Ủy ban chứng khoán nhà nước là gì? Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn
Để đảm bảo sự phát triển ổn định của thị trường chứng khoán (TTCK) cũng như quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư và phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ra đời. Đây là cơ quan có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý, giám sát các hoạt động giao dịch chứng khoán và TTCK. Vậy UBCKNN là gì, tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể ra sao? - Hãy cùng 24hMoney tìm hiểu qua bài viết ngay sau đây nhé!
1. Ủy ban Chứng khoán nhà nước là gì?
1.1. Khái quát về vị trí và chức năng
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có tên giao dịch bằng tiếng Anh là: State Securities Commission of Vietnam (SSC).
Đây là cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính, có trụ sở tại thành phố Hà Nội, được thành lập nhằm tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước về chứng khoán. Bên cạnh đó, cơ quan này cũng trực tiếp quản lý, giám sát các hoạt động chứng khoán, thị trường chứng khoán.
Mục đích của quản lý Nhà nước về chứng khoán chính là:
▪️ Bảo vệ các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhà đầu tư một cách công bằng, minh bạch;
▪️ Dung hòa lợi ích của những thành viên tham gia vào TTCK;
▪️ Ngăn ngừa, hạn chế những hoạt động tiêu cực, có thể ảnh hưởng xấu đến TTCK cũng như nền kinh tế;
▪️ Ngăn ngừa, kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro có thể làm sụp đổ TTCK.
1.2. Lịch sử hình thành
Nhà nước ta đã đặt ra mục tiêu xây dựng và phát triển TTCK từ những năm 90 của thế kỷ 20, nhằm xác lập một kênh huy động vốn mới cho các doanh nghiệp, từ đó tận dụng nguồn tiền nhàn rỗi từ người dân để phục vụ cho đầu tư phát triển kinh tế.
Sự hình thành của UBCKNN có thể được tóm tắt qua những mốc thời gian dưới đây:
▪️ Ngày 6/11/1993: Thành lập Ban Nghiên cứu xây dựng và phát triển thị trường vốn. Đây được coi là “viên gạch” đầu tiên, đặt nền móng cho sự hình thành của TTCK sau này.
▪️ Tháng 9/1994: Thành lập Ban soạn thảo Pháp lệnh về chứng khoán và TTCK. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính là Trưởng ban, t Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Thứ trưởng Bộ Tư pháp là thành viên.
▪️ Ngày 29/6/1995: Ban chuẩn bị tổ chức TTCK được thành lập với chức năng chuẩn bị cơ sở vật chất, soạn thảo văn bản pháp luật…- những điều kiện cần thiết cho sự ra đời của UBCKNN.
▪️ Ngày 28/11/1996: Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chính thức được ra đời, thuộc sự điều hành của Chính phủ.
▪️ Ngày 19/02/2004: Chính phủ đã chuyển giao UBCKNN cho Bộ tài chính quản lý (theo Nghị định số 66/2004/NĐ-CP).
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
UBCKNN được ra đời với nhiệm vụ và quyền hạn như sau:
▪️ Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét, quyết định các dự án luật, dự thảo nghị quyết, chương trình mục tiêu quốc gia, đề án, dự án và các văn bản pháp luật về chứng khoán cũng như kế hoạch phát triển TTCK hàng năm.
▪️ Ban hành các văn bản quy phạm để hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ chứng khoán.
▪️ Tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật, chiến lược, chương trình về chứng khoán sau khi được Bộ Tài chính hoặc Chính phủ phê duyệt.
▪️ Tuyên truyền, phổ biến và cập nhật kiến thức pháp luật về chứng khoán và TTCK cho người dân.
▪️ Có quyền cấp, gia hạn, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoặc các chứng nhận liên quan đến hoạt động chứng khoán, chấp thuận các thay đổi có liên quan trong lĩnh vực này như: đưa vào giao dịch những loại chứng khoán mới, thay đổi phương thức giao dịch, vận hành hệ thống giao dịch chứng khoán mới.
▪️ Quản lý, giám sát hoạt động của các đơn vị thành viên như Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán cùng các tổ chức phụ trợ khác.
▪️ Thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm, giải quyết các vấn đề liên quan đến tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về hoạt động chứng khoán và TTCK.
▪️ Thống kê, dự báo, theo dõi, tổng hợp và báo cáo về tình hình hoạt động của TTCK.
▪️ Tổ chức quản lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, góp phần thúc đẩy sự phát triển TTCK.
▪️ Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực chứng khoán, xúc tiến, quảng bá TTCK Việt Nam ra thế giới theo sự phân công của các cấp có thẩm quyền.
Qua đây, chúng ta có thể thấy hoạt động của UBCKNN có tính mềm dẻo hơn các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác. Quyền tự do mua bán của các bên tham gia vào TTCK hoàn toàn được tôn trọng, UBCKNN chỉ can thiệp khi thực sự cần thiết hoặc khi xảy ra sự cố làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của TTCK hay quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư.
3. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban Chứng khoán nhà nước
Cơ cấu tổ chức của UBCKNN bao gồm:
3.1. Lãnh đạo
Lãnh đạo UBCKNN gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch, trong đó:
▪️ Chủ tịch
Là người đứng đầu cơ quan, chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng như trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của UBCKNN.
Hiện nay, người đang nắm giữ chức vụ chủ tịch là ông Trần Văn Dũng.
▪️ Phó Chủ tịch
Là người chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như trước pháp luật về lĩnh vực công tác mà mình đảm nhiệm.
Hiện nay, có 3 người đang nắm giữ chức vụ Phó Chủ tịch là ông Phạm Hồng Sơn, ông Phạm Văn Hoàng và bà Vũ Thị Chân Phương.
3.2. Đơn vị hành chính
Các đơn vị hành chính có chức năng tham mưu, giúp Chủ tịch UBCKNN thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chứng khoán và TTCK, bao gồm:
▪️ Vụ Pháp chế
Chịu trách nhiệm soạn thảo các chương trình, kế hoạch hàng năm, các văn bản pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán, thẩm định hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng của các doanh nghiệp,...
▪️ Vụ Phát triển thị trường chứng khoán.
Chịu trách nhiệm đệ trình các chiến lược, kế hoạch trung và dài hạn về phát triển TTCK; nghiên cứu, xây dựng các chính sách cũng như đề xuất các giải pháp nhằm phát triển TTCK, đảm bảo cho thị trường hoạt động công khai, minh bạch, công bằng và đúng pháp luật.
▪️ Vụ Quản lý phát hành chứng khoán.
Chịu trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch UBCKNN cấp, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng, phát hành riêng lẻ của các công ty đại chúng (ngoại trừ công ty chứng khoán, quản lý quỹ, đầu tư chứng khoán)...
▪️ Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán.
Chịu trách nhiệm cấp, gia hạn, điều chỉnh hoặc thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động của các công ty chứng khoán; chấp thuận những thay đổi liên quan đến tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp này...
▪️ Vụ Quản lý các công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán.
Chịu trách nhiệm quản lý, giám sát các công ty quản lý quỹ cũng như quỹ đầu tư chứng khoán.
▪️ Vụ Giám sát thị trường chứng khoán.
Chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký chứng khoán giám sát diễn biến giao dịch chứng khoán hàng ngày; phân tích, đánh giá những giao dịch có biểu hiện bất thường; nhằm báo cáo Chủ tịch UBCKNN để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
▪️ Vụ Hợp tác quốc tế.
Chịu trách nhiệm xây dựng các chương trình hợp tác quốc tế về lĩnh vực chứng khoán; trao đổi thông tin về quản lý chứng khoán với cơ quan quản lý chứng khoán các nước trên thế giới; thực hiện xúc tiến đầu tư, quảng bá TTCK Việt Nam ra toàn cầu...
▪️ Vụ Tổ chức cán bộ.
Chịu trách nhiệm kiện toàn tổ chức, sắp xếp nhân sự, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ...
▪️ Vụ Tài vụ - Quản trị
Chịu trách nhiệm quản lý tài chính; dự toán thu, chi và phân bổ ngân sách hàng năm cũng như các quyết định liên quan đến tài chính của các đơn vị thuộc UBCKNN.
▪️ Văn phòng.
Giúp lãnh đạo UBCKNN theo dõi, đôn đốc, điều phối hoạt động của các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác...
Cơ quan Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh
▪️ Thanh tra
Có chức năng thanh tra chuyên ngành, xử phạt vi phạm hành chính về chứng khoán và TTCK.
▪️ Cục Công nghệ thông tin
Có chức năng tham mưu, giúp Chủ tịch UBCKNN nghiên cứu, xây dựng cũng như triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hoạt động của UBCKNN và thị trường chứng khoán trong phạm vi thẩm quyền.
3.3. Đơn vị sự nghiệp
▪️ Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán
Trung tâm này có chức năng giúp Chủ tịch UBCKNN tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lĩnh vực chứng khoán, TTCK; cung cấp các dịch vụ, tư vấn đào tạo liên quan đến lĩnh vực chứng khoán cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
▪️ Tạp chí Chứng khoán
Cơ quan này có nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBCKNN thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, trao đổi về chính sách, chế độ pháp luật nghiệp vụ trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK; thông tin các hoạt động của UBCKNN vàvà các tổ chức, cơ quan có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán theo quy định của pháp luật.
3.4. Doanh nghiệp trực thuộc
Đây là những công ty TNHH một thành viên hoạt động theo Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp bao gồm: Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội; Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Kết luận
Trên đây, 24hMoney đã gửi tới bạn những thông tin chi tiết, cụ thể về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Có thể nói, đây chính là cơ quan hiểu rõ nhất về TTCK, là “cánh tay” đắc lực của Bộ Tài chính trong việc quản lý Nhà nước, góp phần xây dựng TTCK minh bạch, bảo vệ tối đa quyền lợi của nhà đầu tư. Hiện nay, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBCKNN cũng không ngừng được hoàn thiện để bắt kịp với sự phát triển của thị trường. Để cập nhật thêm các thông tin hữu ích, mới nhất về TTCK cũng như những kiến thức cần thiết cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này, bạn có thể tải ứng dụng 24h Money hoàn toàn miễn phí ngay tại đây!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận