Ủy ban Kinh tế thống nhất kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu
Nghị quyết số 42 dự kiến sẽ được kéo dài thời gian áp dụng đến hết ngày 31/12/2023.
Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV sáng 24/5, Quốc hội đã nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa uỷ quyền Thủ tướng trình báo cáo tổng kết Nghị quyết số 42 và đề xuất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Tại phiên họp, đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế thống nhất với đề xuất của Chính phủ, theo đó kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của các chính sách mà Nghị quyết đã mang lại, tránh gián đoạn, thiếu hụt cơ chế, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ TCTD, công ty quản lý tài sản đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, nhất là nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 chưa được xử lý còn cao và dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Nghị quyết số 42 cùng với các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các khoản nợ xấu, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ các TCTD trong việc xử lý nợ xấu và duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%. Ngoài ra nghị quyết cũng từng bước đảm bảo quyền của chủ nợ, thể hiện tính đúng đắn về định hướng, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Bên cạnh đó, nghị quyết cũng tác động tích cực đến quá trình cơ cấu lại, phát triển của hệ thống các TCTD. Nhờ đó, các TCTD có điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng dịch Covid-19.
Theo báo cáo của bà Nguyễn Thị Hồng, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các TCTD đến 31/12/2021 là 412.700 tỷ đồng, giảm 6,32% so với cuối năm 2020 và giảm 17,21% so với ngày 14/8/2017. Lũy kế từ 15/6/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý 380.200 tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 196.900 tỷ đồng (chiếm 51,79% tổng nợ xấu đã xử lý theo Nghị quyết 42).
Trong xử lý nợ xấu nội bảng, khách hàng trả nợ 148.000 tỷ đồng, chiếm 75,28%, tổ chức tín dụng nhận tài sản bảo đảm thay cho nghĩa vụ trả nợ 3.200 tỷ đồng, chiếm 1,63%, bán, phát mại tài sản bảo đảm 8.000 tỷ đồng, chiếm 4,06%, bán cho các tổ chức khác là 24.200 tỷ đồng, chiếm 12,29%, các hình thức xử lý khác 13.500 tỷ đồng, chiếm 6,86%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận