Vải thiều sản lượng thấp hơn, nông dân vẫn vui
Dù sản lượng vải năm nay thấp hơn nhiều so với mọi năm, nhưng người trồng vải ở Bắc Giang vẫn vui vì bán được giá, lợi nhuận cao hơn nhiều lần.
Từ đầu tháng 6 đến nay, vùng trồng vải ở Bắc Giang tấp nập người mua kẻ bán. Toàn tỉnh có khoảng 500 điểm cân lớn, nhỏ, tập trung chủ yếu ở huyện Lục Ngạn và Lục Nam.
Mặc dù năm nay sản lượng vải thấp hơn mọi năm, nhưng người trồng vải không buồn: "Năm nay giá vải cao hơn. Giá một rổ vải năm nay bằng giá của một sọt vải năm ngoái", một nông dân ở xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn chia sẻ.
Sở dĩ người trồng vải ở Bắc Giang có niềm vui đi ngược quy luật này là do “Những năm vải được mùa, chúng tôi mất rất nhiều công, của để thu hoạch, giá bán thì thấp và bấp bênh. Năm nay sản lượng vải thấp, đồng nghĩa với việc giảm chi phí nhân công thu hoạch, tiết kiệm được thời gian, không phải nhìn những quả vải thấm đẫm mồ hôi, công sức của mình phải đổ bỏ. Sản lượng vải thấp thì giá bán sẽ cao, vì cầu vượt cung”.
Năm nay giá vải cao đột biến, chẳng hạn, vải Thanh Hà từ 48.000-50.000 đồng/kg, có thời điểm 70.000 đồng/kg. Trong khi năm ngoái, cao điểm cũng chỉ được 16.000 đồng/kg, có thời điểm xuống còn 2.000 đồng/kg mà vẫn không có người mua.
“Giá cao thế này thì người trồng vải đỡ khổ hơn. Giá cao, đầu ra cũng khá ổn định. Từ đầu mùa tới giờ tôi cũng bán được 400-500 tấn", một thương lái thu mua vải thiều tại Bắc Giang cho biết.
Có nhiều nguyên nhân khiến giá vải tăng cao. Đó là sản lượng vải năm nay thấp hơn mọi năm; diện tích trồng vải ở Bắc Giang giảm xuống do người dân chuyển sang trồng cam canh. Các thương lái Trung Quốc sang thu mua vải ồ ạt cũng là lý do đẩy giá vải tăng cao. Riêng tại huyện Lục Ngạn hiện nay đang có gần 300 thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải thiều.
Giá quả vải khá cao, nhưng sức mua không giảm. Ảnh minh họa
Vải thiều Lục Ngạn đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Trung Quốc
Theo thống kê, đến chiều 11/6, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ gần 56.000 tấn vải, trong đó có hơn 19.000 tấn vải chính vụ, số lượng vải sớm cơ bản đã hết.
Giá bán vải tiếp tục duy trì ở mức ổn định ở mức cao, dao động từ 35.000-50.000 đồng/kg, giá vải lai từ 45.000-60.000 đồng/kg. Theo các thương lái, giá bán có nhích lên so với những ngày trước đó, tuy nhiên mức tăng không nhiều.
Đến nay, vải thiều tươi đã được bày bán khắp toàn quốc. Một số địa phương tiêu thụ vải với số lượng lớn là các tỉnh lân cận phía Bắc, những đô thị lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, TPHCM và các tỉnh phía Nam.
Riêng TPHCM, kể từ đầu tháng 6 đến nay giá vải thiều Lục Ngạn liên tục đứng ở mức rất cao. Tại nhiều gian hàng trái cây khu vực các chợ bán lẻ, giá bán vải thiều vận chuyển bằng xe lạnh dao động từ 75.000-85.000 đồng/kg, vải thiều vận chuyển bằng máy bay có giá 120.000-150.000 đồng/kg, tùy cửa hàng và điểm bán.
Điều đáng lưu ý, mặc dù giá bán cao nhưng sức mua không giảm. Nguyên nhân chính là nhiều hộ trồng vải đã áp dụng sản xuất hữu cơ, VietGAP, ít sử dụng phân hóa học để kích thích trái vải lớn nhanh, chín ép nên chất lượng có sự khác biệt.
Vải thiều Lục Ngạn cũng được thương nhân, người tiêu dùng Trung Quốc tin dùng. Đây là thị trường chiếm tới 90% thị phần xuất khẩu vải của huyện này. Ngoài ra, vải thiều còn được xuất khẩu vào các thị trường như Mỹ, EU, Nga, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia…
Năm 2019, ngoài 18 mã vùng do Bộ Nông nghiệp Mỹ cấp cho 394 hộ sản xuất vải thiều tại 7 xã của huyện Lục Ngạn với tổng diện tích 217,89 ha đủ điều kiện xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Mỹ, thì Trung Quốc cũng đã cấp 36 mã số vùng trồng vải thiều Lục Ngạn tại 30 xã, thị trấn đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận