Vận chuyển hàng hóa toàn cầu đình trệ vì nCoV
Hoạt động vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu đang đình trệ khi dịch virus corona chủng mới (nCoV) gây viêm phổi cấp khiến nhiều nhà máy, cảng biển ở Trung Quốc chưa thể hoạt động trở lại, hàng loạt công ty vận tải biển, hãng hàng không giảm hoặc tạm ngưng đến và đi từ nước này.
Số chuyến tàu đến và đi từ Trung Quốc giảm mạnh
Các hãng vận tải biển giữ vai trò thiết yếu trong hoạt động vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên hiện họ đang phải giảm số chuyến tàu ghé đến các cảng ở nước này, khi các biện pháp ngăn chặn đà lây lan của nCoV làm giảm mạnh nhu cầu thuê tàu và đe dọa làm gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các hãng vận tải biển toàn cầu gồm Maersk, MSC Mediterranean Shipping, Hapag-Lloyd và CMA-CGM đã thông báo giảm số chuyến tàu hoạt động trên các tuyến kết nối Trung Quốc, Hồng Kông với Ấn Độ, Canada, Mỹ và Tây Phi.
Họ cho biết việc Trung Quốc kéo dài thời gian đóng cửa các nhà máy sau kỳ nghỉ Tết đã làm giảm nhu cầu thuê tàu, buộc họ phải điều chỉnh công suất.
Khoảng 80% giá trị giao thương hàng hóa trên thế giới được vận chuyển bằng đường biển và Trung Quốc là nơi có 7 trong số 10 cảng container nhộn nhịp nhất thế giới, theo Hội nghị Phát triển và thương mại Liên hợp quốc (UNCTD).
“Việc đóng cửa một trung tâm sản xuất của thế giới tác động lớn đến hoạt động vận chuyển container”, Peter Sand, Giám đốc bộ phận phân tích vận tải biển ở Hội đồng hàng hải Baltic và quốc tế (BIMCO), nói.
Các thành viên của BIMCO bao gồm 1.900 hãng tàu, công ty vận hành, môi giới vận tải biển, đang chứng kiến nhu cầu mua hàng hóa vận chuyển bằng đường biển như than, dầu thô, quặng sắt... của các khách hàng Trung Quốc giảm mạnh.
Các công ty môi giới vận tải biển ở Trung Quốc cho biết đơn hàng thuê tàu container, tàu chở dầu và tàu chở hàng khô của Trung Quốc đang giảm nhanh và đà suy giảm này có thể kéo dài đến tận tháng 3-2020.
“Chúng tôi chứng kiến số lượng container được xử lý ở các cảng Trung Quốc giảm 23% trong 3 tuần qua”, Wang Lei, nhà môi giới vận tải biển ở Thượng Hải, nơi có cảng biển bận rộn nhất thế giới với công suất xử ký 42 triệu container mỗi năm, nói.
Ông cho biết các công nhân vận hành cần trục, tài xế xe tải và nhân viên hải quan ở nhiều cảng của Trung Quốc vẫn chưa đi làm việc trở lại.
Chỉ số BCI, đo đường biến động chi phí vận chuyển hàng hóa của các tàu vận chuyển hàng thô rời lớn nhất thế giới, đã giảm xuống vùng âm vào hôm 31-1 do nhu cầu nguyên vật liệu thô của Trung Quốc lao dốc. Nhu cầu nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc giảm mạnh trong thời kỳ dịch nCoV hoành hành khiến giá cước vận tải các hãng tàu chở dầu thô lớn giảm đến 40% hồi tuần trước.
Theo Công ty dữ liệu hàng hải Alphaliner, kể từ ngày 20-1, số chuyến tàu vận tải biến ghé vào hoặc đi qua các cảng biển lớn của Trung Quốc giảm đến 20%.
Báo cáo của Alphaliner dự báo tác động từ việc hạn chế đi lại và tình trạng đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc sẽ tác động xấu đến tăng trưởng GDP của nước này và làm giảm số lượng container được vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu khoảng 0,7% cho cả năm nay, tức tương đương 6 triệu container.
Tình trạng gián đoạn của hoạt động vận chuyển container bằng đường biển sẽ gây ra tác động vượt xa ngoài Trung Quốc giữa lúc nước này nỗ lực khống chế dịch nCoV bằng cách đóng cửa các nhà máy và khuyến khích nhân viên của các công ty làm việc ở nhà. Cuộc khủng hoảng dịch viêm phổi cấp càng kéo dài, tác động của nó đối với vận tải hàng hóa toàn cầu càng nặng nề.
Guy Platten, Tổng Thư ký Văn phòng vận tải biển quốc tế (ICS), cho biết nhiều tàu container khác cần sửa chữa nhưng đang mắc kẹt tại các xưởng đóng và sửa tàu ở Trung Quốc vì họ phải chờ công nhân quay trở lại làm việc.
Nhiều tàu container khác cũng đang “kẹt” trên biển như là “những khu vực cách ly nổi” vì các nước như Úc và Singapore từ chối tiếp nhận những tàu từng ghé các cảng Trung Quốc trong thời gian gần đây cho đến khi các thủy thủ được xác định không nhiễm virus nCoV.
Vận chuyển hàng không điêu đứng
Không chỉ vận tải biển mà vận tải hàng hóa bằng hàng không cũng bị ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng dịch nCoV.
Hàng chục hãng hàng không ở Mỹ, châu Á và châu Âu đã dừng bay đến Trung Quốc lục địa, làm suy giảm mạnh công suất vận chuyển những mặt hàng hóa có giá trị cao và cần giao nhanh từ Trung Quốc.
Các hãng hàng không này bao gồm những cái tên đáng chú ý như American Airlines, Delta Airlines, United Airlines (Mỹ), Singapore Airlines (Singapore), Air France (Pháp), Air Seoul (Hàn Quốc), British Airways (Anh), KLM (Hà Lan).
Một số hãng hàng không thậm chí dừng bay đến Hồng Kông, trung tâm vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không sầm uất nhất thế giới.
Neel Jones Shah, Giám đốc toàn cầu ở mảng vận tải hàng không của Công ty môi giới Flexport, nói: “Vận chuyển hàng hóa bằng máy bay chở khách chiếm đến 45% công suất vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đến và đi từ Trung Quốc. Giờ đây, chúng tôi nhận thấy mức công suất đó sắp biến mất”.
Trong khi đó, hãng chuyển phát nhanh DHL, nhận định tình trạng gián đoạn nghiêm trọng đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đến và đi từ Trung Quốc sẽ còn kéo dài khi dịch nCoV tiếp tục lây lan. DHL đã dừng tất cả các hoạt động giao nhận hàng tại tỉnh Hồ Bắc.
Hai hãng chuyển phát nhanh khác UPS và FedEx Express cho biết họ vẫn tiếp tục vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đến và đi từ Trung Quốc nhưng UPS ghi nhận nhu cầu đang giảm do nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc vẫn chưa mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ Tết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận