Vẫn cần thận trọng với những biến số tiềm ẩn trên thị trường chứng khoán
Mặc dù các chuyên gia đưa ra quan điểm không quá bi quan về sự kiện SVB, nhưng thông tin trên vẫn khiến giới đầu tư đặt ra nghi vấn: Sự thất bại của SVB vẫn sẽ âm thầm gây ra rủi ro lan rộng đối với hệ thống tài chính?
Phiên giao dịch đầu tuần (13/3), VN-Index đã ghi nhận pha đảo chiều ngoạn mục trong phiên sáng, song kết phiên, VN-Index vẫn giảm nhẹ 0,2 điểm về mức 1.052 điểm. Như vậy, những rắc rối từ thế giới vẫn có chút ảnh hưởng tới thị trường trong nước phiên đầu tuần. Đó là việc Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), một ngân hàng tập trung vào lĩnh vực công nghệ tại Hoa Kỳ đã chính thức phá sản vào ngày 10/3 vừa qua, đánh dấu vụ phá sản lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ, kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, xét về cả thanh khoản lẫn quy mô, giới phân tích nhìn nhận, sự kiên SVB đều chưa đủ ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính.
Về thanh khoản, tỷ lệ dư tín dụng trên số vốn huy động (LDR) của SVB chỉ có 43%, thấp hơn nhiều so với các ngân hàng lớn ở Mỹ là trên 70%. Tổng tài sản SVB là 212 tỷ USD, trong đó có 165 tỷ USD là tiền gửi. Còn về quy mô, SVB chỉ có khoảng 212 tỷ USD, trong khi Lehman Brother thời 2008 là 639 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam, SVB vẫn chưa đủ sức để gây ra một cuộc khủng hoảng tương tự như năm 2008. Thêm vào đó, giá cổ phiếu SVB giảm hơn 60% trong phiên 10/03, nhưng JPMorgan lại tăng 2,54%. Điều này cho thấy nhiều ngân hàng lớn khác có thể đang hưởng lợi từ vụ SVB.
Thực tế, SVB chỉ là 1 ngân hàng tầm trung, nằm trong top 16 các ngân hàng lớn nhất của Mỹ và hầu như không có sự liên kết gì đến nền kinh tế của Việt Nam. Hơn nữa, ngay sau khi phá sản, SVB đã ngay lập tức được Mỹ kiểm soát.
Mặt khác, việc SVB bị phá sản được đánh giá là hoàn toàn có thể làm chùn tay của Fed. Khả năng cao Fed sẽ nghĩ lại khi mà việc tăng lãi suất quá nhanh trong thời gian ngắn. Khi đó, Ngân hàng nhà nước sẽ không gặp áp lực bởi việc tăng lãi suất điều hành.
“Sau những căng thẳng gần đây trong hệ thống ngân hàng, chúng tôi không còn kỳ vọng vào Fed nâng lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào ngày 21-22/3/2023, khi có quá nhiều bất ổn”, Goldman Sachs cho hay.
Đánh giá về tác động của sự kiện SVB đến thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, SVB có thể tạo ra tâm lý hoảng loạn trong ngắn hạn và rất khó để có thể tạo ra xu hướng. Và ở những điểm hoảng loạn, những nhà đầu tư thông tin sẽ là những người mua vào chứ hoàn toàn không lo sợ vấn đề gì cả.
“Khả năng áp lực tâm lý khiến VN-Index có thể rung lắc mạnh trong những phiên đầu tuần, song xu hướng sẽ tích cực hơn vào cuối tuần. Bởi dòng tiền đã có sự hồi phục tốt trong những phiên gần đây, cộng thêm nhiều thông tin hỗ trợ tích cực từ các quỹ ngoại cũng là lực đỡ quan trọng. Bên cạnh đó, độ rộng thị trường cũng có chiều hướng tốt hơn, nhiều cổ phiếu chiết khấu tương đối thấp”, chuyên gia đến từ Yuanta nhận xét.
Tương tự, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC cho rằng, SVB là trường hợp cục bộ và là ví dụ điển hình cho việc quản lý không tốt trong suy thoái, chứ không phải bất nguồn từ rủi ro hệ thống và khả năng thấp có thể gây nên một hiệu ứng dây chuyền.
Vẫn cần thận trọng
Hiện tại, các báo cáo phân tích chi tiết về việc có hay không domino dây chuyền từ SVB phá sản đến hệ thống tài chính hay không vẫn chưa được công bố trong cuối tuần qua. Nhưng mới đây, Signature Bank là ngân hàng tiếp theo thông báo đóng cửa tại Mỹ có quy mô tài sản cuối năm 2022 ở mức 110 tỷ USD.
Mặc dù các chuyên gia đưa ra quan điểm không quá bi quan về sự kiện SVB, nhưng thông tin trên vẫn khiến giới đầu tư đặt ra nghi vấn: Sự thất bại của SVB vẫn sẽ âm thầm gây ra rủi ro lan rộng đối với hệ thống tài chính? Và nếu như vậy, mức độ tác động của SVB đến TTCK Việt vẫn khó suy đoán được.
Hơn nữa, một số ý kiến nhấn mạnh, ngay cả khi không có rủi ro hệ thống nào xảy ra, nhưng khó khăn của SVB là một lời nhắc nhở rằng các ngân hàng có thể gặp khó khăn trong việc tạo ra lợi nhuận ngay cả trong môi trường lãi suất tăng. Do đó, trong ngắn hạn, cổ phiếu ngân hàng có thể chịu ảnh hưởng tâm lý từ sự kiện SVB.
Ngoài ra, tuần qua, TTCK Việt nằm trong số ít thị trường được khối ngoại mua ròng, trong khi các nước trong khu vực châu Á hầu hết bị bán ròng. Tuy nhiên, giả thiết đặt ra rằng, nhóm mua này chủ yếu là nhóm Dragon Capital sau giai đoạn bán cổ phiếu đưa tiền mặt lên hơn 2.000 tỷ đồng đã chuyển qua mua ròng. Và nhóm này sau khi mua ròng có thể sẽ bán chốt lời dần trong những tuần tới, khi Fubon FTSE Vietnam mua ròng. Cho nên, kỳ vọng lớn Fubon FTSE hỗ trợ thị trường chung sẽ không được như kỳ vọng.
Như vậy, tình trạng thanh khoản thấp vẫn sẽ duy trì khi dòng tiền vẫn đang thận trọng tham gia thị trường khi kết quả kinh doanh quý I/2023 dự báo sẽ xấu. P/E VN-Index hiện tại theo Bloomberg ở mức 13,5 lần và có thể tăng lên mức quanh 15 lần khi kết quả kinh doanh quý I lần lượt được công bố. Và điều này sẽ tạo áp lực nhất định lên dòng tiền nước ngoài giải ngân trong giai đoạn tới.
Chuyên gia đến từ DSC cho rằng, xác suất để VN-Index bật tăng sau đà tích lũy hoặc tiếp tục kiểm tra lại các đường hỗ trợ xảy ra là 50/50. Nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn vốn, và chiến thuật đầu tư phù hợp cho cả 2 trường hợp. Dù vậy, chỉ báo cho thấy dòng tiền ngoài thị trường vẫn đang chờ đợi các cơ hội để giải ngân vào các cổ phiếu giá rẻ. Cho nên, các cơ hội cụ thể vẫn tồn tại, thay vì tất cả các cổ phiếu đều có triển vọng bi quan theo chỉ số chung.
“Nhà đầu tư có thể ưu tiên giải ngân vào những nhóm cổ phiếu có câu chuyện hỗ trợ như được ETFs mua ròng giá trị lớn, Trung Quốc mở cửa và đầu tư công”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Chứng khoán VNDIRECT khuyến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận