Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong những tháng còn lại của năm 2023 và cả năm 2024, Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Sáng 23-10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định
Thủ tướng cho biết trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là có thể hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm.
Cụ thể, trong 9 tháng tăng trưởng GDP đạt 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,16%; xuất siêu gần 22 tỉ USD; thị trường lao động phục hồi tích cực; giải ngân vốn đầu tư công đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn 4,68% so với cùng kỳ; thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 75,5% dự toán, ước cả năm phấn đấu vượt dự toán được giao; tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước cả năm là 2,76%. Bội chi NSNN và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của QH. Đặc biệt, những năm qua, với việc đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi đã trích lập được trên 560.000 tỉ đồng, bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương để tăng lương cho 3 năm 2024 - 2026 theo Nghị quyết 27-NQ/TW áp dụng từ ngày 1-7-2024.
Theo Thủ tướng, trước khó khăn, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các giải pháp đưa ra sẽ thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. "Chính phủ nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 5%; lạm phát khoảng 3,5%-4%" - Thủ tướng khẳng định.
Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh đã nêu những hạn chế và đề nghị Chính phủ quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn. Ước cả năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Đó là thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; việc ban hành thông tư, quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp (DN); thị trường tài chính, tiền tệ vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. Thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro, rất nhiều dự án không thể triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
"Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 chỉ tăng 6,92%. DN còn gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính" - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Vì vậy, trong những tháng cuối năm 2023, Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện những giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); quan tâm thúc đẩy phục hồi và đẩy mạnh các đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực và hoạt động của các thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phấn đấu đạt cao nhất những chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.
Nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình thế giới trong năm 2024 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu có xu hướng chậm lại. Thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô - vừa phải kiểm soát lạm phát vừa phải thúc đẩy tăng trưởng. Do đó, mục tiêu tổng quát được Chính phủ đặt ra là tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Năm 2024, Chính phủ đề ra các chỉ tiêu chủ yếu như: Tăng trưởng GDP khoảng 6% - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4% - 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%; dự toán thu NSNN tăng khoảng 5%; bội chi NSNN dưới 4% GDP; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Để đạt được các chỉ tiêu trên, Chính phủ đề ra 12 giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), những lĩnh vực ưu tiên, triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi hiện có và nghiên cứu bổ sung các gói mới; phấn đấu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng trên 15%. Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công, nhất là vốn vay nước ngoài với thủ tục thông thoáng, sử dụng hiệu quả; tập trung cho các công trình trọng điểm mang tính xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, chấm dứt tình trạng dàn trải, chia cắt, lãng phí, kém hiệu quả; triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; hoàn thiện quy định pháp luật về xử lý nợ xấu, chấm dứt tình trạng sở hữu chéo…
"Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 đặt ra là rất nặng nề và có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Hôm nay (24-10), buổi sáng QH thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024. Cuối giờ chiều, QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận