menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lâm An

USD tăng giá làm trầm trọng thêm tình trạng vốn "tháo chạy" khỏi Trung Quốc

Theo hãng tin Reuters (Anh), dòng tiền đang rời khỏi thị trường tài chính Trung Quốc với tốc độ nhanh nhất trong nhiều năm trong bối cảnh đồng nhân dân tệ (NDT) giảm giá và nền kinh tế có nguy cơ suy thoái. Các nhà phân tích chỉ ra rằng dòng tiền đang rút ra thông qua nhiều kênh không chính thức - một dấu hiệu cho thấy lòng tin của nhà đầu tư trong nước đang suy yếu.

Phiên ngày 25/10, đồng NDT tại thị trường Trung Quốc Đại lục giảm xuống mức kỷ lục trong gần 15 năm, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cùng ngày công bố tỷ giá tham chiếu xuống thấp nhất kể từ năm 2008, sau khi các nhà đầu tư toàn cầu bán tháo các tài sản của nước này vào ngày 24/10.

Mở cửa phiên, đồng NDT giảm 0,5% xuống 7,3076 NDT đổi 1 USD trong phiên sáng, sau khi PBoC công bố tỷ giá tham chiếu ở mức 7,1668 NDT đổi 1 USD, mức thấp nhất từ ngày 15/2/2008. Bên ngoài thị trường Trung Quốc Đại lục, đồng NDT giảm xuống mức thấp kỷ lục mới là 7,365 NDT đổi 1 USD. Đồng NDT đã giảm giá hơn 11% so với đồng USD trong năm nay.

Dòng vốn, chủ yếu rút ra từ thị trường trái phiếu Trung Quốc, phản ánh sức hút của lãi suất cao hơn ở những nền kinh tế khác. Nhưng sự thất thoát vốn, cả về quy mô và dấu hiệu, đang cho thấy xu hướng này không chỉ xuất hiện ở nhà đầu tư nước ngoài.

Niềm tin của nhà đầu tư trong nước cũng chịu áp lực trước việc đồng NDT giảm giá sâu hơn trong tương lai - và tác động chung của đồng USD mạnh đối với dòng vốn toàn cầu. Nhà quản lý tài sản Liu Yuan nhận định: "Mọi người đang phải hứng chịu cơn bão lãi suất Mỹ tăng còn đồng USD đang ở trong mắt bão".

Theo số liệu chính thức, cán cân tài chính quốc gia của Trung Quốc, bao gồm thị trường cổ phiếu và trái phiếu cũng như dòng vốn đầu tư trực tiếp, cho thấy 101 tỷ USD đã bị rút ra trong 6 tháng đầu năm nay, và 2022 dự kiến ghi nhận dòng tiền rút ra theo năm lớn nhất kể từ năm 2016.

Dữ liệu thị trường trái phiếu chính phiếu hàng tháng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trong 7 tháng liên tiếp tính đến tháng 8/2022 khi mức lợi suất trái phiếu cao ngất ngưởng ở Trung Quốc không còn hấp dẫn sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất.

Không giống hầu hết các nước khác trên toàn cầu đang nhanh chóng thắt chặt chính sách để kiềm chế lạm phát tăng vọt, Trung Quốc lại lựa chọn giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Thị trường bất động sản, nơi hầu hết người Trung Quốc cất giữ tài sản của họ, đang trong thời kỳ suy thoái mạnh và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên đã đạt mức cao kỷ lục.

Với xuất khẩu duy trì ổn định, cán cân tài khoản vãng lai của Trung Quốc vẫn dương và không phải mọi loại tài sản đều chứng kiến dòng tiền bị rút ra, đáng chú ý một số cổ phiếu đã hút vốn đầu tư khiêm tốn. Dù vậy, dòng vốn rút ra lên tới 45,2 tỷ USD trong cán cân thanh toán, được mô tả là lỗi thiếu sót trong thống kê dữ liệu (E&O) khiến một số nhà kinh tế đặt câu hỏi: Liệu dòng tiền có đang được chuyển ra khỏi đất nước thông qua các kênh bất hợp pháp hoặc bán hợp pháp?

Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại ngân hàng Pháp Natixis, cho rằng mục E&O về cơ bản phản ánh xu hướng rút tiền (khỏi nền kinh tế) của người dân một cách không chính thức. Bà Alicia lưu ý, không chỉ các nhà quản lý tài sản nước ngoài "tháo chạy" khỏi thị trường Trung Quốc, mà cả các dòng tiền không được thống kê đầy đủ cũng cho thấy xu hướng xấu hơn.

Đầu tư ra nước ngoài theo cơ chế kết nối trái phiếu giữa Trung Quốc Đại lục với thị trường Hong Kong (Trung Quốc) và thị trường toàn cầu, đạt tổng cộng 301,5 tỷ NDT (42 tỷ USD) vào cuối tháng Tám, tăng 34% so với một tháng trước đó và tăng 19 lần kể từ tháng Ba.

Liu Yaolong, Giám đốc tiếp thị tại công ty quản lý tài sản GaoTeng Global Asset Management, cho biết: "Tất cả các loại tài sản đều giảm trong năm nay, trừ một số danh mục đầu tư gắn với đồng USD".

Các cơ chế có hạn ngạch cho phép các nhà đầu tư trong nước tiếp cận thị trường và các sản phẩm nước ngoài cũng ngày càng phổ biến. Một cuộc khảo sát do ngân hàng HSBC công bố gần đây cho thấy 85% nhà đầu tư có danh mục đầu tư nước ngoài thông qua Chương trình kết nối quản lý tài sản xuyên biên giới cũng có kế hoạch đầu tư nhiều hơn trong 12 tháng tới.

Mặt khác, rất khó để phát hiện dòng vốn thất thoát ngoài sổ sách, thường được coi là các dữ liệu E&O trong cán cân quốc gia. Mặc dù dòng tiền chảy ra khỏi nền kinh tế bị hạn chế vì các biện pháp kiểm soát đi lại do dịch COVID-19, song di cư có thể là lý do để người dân chuyển tiền ra nước ngoài. Các công ty tư vấn du học ghi nhận một lượng lớn các câu hỏi về nhu cầu học tập ở nước ngoài. Dữ liệu từ công ty tư vấn Hợp tác giáo dục quốc tế cho thấy lượt truy vấn về học tập ở Hong Kong (Trung Quốc) trong khoảng thời gian từ tháng 1-7/2022 tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước.

Mô hình "văn phòng gia đình" (home office) – chỉ những công ty tập trung vào việc quản lý tài sản cá nhân, đang ngày càng "ăn nên làm ra" và là cách thức giới nhà giàu chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư. Theo Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương), khoảng 300 văn phòng gia đình mới đã được mở tại Singapore vào năm ngoái. Các nhà đầu tư từ Hong Kong, Macau (Trung Quốc) và tỉnh Quảng Đông chiếm 44% trong số văn phòng gia đình mới thành lập ở Singapore trong 4 tháng đầu năm nay, tăng từ mức 39% của cả năm 2021, theo tờ báo tiếng Trung Lianhe Zaobao tại Singapore.

Các sản phẩm bảo hiểm ở Ma Cau cũng là một phương thức chuyển tiền từ NDT sang USD không chính thức. Các sản phẩm mà khách hàng Trung Quốc Đại lục mua thường được tính bằng USD, giúp cung cấp hàng rào bảo vệ nhà đầu tư chống lại đồng NDT yếu và mang lại lợi nhuận hấp dẫn trong dài hạn. Các đại lý bảo hiểm cho biết tình trạng phong tỏa để chống dịch COVID-19 dai dẳng, sự không chắc chắn trên thị trường bất động sản của Trung Quốc và sự suy yếu của đồng NDT là lý do khiến các sản phẩm bảo hiểm bằng đồng USD trở nên hấp dẫn hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại