menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dung Phạm

Vẫn chưa công bố được “mức sống tối thiểu” làm căn cứ tăng lương

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhiều lần đề nghị, song đến nay mức sống tối thiểu của người lao động vẫn chưa được cơ quan thống kê của nhà nước công bố…

Thông tin về việc công bố mức sống tối thiểu làm căn cứ điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng hằng năm, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, về đánh giá, xác định và công bố “mức sống tối thiểu” của người lao động và gia đình người lao động, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để thu thập đầy đủ hơn thông tin tính toán mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình người lao động. Từ đó, làm cơ sở để Hội đồng Tiền lương Quốc gia xác định mức lương tối thiểu vùng hàng năm.

Trong phần “Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu” của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã xác định: “Cơ quan thống kê của nhà nước công bố mức sống tối thiểu hằng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương”.

Hàng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cung cấp một số số liệu theo yêu cầu của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, nhưng theo tinh thần Nghị quyết 27 đề cập trên và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã nhiều lần đề nghị, song đến nay mức sống tối thiểu của người lao động vẫn chưa được cơ quan thống kê của nhà nước công bố.

Theo quy định của Bộ luật Lao động, mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Mức lương tối thiểu này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các yếu tố như: Mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Để có căn cứ điều chỉnh lương tối thiểu vùng, hằng năm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đều tiến hành điều tra lao động, tiền lương và mức sống tối thiểu tại các địa phương để làm căn cứ xây dựng các nội dung về lương tối thiểu vùng cho năm tới. Năm 2022, việc khảo sát này được tiến hành từ tháng 4.

Thông thường, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1/1 hằng năm. Tuy nhiên trong năm 2022, sau 2 năm chưa được tăng lương do tác động của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 về việc tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7/2022 với mức tăng 6%, kéo dài đến ngày 31/12/2023. Lần đầu tiên, quy định về mức lương tối thiểu theo giờ cũng đã được ban hành.

Hiện nay, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng. Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định 38 cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Thực tế, hiện phần lớn các doanh nghiệp đã trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu vùng, khi thực hiện mức lương tối thiểu mới chủ yếu chỉ làm tăng chi phí đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc.

Nhờ việc tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, mức tiền lương và thu nhập của người lao động đã được cải thiện so với năm 2021.

Theo số liệu tổng hợp của cơ quan này, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng với việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng 6% và 3 quý đầu năm 2022, các doanh nghiệp trên đà phục hồi đã giúp cải thiện tiền lương, thu nhập của người lao động. Theo đó, năm 2022, tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tăng khoảng 6,2% so với năm 2021 (7,78 triệu đồng/tháng).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại