Vẫn cần kiểm soát room tín dụng
Với hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra là 14% trong cả năm 2022 nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm, tín dụng của hệ thống NH đã tăng 9,35% so với cuối năm ngoái, là mức tăng 6 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm trở lại.
Nếu tính 8 tháng của năm, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 9,6%. Tín dụng tăng nhanh phù hợp với diễn biến phục hồi tích cực của nền kinh tế.
Khoảng chục năm trước, nhiều NH thương mại vừa và nhỏ từng đối mặt với việc tăng trưởng tín dụng "nóng" rồi chạy đua lãi suất, dẫn đến nợ xấu, thậm chí rủi ro hệ thống mà nhiều năm sau mới xử lý xong. Một số ngành vẫn cần sự kiểm soát chặt của cơ quan quản lý để tránh rủi ro, đổ vỡ, trong đó có ngành NH. Việt Nam cũng chưa có tiền lệ về việc phá sản NH thương mại nên kiểm soát room tín dụng là cần thiết đối với hệ thống tài chính thời điểm này.
Rộng hơn, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay dự kiến khoảng 7,5% thì mức tăng trưởng tín dụng 14% đối với nền kinh tế là phù hợp. Đây là mức tăng trưởng tín dụng được dựa trên nhu cầu vốn của nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi. Không kể vốn tín dụng, trong 7 tháng của năm 2022 vẫn có khoảng 280.000 tỉ đồng vốn được huy động qua kênh trái phiếu doanh nghiệp...
Những con số trên cho thấy các kênh huy động vốn của doanh nghiệp không thiếu, tại sao room tín dụng lại liên tục "nóng" thời gian qua? Một trong những lĩnh vực "kêu" thiếu vốn tín dụng nhiều nhất là bất động sản. Dù NHNN đang hạn chế tín dụng nhưng ngành này vẫn nhận được nhiều vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp. Vốn tín dụng NH thương mại hiện chiếm 70% giá trị vốn bất động sản, thời hạn thu hồi bình quân 10 năm. Về lâu dài, điều này sẽ gây rủi ro khi thị trường này chững lại, thanh khoản giảm thì vòng quay thu hồi vốn của NH cũng bị ảnh hưởng…
Chưa kể, vốn tín dụng vào bất động sản tuy chỉ chiếm 10% (không kể trái phiếu) tổng dư nợ NH nhưng chu kỳ thu hồi bình quân 10 năm, cao gấp 4 lần các ngành sản xuất kinh doanh nên thực chất nó có tác động gấp 3-4 lần so với các ngành khác cùng khoản vay. Do đó, cần giải pháp vốn bền vững cho ngành bất động sản, thay vì quá lệ thuộc vào vốn tín dụng NH.
Tăng trưởng tín dụng cũng cần đặt trong bối cảnh kiểm soát lạm phát, để vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và giữ ổn định mặt bằng lãi suất. Bởi tỉ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam theo Tổ thức Tài chính quốc tế (IMF) và NH Thế giới (WB) là thuộc hàng cao nhất thế giới so với các nước có điều kiện phát triển tương đồng (đến cuối năm 2021 tỉ lệ này đã đạt 124%).
Vấn đề của room tín dụng lúc này là nếu phân bổ room còn lại khoảng hơn 4% sẽ cần tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên sản xuất - kinh doanh; xuất khẩu; nông nghiệp; doanh nghiệp vừa và nhỏ… Những đối tượng này thường cần lượng vốn lưu động vài tỉ đến vài chục tỉ đồng, trong thời gian ngắn và quay vòng nhanh, sẽ không chiếm quá nhiều room mà vẫn tạo việc làm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nếu có nới room tín dụng nên ưu tiên cho các NH thương mại vốn nhà nước để tập trung vào lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ.
Thái Phương ghi
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận