Vaccine Pfizer hiện không có một nguồn cung tư nhân nào là hợp pháp
Đến thời điểm hiện nay, vaccine Pfizer không có một nguồn cung vaccine tư nhân nào là hợp pháp.
Thông tin vừa được hãng Pfizer khẳng định tại Chương trình tập huấn trực tuyến do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phối hợp với Cơ quan Điều tra An ninh Nội địa Hoa Kỳ và hãng dược phẩm Pfizer tổ chức ngày 16/6 nhằm mục đích cung cấp những thông tin phân biệt vaccine chính hãng Pfizer cho toàn lực lượng QLTT.
Phát biểu tại chương trình tập huấn trực tuyến phân biệt vaccine chính hãng Pfizer cho lực lượng Quản lý thị trường cả nước, ông Join Paul Pullicino, đại diện hãng dược Pfizer - đơn vị sản xuất và phân phối vaccine Pfizer cho biết, việc đảm bảo cung cấp các liều vaccine chính thống hiệu quả và an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng là điều quan trọng hàng đầu đối với Pfizer và đối với cộng đồng.
Theo ông Paul Pullicino, Pfizer chỉ đảm bảo cung cấp vaccine chính hãng thông qua các nguồn hợp pháp và được phê duyệt từ Chính phủ các nước. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, đơn vị đã ghi nhận nhiều vaccine Pfizer giả ở trên thế giới. Tại Việt Nam, cũng đã ghi nhận sự việc các cá nhân tự nhận mình có quyền tiếp cận nguồn vaccine Pfizer.
“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi khẳng định Pfizer trên toàn cầu chỉ trực tiếp cung cấp thông qua các thoả thuận song phương với các Chính phủ liên bang. Cho đến nay, không có một nguồn vaccine tư nhân nào là hợp pháp. Hiện, hãng đang chốt các kế hoạch vận chuyển và cung cấp vaccine cho Việt Nam trong quý 3-4/2021. Dự kiến, một phần của các liều vaccine Pfizer sẽ về Việt Nam trong tháng sau”, ông Paul Pullicino khẳng định.
Đưa ra cách phân biệt vaccine Pfizer, bà Vanessa Piepenbugr, đại diện Đội an ninh toàn cầu của vaccine Pfizer tại Singgapore cho biết, vaccine thật được đựng trong các lọ thuỷ tinh nhỏ trong suốt không màu, dung tích 2ml, chứa chưa đầy một nửa là dung dịch màu trắng đục. Lọ nắp lật có dán nhãn, mỗi lọ có 6 liều, không đựng sẵn trong ống tiêm, cũng không phải liều uống, không ở dạng viên nén hoặc viên nang.
“Tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ, nhãn dán sẽ ghi Pfizer & BioNTech. Tại Hong Kong, Macau, Đài Loan, nhãn dán sẽ ghi Fosun and BioNTech. Vaccine Pfizer chỉ được vận chuyển từ Bỉ, không vận chuyển từ Trung Quốc, Ấn Độ và đi đến các địa điểm tiêm chủng đã định trước thông qua liên lạc trực tiếp với Chính phủ các nước, không vận chuyển theo liều riêng lẻ”, bà Vanessa nêu rõ.
Nhận định tình hình hoạt động mua bán vaccine trên thị trường, Trung tướng Nguyễn Thanh Sơn, Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Công an) cho biết, qua nắm tình hình cho thấy việc buôn bán vaccine giả đang căng thẳng ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Trung Quốc, từ đầu năm nay, lực lượng chức năng cũng thu giữ 3.000 liều vaccine Covid-19 giả. Ở Việt Nam, mặc dù chưa phát hiện tội phạm nào liên quan đến vaccine giả nhưng có thể trở thành điểm trung chuyển của các đối tượng buôn bán sản xuất vaccine giả.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương, cho biết, nhằm giúp lực lượng QLTT có kỹ năng nhận biết giữa hàng giả và hàng chính hãng đối với vaccine phòng Covid-19, góp phần phục vụ tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tổng cục QLTT phối hợp với Cơ quan Điều tra an ninh nội địa Hoa Kỳ và hãng dược phẩm Pfizer tổ chức chương trình Tập huấn trực tuyến phân biệt vaccine chính hãng Pfizer cho toàn lực lượng QLTT.
“Việc hãng dược Pfizer chia sẻ thông tin liên quan đến vaccine ngừa Covid-19 tại thời điểm hiện tại là rất cần thiết khi mà thời gian qua Bộ Y tế Việt Nam đã đưa ra những cảnh báo về tình trạng lừa đảo tiêm vaccine ngừa Covid-19. Chính vì vậy, những thông tin liên quan đến vaccine ngừa Covid-19 rất cần thiết, giúp lực lượng quản lý thị trường có kỹ năng nhận biết giữa hàng giả và hàng chính hãng góp phần phục vụ tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Trần Hữu Linh khẳng định.
Thời gian tới, tình hình vaccine phòng, chống dịch Covid-19 được đánh giá vẫn phức tạp, theo đó, các đối tượng sẽ lợi dụng thị trường để sản xuất, buôn bán vaccine giả mạo nhằm trục lợi. Tổng cục QLTT sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các mặt hàng là thiết bị y tế dùng trong phòng, chống dịch.
Để tránh nguy cơ bị lừa đảo tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 giả mạo, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, không an toàn, Tổng cục QLTT khuyến cáo người dân: cần cảnh giác trước những lời mời này, chỉ đi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại các cơ sở y tế, cơ sở đào tạo y, dược và các cơ sở, điểm tiêm chủng được Bộ Y tế cấp phép./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận