc chắn cũng không thể bỏ qua lợi ích này. Nếu Việt Nam không xử lý thận trọng, các xung đột rất dễ dẫn đến các kích hoạt chiến tranh nguy hiểm.

Amy Myers Jaffe là giáo sư và Giám đốc Điều hành Phòng thí nghiệm Chính sách Khí hậu tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts. Bà là tác giả của Energy’s Digital Future và là đồng tác giả với Mahmoud El-Gamal "Oil, Dollars, Debt and Crises: The Global Curse of Black Gold". Mới đây, bà có đề xuất trên Time về giải quyết vấn đề dầu mỏ của Nga trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng giữa phương Tây và Nga.

Nga sản xuất gần 11 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, xuất khẩu 4,7 triệu thùng/ngày vào tháng 2 năm 2022, trong đó khoảng một nửa được chuyển đến các nhà máy lọc dầu của châu Âu. Ước tính 1,6 triệu thùng/ ngày dầu thô của Nga không có người mua, danh sách các nhà máy lọc dầu tự nguyện tránh xa dầu thô của Nga ngày càng tăng. Trong tương lai, số lượng bị từ chối có thể sẽ tăng lên. Việc xuất khẩu dầu qua đường ống đến Trung Quốc, khoảng 1,6 triệu thùng/ngày, đang tiếp tục tăng tốc. Với 2.5 triệu thùng chuyển qua Châu Âu hàng ngày, quả là bài toán tương đối khó của Mỹ và đồng minh cần giải quyết để giá dầu không leo thang trong khi Châu Âu muốn giảm lượng dầu thô nhập từ Nga.

Với những đợt tăng giá dầu trong quá khứ, đặc biệt là vào năm 2008 khi giá dầu tăng vọt lên mức 147 đô la, dẫn đến những cuộc suy thoái lớn, sẽ là hợp lý khi mong đợi các quốc gia như Ả Rập Xê-út và UAE tham gia để sản xuất nhiều dầu hơn. Ả Rập Saudi và UAE có thể có thể thay thế hầu hết 1,6 triệu thùng/ngày dầu thô của Nga.

Ngoài các đồng minh dầu mỏ truyền thống của Mỹ từ vùng Vịnh, việc khởi động lại thỏa thuận hạt nhân Iran, có khả năng đã được bàn cũng có thể bổ sung thêm khoảng 700.000 thùng/ngày nguồn cung dầu thô mới cho thị trường trong thời gian tới vài tháng nữa, các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ được dỡ bỏ. Xuất khẩu dầu thô của Iran hiện đạt trung bình 800.000 thùng/ ngày và có thể tăng lên 1,5 triệu/ngày nếu một thỏa thuận được thông qua.

Chính phủ của Biden cũng đang tìm kiếm sự cải thiện trong quan hệ với Venezuela của Maduro, một lần nữa với hy vọng có thêm dầu của quốc gia này. Liệu Maduro có tạm quên vụ việc cách đây 2 năm Bộ Tài Chính Mỹ treo thưởng 15 triệu đô la cho mọi thông tin để bắt giữ mình với cáo buộc tổng thống Venezuela và nhiều thành viên chính quyền Caracas đã hoạt động buôn lậu ma túy phục vụ mục tiêu khủng bố? Hay Iran quên đi việc Mỹ liệt quốc gia này vào “Trục ác”?

Tuy nhiên, nhận xét về cách ve vãn các cực thù của Mỹ, Amy Myers Jaffe cảnh báo rằng cung cách ngoại giao của Mỹ rất giống như “khiêu vũ với bầy sói” (“the shaky diplomatic dance with more risk prone suppliers.”).

Không hề gì, theo chuyên gia Anh Pham với Mỹ, quyền lợi là trên hết. Mình cũng xin bổ sung là không chỉ Mỹ mà với bất cứ quốc gia nào, lợi ích là tối thượng không thể hy sinh. Không có một kẻ thù vĩnh viễn hay đồng minh vĩnh cửu.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương thông tin: Theo số liệu thống kê, hiện tồn kho và dự trữ của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là khoảng 1,3 triệu tấn vào cuối tháng 2. Cùng với đó, nguồn cung từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước, dù Nghi Sơn có cắt giảm công suất song nguồn cung của tháng 3 là 1 triệu tấn. Trong 15 ngày đầu của tháng 2, lượng hàng nhập khẩu về đến cảng Việt Nam là hơn 800.000 tấn.

Như vậy, hơn 800.000 tấn cùng với 650.000 tấn cập cảng cuối tháng 2, cộng với dự trữ tồn kho, sản xuất trong nước thì nguồn cung phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước là khoảng 3,8 triệu tấn.

“So với mức tiêu dùng hằng tháng là 1,8 - 2 triệu tấn, có thể nói nguồn cung hoàn toàn đáng ứng đủ nhu cầu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp" cho đến tháng 4/2022.

Trước ngày 11/03/2022, trước khi giá RON 95 là 29.820 các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang chịu lỗ từ 3.000-5.000 đồng/lít xăng dầu. Cứ mỗi tàu xăng dầu được nhập về, doanh nghiệp bị lỗ 30 - 40 tỷ đồng. Theo ước tính của lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu lớn thuộc top 5 thì dù đã giảm gần như bằng không các khoản chi hoa hồng cho đại lý nhưng với lượng bán trên toàn hệ thống hiện nay, ước tính doanh nghiệp đang bị lỗ bình quân 3.000 đồng/lít xăng, dầu. Chỉ tính riêng trong tháng qua, doanh nghiệp bị lỗ khoảng trên 450 tỷ đồng.

Theo các doanh nghiệp, nỗi lo nhất lúc này không phải là giá thế giới tăng mà là cơ quan quản lý không điều hành kịp thời, sát với diễn biến thị trường thì mức lỗ của doanh nghiệp trong ngành sẽ không biết thế nào mà lường. Chỉ cần cuộc chiến tại Ukraine chấm dứt, giá dầu đột ngột quay đầu thì toàn bộ số hàng mà doanh nghiệo đang tiến hành nhập từ nay đến quý 2 theo chỉ đạo của Bộ Công Thương mới đây sẽ bị mắc kẹt vĩnh viễn ở mức đỉnh lịch sử trong 14 năm trở lại đây.

Bài toán là nhập hàng thế nào cũng như bài toán dự báo tình hình chiến sự Nga-Ukraine là vấn đề hết sức quan tâm của các doanh nghiệp xăng dầu chứ không chỉ chém gió cho vui.

An ninh năng lượng dường như là việc xa vời nhưng nó thật sự thiết thực với khá nhiều người trong đó có UnD.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Đào Trung Thành Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả