Ưu đãi 12.000 tỷ cứu Vietnam Airlines, hãng bay tư nhân xin vay 15.000 tỷ
Một gói ưu đãi 12.000 tỷ đồng đã được thông qua để giải cứu Vietnam Airlines. Cùng cảnh khó khăn và thiệt hại lớn do Covid-19, các hãng bay tư nhân cũng xin được vay 15.000 tỷ đồng.
Lỗ ngay trong mùa cao điểm
Liên quan đến gói cứu trợ thứ hai hỗ trợ bổ sung cho đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam vừa có văn bản tổng hợp ý kiến của các hãng hàng không phúc đáp Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Theo đó, Hiệp hội này cho hay, ngành hàng không chịu tác động nặng nề từ ba đợt bùng phát dịch bệnh. Ước tính cả năm 2020, các hãng hàng không Việt Nam phải gánh khoản lỗ trên 18.000 tỷ đồng từ hoạt động vận tải hàng không và doanh thu giảm khoảng 100.000 tỷ đồng so với năm 2019.
Sang năm 2021, thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng. Hai tháng đầu năm, các hãng chỉ chở được 66,6 nghìn khách quốc tế, giảm gần 99% so cùng kỳ 2019. Mảng nội địa cũng sụt giảm nghiêm trọng do dịch bệnh đợt ba bùng phát vào dịp cao điểm nhất trong năm là Tết âm lịch (27/1-26/2) nên lượng khách bỏ chỗ rất lớn.
Để kích cầu và thu hút dòng tiền, các hãng buộc phải giảm giá vé sâu, dẫn tới hậu quả chưa từng xảy ra là các hãng bị lỗ ngay trong mùa cao điểm. Doanh thu dịp cao điểm Tết giảm tới 70-80% so với cùng kỳ năm trước. Các DN dịch vụ thương mại, dịch vụ kỹ thuật, cung ứng suất ăn hàng không,... cũng vạ lây.
Hiệp hội DN Hàng không dự báo, năm 2021, doanh thu các hãng vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và vẫn lỗ trên 15.000 tỷ đồng. Các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết.
Năm 2020, chính sách hỗ trợ các hãng hàng không gặp khó do bão Covid-19 của Nhà nước đã có tác dụng tích cực. Chẳng hạn, với Vietnam Airlines, việc giảm 50% giá, phí dịch vụ cất hạ cánh giúp hãng này giảm chi phí 155 tỷ đồng; giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay giảm chi phí 164 tỷ đồng (dự kiến năm 2021, con số này khoảng 430 tỷ đồng).
Với Bamboo Airways, tổng số tiền hãng này được hưởng từ các khoản giảm trừ là 120 tỷ đồng.
Vẫn cần bơm tiền hỗ trợ
Dự báo khó khăn còn tiếp diễn trong năm 2021, Hiệp hội DN hàng không kiến nghị mở rộng chương trình hỗ trợ tín dụng do các hãng vẫn mất cân đối dòng tiền trầm trọng, kéo dài. Tuy một vài lần đã kiến nghị được hỗ trợ vốn để hoạt động, song, đến nay, mới chỉ có Vietnam Airlines được hỗ trợ vay 4.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi 4%/năm và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng.
Do vậy, VietJet Air đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỷ đồng trong ba năm 2021-2023 và hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản này; Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỷ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại có hỗ trợ lãi suất.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị sửa đổi Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng cho các doanh nghiệp hàng không cũng được hỗ trợ lãi suất. Hiện Nghị quyết 84 quy định giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa mà nhiều DN hàng không không thuộc đối tượng này.
Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN cho phép các doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021. Thông tư 01 chỉ áp dụng cho các khoản nợ vay phát sinh trước ngày 23/1/2020, trong khi dịch bệnh lại tái bùng phát.
Một trong những biện pháp khác là cần sớm nghiên cứu từng bước mở cửa, nối lại đường bay quốc tế, chấp nhận cho khách nước ngoài vào Việt Nam khi có chứng nhận tiêm vắc-xin, đặc biệt là khách từ các quốc gia có lượng hành khách lớn hoặc có tiềm năng, đã kiểm soát được dịch bệnh cho hành trình Việt Nam và ngược lại như: châu Âu, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,...
Ngoài ra, tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống mức 900- 1.000 đồng/lít. Trước đó, Ủy Ban TVQH đã đồng ý áp mức thuế này là 2.100 đồng/lít cho đến hết 31/12/2021, song theo các DN hàng không, chi phí tiết giảm so với tổng chi phí nhiên liệu đầu vào năm 2020 là không đáng kể (chỉ tương ứng khoảng 2,5%).
Hiệp hội cũng kiến nghị từ 10/2020 đến hết tháng 12/2021 giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận