Uỷ ban châu Âu lúng túng vì giá mua vắc-xin bị rò rỉ
Uỷ ban châu Âu (EC) từ chối trả lời trực tiếp câu hỏi về chuyện rò rỉ thông tin về mức giá mà khối này sẽ trả để mua vắc-xin COVID-19 từ các hãng, nhấn mạnh rằng họ phải giữ kín thông tin theo điều khoản đã ký kết với các công ty.
Phát ngôn viên EC đã nhận được câu hỏi từ báo chí về bảng phân tích chi phí danh mục vắc-xin mà một bộ trưởng trong Chính phủ Bỉ tiết lộ trên Twitter hôm 17/12.
Đoạn tweet của vị bộ trưởng này nhanh chóng bị xoá, nhưng ảnh chụp màn hình nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội.
“Chúng tôi không thể nói gì về việc này. Mọi thứ liên quan đến thông tin về giá vắc-xin đều phải bảo mật. Điều này rất quan trọng”, phát ngôn viên EC Stefan de Keersmaecker nói với báo chí.
Ông Eric Mamer, người phát ngôn chính của EC, cho biết thêm rằng các công ty cung cấp vắc-xin yêu cầu bảo mật thông tin về giá sản phẩm mà họ cung cấp, “nếu không chúng tôi sẽ không được ký hợp đồng”, ông nói.
Đoạn tweet bị xoá cho thấy giá 6 trên 7 loại vắc-xin mà EC đã mua, dao động từ 2,2 – 18 USD. Vắc-xin của hãng dược Mỹ Moderna có giá đắt nhất, còn của hãng Anh – Thuỵ Sĩ AstraZeneca rẻ nhất. Giá vắc-xin của Pfizer-BioNTech, loại duy nhất đã được cấp phép tiêm chủng ở Anh và Mỹ và có thể cả EU trong tuần sau, là 14,7 USD. Dưới đây là bảng giá bị rò rỉ:
1. AstraZeneca: €1.78
2. Johnson & Johnson: US$8.50
3. Sanofi/GlaxoSmithKline: €7.56
4. Pfizer/BioNTech: €12.00
5. Curevac: €10.00
6. Moderna: US$18.00
Ông De Keermaecker nói rằng điều khoản bảo mật trong các hợp đồng không chỉ để bảo vệ “thông tin nhạy cảm của doanh nghiệp” mà cả “lợi ích của cộng đồng”.
“Nếu tất cả thông tin nhạy cảm này được công khai, vị thế đàm phán của Uỷ ban và các quốc gia thành viên sẽ yếu đi”, ông nói.
Trong một diễn biến khác, EU thông báo vừa ký hợp đồng thứ bảy với hãng công nghệ sinh học Mỹ Novavax để mua 100 triệu liều, và giá của sản phẩm này cũng không được công bố.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận