24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trương Thanh Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

USD tăng dấy lên lo ngại về “núi nợ” đang phình to của châu Á

Đà sụt giảm mạnh của các đồng tiền châu Á khiến các thị trường tài chính toàn cầu rất lo ngại về gánh nặng nợ ngày càng gia tăng giữa các chính phủ trong khu vực và doanh nghiệp đi vay.

Các đồng tiền châu Á đua nhau mất giá

Các quốc gia châu Á đang tăng lãi suất với tốc độ chậm hơn Mỹ. Cùng với tình trạng cán cân thương mại xấu đi, điều này khiến một số đồng tiền châu Á giảm ít nhất 10% so với USD kể từ cuối tháng 03/2022.

Cụ thể, đồng won của Hàn Quốc giảm 17% so với USD trong 7 tháng qua. Peso của Philippines giảm 12%, rupee của Ấn Độ giảm 10% và xuống dưới mức giá từng được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997. Ở Việt Nam, khi tiền đồng xuống dưới mức giá trong cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 1997, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải mở rộng biên độ giao dịch tỷ giá hàng ngày từ 3% lên 5%.

Các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể sẽ phải đối mặt với ngày càng nhiều khó khăn trong việc bảo vệ đồng tiền của quốc gia.

Các chính phủ và doanh nghiệp ở khối thị trường mới nổi thường nhận các khoản nợ bằng đồng USD hoặc các ngoại tệ khác. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nợ bằng ngoại tệ của Hàn Quốc, Ấn Độ và Thái Lan chiếm 70%, còn của Philippines chiếm 97% tổng nợ.

Nợ bằng ngoại tệ được ưu tiên so với nợ bằng nội tệ vì lãi suất đối với nợ ngoại tệ thường thấp hơn. Ngoài ra, vay nợ bằng ngoại tệ có cơ hội lớn hơn bởi rủi ro ngoại hối ít hơn.

Các khoản vay được huy động bằng cách phát hành trái phiếu thường được chuyển đổi thành nội tệ. Nhưng khi đến thời hạn trả nợ, các khoản nợ bằng đồng nội tệ cần được chuyển sang đồng USD. Nếu nội tệ suy yếu, chính phủ hoặc công ty cần phải trả nhiều tiền hơn để thanh toán nợ.

Trong khi các thị trường lo ngại nghĩa vụ nợ sẽ tăng lên theo tỷ giá của USD, lãi suất đối với hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) cũng tăng lên.

Lãi suất của CDS kỳ hạn 5 năm đối với trái phiếu chính phủ Philippines và Indonesia lần lượt tăng lên 1.3% và 1.4%, gấp hơn hai lần so với hồi cuối tháng 03/2022 và ở mức cao chưa từng thấy trong hai năm rưỡi qua. Ở Hàn Quốc, lãi suất CDS đối với trái phiếu chính phủ chạm 0.7% - mức được thấy lần cuối vào tháng 11/2017.

Giá CDS đối với trái phiếu doanh nghiệp cũng đang trên đà tăng. Khoản phí đối với chỉ số CDS của trái phiếu tại 40 doanh nghiệp lớn ở châu Á trừ Nhật Bản, tăng lên cao nhất 11 năm ở 2.3%.

Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho biết: “Các nhà đầu tư đang đề phòng trường hợp tín dụng xấu đi do nội tệ mất giá”.

Trong khi đó, thị trường cổ phiếu tại châu Á cũng đang hụt hơi. MSCI châu Á trừ Nhật Bản giảm 28% kể từ cuối năm 2021 đến nay, cao hơn mức giảm 18% của MSCI Thế giới.

Khi định giá cổ phiếu đi xuống kết hợp với gánh nặng nợ gia tăng, các doanh nghiệp sẽ có ít khả năng tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư vào tăng trưởng.

Đối với những nhà đầu tư quốc tế giao dịch tài sản được định giá bằng đồng USD, việc đồng tiền của châu Á giảm giá cũng đồng nghĩa rằng lợi nhuận của họ sẽ giảm. “Nếu một đồng tiền được dự đoán giảm giá, các nhà đầu tư quốc tế sẽ không sẵn sàng đầu tư vào cổ phiếu châu Á do lo ngại về khả năng thua lỗ vì tỷ giá”, Kota Hirayama tại SMBC Nikko Securities nói.

Vì châu Á là trung tâm sản xuất toàn cầu, việc đồng tiền suy yếu thường dẫn đến xuất khẩu tăng và thu nhập của doanh nghiệp được cải thiện. Tuy nhiên, lãi suất trên toàn thế giới đang tăng dần, dấy lên lo ngại rằng một cuộc suy thoái kinh tế có thể làm giảm hiệu suất hoạt động của khối doanh nghiệp.

Tại Trung Quốc, đối tác thương mại lớn của một số quốc gia, chính sách Zero COVID đã khiến kinh tế trở nên trì trệ. Trong đó, các công ty công nghệ được cho là bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chỉ số Taiwan Capitalization Weighted Stock Index, vốn tập trung theo dõi các công ty công nghệ lớn, giảm 29% từ cuối năm 2021. Kospi của Hàn Quốc cũng mất 23% trong cùng kỳ.

Dự báo áp lực giảm trên thị trường tiền tệ châu Á sẽ không dịu bớt trong tương lai gần.

Ngoài ra, giới đầu tư cũng lo ngại tình trạng dự trữ ngoại hối đang giảm trên khắp châu Á. Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc giảm 12% so với mức đỉnh hồi tháng 7/2021. Dự trữ của Ấn Độ, Indonesia và Malaysia cũng giảm khoảng 10% so với mức đỉnh.

Tại Thái Lan, dự trữ ngoại hối giảm 30% từ mức đỉnh vào tháng 12/2020, mà nguyên nhân được cho là do nước này can thiệp để bảo vệ đồng baht.

Dự trữ ngoại hối được kỳ vọng sẽ duy trì ở một mức nhất định vì các chính phủ cần khoản tiền này để trả nợ nước ngoài.

Trong khi đó, thị trường tài chính châu Âu cũng đang dần yên ắng sau khi Rishi Sunak nhậm chức thủ tướng Anh. Điều này có thể dẫn đến áp lực bổ sung đối với tiền tệ châu Á. Eiichiro Tani tại Daiwa Securities cho biết: “Các nhà đầu tư có thể đang hướng sự tập trung của việc bán tháo từ châu Âu sang khu vực châu Á”.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả