menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Minh Nhật

Vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát

Các diễn biến trên thị trường thế giới và trong nước đều cho thấy, áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm 2021 và đặc biệt là năm 2022 là rất lớn, đòi hỏi những nỗ lực và hành động đồng bộ để giữ được mức 4% như Nghị quyết Quốc hội đặt ra.

Nguy cơ “nhập khẩu” lạm phát

Lạm phát gần đây tại nhiều nước phát triển và nền kinh tế lớn đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ (phần lớn đều cao hơn gấp đôi mục tiêu lạm phát mà các NHTW đặt ra). Đơn cử trong tháng 10 vừa qua, lạm phát tại Mỹ tăng 6,2% - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 11/1990 và vượt xa mục tiêu 2% của Fed; lạm phát tại khu vực đồng Euro ở mức 4,1%, là mức cao nhất kể từ tháng 7/2008 và gấp đôi mục tiêu 2% của NHTW châu Âu ECB; lạm phát tại Anh tăng 4,2% - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2011; lạm phát tại Canada tăng lên mức 4,7%, lặp lại mức cao nhất vào tháng 2/2003...

Theo các chuyên gia, cần xem đây là những rủi ro nhìn thấy trước về nguy cơ “nhập khẩu” lạm phát đối với nền kinh tế nước ta trong năm tới. Nếu sự phục hồi kinh tế từ đại dịch khiến nhu cầu tăng và đẩy lạm phát lên là điều bình thường, nhưng lạm phát còn gây ra bởi tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô (dẫn đến giá tăng), tắc nghẽn của chuỗi cung ứng, chi phí logistics tăng vọt hay sự gia tăng nhanh của giá năng lượng, giá lương thực thực phẩm… TS. Trần Toàn Thắng thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế-xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng biến động giá cả, chi phí logistics sẽ là một trong những rủi ro không nhỏ.

Vẫn cần thận trọng với rủi ro lạm phát
(Nguồn: Theo báo cáo nghiên cứu của NCIF)

“Rủi ro về nguy cơ “nhập khẩu” lạm phát đối với nền kinh tế nước ta trong năm tới là có thật, đặc biệt từ ảnh hưởng của giá dầu”, chuyên gia này cảnh báo và dẫn nghiên cứu mới đây của NCIF nhận định, nếu giá dầu mỏ tiếp tục đà tăng hoặc neo ở mức cao như vừa qua sẽ có tác động rất lớn đến lạm phát của Việt Nam trong năm 2022, đặc biệt là vào quý I, quý II. Thời điểm tác động lớn nhất (có thể vào quý II/2022), giá dầu có thể ảnh hưởng đến một điểm phần trăm đến lạm phát. Bên cạnh đó, giá nhiều nguyên liệu thô khác tiếp tục đà tăng (như hàng kim loại cơ bản là đầu vào cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, phân bón...) cũng sẽ tác động không nhỏ đến mặt bằng giá hàng hóa sản xuất trong nước.

Từ những dự báo trên, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng tới đây rất cần các phân tích, đánh giá về các nguy cơ có thể gây lạm phát, nhất là đánh giá đúng và đầy đủ về nguy cơ lạm phát do chi phí đẩy để có biện pháp bình ổn.

TS. Cấn Văn Lực - kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng cho rằng, cần rất thận trọng với áp lực lạm phát trong năm tới. Thực tế, việc giá dầu thô đến nay đã tăng khoảng 50 - 55% so với bình quân 2020, đã khiến lạm phát trong nước tăng thêm 0,2-0,3%. Các đợt điều chỉnh giá xăng, dầu trong nước gần đây đều ghi nhận mức tăng mạnh, cộng hưởng với các yếu tố khác như vận tải khiến giá nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào sản xuất tăng. Theo TS. Cấn Văn Lực, những yếu tố như vậy sẽ tác động đến lạm phát của Việt Nam trong quý IV/2021. Nhưng lạm phát cả năm vẫn thấp và không đáng ngại bởi một số yếu tố như: Hoạt động phục hồi sản xuất còn khó khăn và các nhà sản xuất cũng chưa chuyển ngay các chi phí tăng đó vào giá bán hàng hóa cuối cùng khi vẫn lo ngại doanh nghiệp và người dân còn khó khăn; sức cầu tiêu dùng còn yếu; vòng quay của đồng tiền còn chậm. Tuy nhiên một khi kinh tế phục hồi nhanh trở lại thì những yếu tố này sẽ thay đổi nhanh và tác động đến lạm phát.

Thận trọng nhưng cần linh hoạt

Trên diễn đàn Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV vừa diễn ra mới đây, nhiều đại biểu cho rằng, rủi ro lạm phát và nợ xấu đang gia tăng là những áp lực rất lớn cho điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2022. Do đó, cần đặc biệt lưu ý trong phối hợp giữa chính sách tài khóa (CSTK) và CSTT. “Báo cáo của Chính phủ cũng cảnh báo tình trạng áp lực lạm phát và nợ xấu đang gia tăng. Do vậy, dư địa của CSTT là không còn nhiều, cho nên biện pháp tiếp máu cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa CSTK và CSTT. Trong đó, CSTK phải đóng vai trò chủ đạo”, Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nêu quan điểm.

Theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 vừa được Quốc hội thông qua, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân phấn đấu ở mức khoảng 4%.

Trong khi đó theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh), ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Do đó, việc kết hợp một cách chặt chẽ, khoa học giữa CSTK với CSTT để vừa đảm bảo nguồn cung tiền cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo chỉ số lạm phát giới hạn cho phép là rất quan trọng.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cũng đề xuất, cần tăng đầu tư toàn xã hội bằng việc tăng vòng quay tiền thông qua cải cách hành chính trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách và đầu tư công. Theo đó, các thủ tục trong lĩnh vực đất đai, cấp phép xây dựng, phê duyệt tác động môi trường… cần được “cởi trói” mạnh mẽ theo hướng tăng cường phân cấp để sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và công dân (trường hợp không thể phân cấp thì cần có quy định công khai, minh bạch và ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo thủ tục hành chính được thực hiện nhanh gọn và dễ giám sát)...

Trước rủi ro lạm phát cả từ trong và ngoài nước cũng như áp lực điều hành CSTT trong thời gian tới là rất lớn, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất. Tuy nhiên vẫn phải đảm bảo tỷ lệ an toàn của từng tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống để tránh những tác động lan truyền. Cùng với đó, NHNN sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý trên cơ sở vẫn phải đảm bảo các ổn định kinh tế vĩ mô và phòng ngừa rủi ro lạm phát trong thời gian tới, cũng như phòng ngừa rủi ro đối với an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả