24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Đào Văn Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Vai trò của Israel có thể hóa giải xung đột Nga-Ukraine?

Hiện Israel đang tự định vị mình là một nhà trung gian hòa giải tiềm năng trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Đây cũng vai trò mà nước này mong muốn thực hiện trong nhiều năm qua.

Israel giữ vững chiến lược 3 bên

Trong một động thái nhằm thể hiện thiện chí sẵn sàng làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã gặp Tổng thống Nga Putin hôm 5/3 để thảo luận về tình hình chiến sự Ukraine. Sau đó, ông đã gọi điện cho Tổng thống Ukraine Zelensky và bay tới Đức.

Vai trò của Israel có thể hóa giải xung đột Nga-Ukraine?
Thủ tướng Israel Naftali Bennett. Ảnh: Business Insider

Tại cuộc gặp kéo dài 3 tiếng đồng hồ với Tổng thống Putin, Thủ tướng Israel bày tỏ lo ngại về việc cộng đồng Do Thái có thể bị cuốn vào cuộc chiến tại Ukraine. Một quan chức Israel cho biết: “Ông Bennett đang phối hợp với Mỹ, Pháp, Đức nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng”.

Ông Naftali Bennett là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp Tổng thống Putin sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. Động thái được thực hiện theo đề nghị của Ukraine muốn Israel làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột với Nga. Tuy vậy, các quan chức Israel không mấy kỳ vọng về bất cứ sự đột phá nào trên lĩnh vực ngoại giao.

Cuộc chiến Nga-Ukraine đã khiến Israel rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Ukraine là đối tác kinh tế quan trọng của Israel cả về lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Đây cũng là nơi sinh sống của hàng chục nghìn người Do Thái.

Nhưng Nga cũng là đối tác quan trọng với Israel. Chưa kể, hai nước còn có một mối quan hệ đặc biệt xét từ góc độ lịch sử do đều chịu nhiều đau thương trong cuộc chiến chống phát xít. Nhiều người Do Thái gốc Nga ở Israel vẫn duy trì nếp sống và văn hóa Nga. Điều này đã được Tổng thống Putin nhắc đến trong cuộc gặp năm 2009 với Bộ trưởng Ngoại giao Israel lúc bấy giờ là Avigdor Lieberman: “Tôi vui mừng khi nhận thấy những người đến từ Liên Xô đã xây dựng nên sự nghiệp chính trị rực rỡ tại Israel. Đây là thứ gắn kết chúng ta theo cách khác biệt so với những quốc gia khác”.

Với những mối liên kết chồng chéo như vậy, Israel luôn thận trọng trong việc đưa ra phản ứng trước cuộc chiến Nga-Ukraine. Nước này đã giữ vững chiến lược 3 bên trong các nỗ lực ngoại giao của mình.

Mặc dù phản đối chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, nhưng Thủ tướng Israel Naftali Bennett luôn tỏ ra thận trọng trong các bình luận của ông.

Israel đã từ chối tham gia nhóm 87 nước ủng hộ nghị quyết do Mỹ đứng đầu lên án cuộc tấn công của Nga tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng lại bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc yêu cầu Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Về mặt quân sự, Israel được cho là đã ngăn Mỹ chuyển giao hệ thống phòng thủ Vòm Sắt cho Ukraine vào năm 2021, trong một nỗ lực duy trì quan hệ với Nga. Tel Aviv cũng từ chối lời kêu gọi viện trợ quân sự của Ukraine.

Nhà trung gian hòa giải tiềm năng

Tuần trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky hoan nghênh ý tưởng của Israel đứng ra làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột hiện tại. Nhưng Tổng thống Putin được cho là không mặn mà lắm với ý tưởng này.

Theo quan điểm của Moscow, việc Israel trở thành trung gian hòa giải giữa Nga và Mỹ sẽ hợp lý hơn là giữa Nga và Ukraine. Bởi khi đó, Nga có thể tận dụng quan hệ liên minh Mỹ - Israel để đưa ra các yêu cầu đối với Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh hai nước đang gia tăng đối đầu.

Giới phân tích cho rằng, bất chấp quan hệ đồng minh gắn bó giữa Isreal và Mỹ cũng như việc Tel Aviv công khai ủng hộ Ukraine, sẽ rất khó để Ukraine tham gia nỗ lực của phương Tây trừng phạt Nga.

Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 2/2022, Nga đã phản đối việc Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan. Đây có thể hiểu như lời cảnh báo rằng nếu Israel chống lại chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine một cách mạnh mẽ, thì các hoạt động quân sự của nước này tại Syria sẽ phải trả giá.

Chưa kể, nếu chiến dịch quân sự càng kéo dài, Nga sẽ phải tập trung nhiều hơn vào Ukraine và giảm bớt sự đầu tư quân sự vào những nước khác như Syria hay Libya. Việc cắt giảm ảnh hưởng này sẽ là mối quan tâm lớn với Israel. Nó đồng nghĩa với việc Moscow sẽ dành ít hỗ trợ hơn cho các lực lượng do Iran hậu thuẫn và chính phủ Syria, khiến Israel có nhiều cơ hội tiến hành hoạt động quân sự hơn. Tất nhiên, điều này cũng có mặt trái. Sẽ có nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa hơn từ Lebanon và Syria về phía Israel, có nguy cơ đẩy nước này lún sâu vào một cuộc xung đột trong khu vực.

Liệu có thành công?

Có rất nhiều tia sáng trong viễn cảnh làm trung gian giữa các bên tham chiến. Nếu thành công, vai trò và vị thế của họ trên trường quốc tế sẽ được nâng cao, thậm chí còn có giải Nobel Hòa Bình đang chờ đợi, cây viết Herb Keinon của Jerusalem Post nhận xét.

“Nếu Tổng thống Putin muốn một người hòa giải ở một thời điểm nào đó và ông không còn biện pháp nào khác khác ngoài đàm phán - thì Israel là một trong số ít các lựa chọn mà cả Nga và Ukraine đều cảm thấy thoải mái”, nhà phân tích Lazar Berman nhận định.

Đại sứ Ukraine tại Israel Yevgen Korniychuk cho biết: “Tổng thống của chúng tôi tin tưởng Israel là quốc gia dân chủ duy nhất có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine và điều đó có thể được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán”.

Tuy vậy, ông Gerald Steinberg, giáo sư nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học Bar-Ilan cho rằng, hầu hết bên thứ 3 đóng vai trò trung gian hòa giải trong một cuộc xung đột hiếm khi thành công công. “Trong nhiều trường hợp, bàn đàm phán giống như là một show diễn, nơi các bên cố gắng tận dụng quy trình đàm phán để đạt được lợi thế”.

Ông Gerald Steinberg cho biết, trong các cuộc đàm phán thường có một khái niệm gọi là “độ chín”. “Bạn phải cẩn thận. Cần phải đợi cho đến khi hai bên mệt mỏi và đuối sức thì lúc đó họ mới tìm đến bên thứ 3. Đây là giai đoạn chín muồi để đối thoại”. Chuyên gia này cho rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và chưa bên nào cảm thấy đuối sức sau 10 ngày giao tranh.

Nhưng ngay cả khi giai đoạn này xuất hiện, bên thứ 3 thương phải đưa ra một điều gì đó trên bàn đàm phán, có thể là đảm bảo an ninh hoặc khả năng thúc đẩy một trong hai phía thực hiện thỏa thuận của họ, ông Gerald Steinberg lưu ý. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn mà không phải lúc nào nhà trung gian hòa giải cũng có thể làm được./.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả