Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson tạo kháng thể mạnh với biến thể Delta
Johnson & Johnson thông báo vaccine ngừa COVID-19 của hãng này có hiệu quả cao, không chỉ chống lại các biến thể phổ biến của virus SARS-CoV-2 mà còn chống được biến thể Delta.
Hãng dược phẩm Johnson & Johnson (J&J) của Mỹ thông báo vaccine ngừa COVID-19 một liều duy nhất của hãng này có hiệu quả cao, không chỉ chống lại các biến thể phổ biến của virus SARS-CoV-2 mà còn chống được biến thể Delta đang được coi là nguy hiểm và có tốc độ lây lan nhanh nhất hiện nay.
Các số liệu mới nhất công bố ngày 1/7 cũng cho thấy phản ứng miễn dịch mà vaccine của J&J tạo ra có thể kéo dài ít nhất 8 tháng, với hiệu quả ngăn chặn nguy cơ tử vong và nhập viện do mắc COVID-19 lên tới 85%.
Trong thông báo cùng ngày, Giám đốc phụ trách nghiên cứu và phát triển của J&J, ông Mathai Mammen cho biết: "Những số liệu sau 8 tháng nghiên cứu đến nay cho thấy vaccine một liều duy nhất của J&J có thể tạo ra kháng thể mạnh, vô hiệu hóa biến thể của virus gây bệnh. Không những thế, chúng tôi nhận thấy có sự cải thiện đáng kể trong suốt thời gian theo dõi trên."
Đặc biệt, vaccine ngừa COVID-19 của hãng đã kích thích kháng thể chống lại biến thể Delta ở mức thậm chí còn cao hơn so với biến thể Beta. Hiện J&J đã gửi dữ liệu này lên trang web sinh học bioRxiv trước khi được hội đồng chuyên môn đánh giá.
Cho đến nay, cơ thể những người được tiêm vaccine của J&J đều tạo ra kháng thể có khả năng vô hiệu hóa tất cả các biến thể, kể cả Delta, một biến thể hiện có tốc độ lây nhiễm cực nhanh và hiện đã lan san gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trước đó, các hãng dược phẩm như Pfizer/BioNTech, Moderna và AstraZeneca thông báo vaccine của họ cũng tạo hiệu quả chống được biến thể Delta.
Liên quan đến chiến dịch tiêm chủng vaccine, ngày 1/7, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng đại trà cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.
Thủ đô Jakarta đã tổ chức đợt đầu tiên cho nhóm đối tượng này, với ít nhất 100 học sinh ở khu vực trung tâm đã được tiêm mũi đầu tiên. Theo kế hoạch, 1,3 triệu học sinh sẽ được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trong đợt này.
Nhóm thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi được phép tiêm vaccine Sinovac của Trung Quốc sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia của Indonesia cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine này hôm 27/6.
Tính đến ngày 1/7, quốc gia Đông Nam Á này đã tiêm chủng mũi đầu tiên cho hơn 30,48 triệu người dân, trong khi 13,67 triệu người khác đã hoàn thành hai mũi. Indonesia đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người, chiếm 70% dân số nước này vào tháng 3/2022./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận