USD liên tục mất giá, tình huống hiếm có lịch sử
Đồng USD giảm giá đều đặn và sâu so với đồng VND trong nhiều tháng qua và có thể giảm 2% trong năm nay. Đây là điều hiếm có và làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người Việt Nam về một kênh đầu tư, tích trữ.
Diễn biến chưa từng có
Ngày 10/11, lần đầu tiên trong nhiều năm tỷ giá trung tâm giảm xuống ngưỡng 23.100 đồng/USD. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 7/2019. Sau nhiều năm treo cao, tới giữa 2021, tỷ giá USD hội sở mua vào cũng lần đầu tiên xuống dưới ngưỡng 23.000 đồng và tới hôm 8/11 giảm thêm 100 đồng từ mức 22.750 đồng xuống còn 22.650 đồng/USD.
Đây là diễn biến khá bất thường nếu so với các năm trước đây khi mà đồng USD liên tục theo một chiều đi lên.
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong quý III, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại giảm gần 1,1%. Tính trong 9 tháng, tỷ giá USD/VND giảm tổng cộng 1,46%.
Còn tính đến tuần đầu tháng 11, tổng cộng Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 3 lần giảm giá mua vào ngoại tệ, với tổng mức giảm là 475 đồng. So với cuối năm 2020, tỷ giá USD/VND đã giảm 1,73%.
Tỷ giá USD/VND theo xu hướng giảm suốt từ đầu 2021 đến nay. Tuy nhiên, việc tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng giảm sâu hơn hẳn so với giá NHNN niêm yết mua là một điều bất thường.
Đồng VND đã lên cao nhất 4 năm so với USD. Có thời điểm, tỷ giá giao dịch thực tế tại các ngân hàng giảm xuống 22.686 VND/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017 tới nay.
Diễn biến này trái ngược với tình hình chung tại khu vực châu Á khi mà đồng tiền của hầu hết các nước ở châu lục này giảm giá so với đồng USD trong bối cảnh nước Mỹ đang cân nhắc siết chặt chính sách tiền tệ.
Diễn biến tỷ giá USD/VND giảm tại Việt Nam phản ánh nguồn cung ngoại tệ lớn trên thị trường hiện nay. Bên cạnh tỷ giá USD/VND liên tiếp giảm, Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước cũng liên tiếp có hoạt động mua vào đáng chú ý.
Trong khi tỷ giá giảm mạnh trên thị trường liên ngân hàng thì tỷ giá chợ đen vẫn ở mức khá cao, cao hơn ngân hàng gần 4%.
Trên thị trường tự do, giá USD không có nhiều thay đổi. Mức giá mua-bán vẫn ở mức 23.400-23.450 VND/USD. Giá USD chợ đen và ngân hàng hiện tại đang chênh lệch nhau 700-800 đồng USD, tương đương khoảng 4%.
Theo giới phân tích, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao cũng như nhu cầu USD tăng dần về giai đoạn cuối năm khiến tỷ giá trên thị trường tự do có diễn biến ngược lại với thị trường ngân hàng.
USD dồi dào, tỷ giá chính thức có thể tiếp tục giảm nhẹ
Trong năm 2021, số lượng kiều hồi chuyển về vẫn dồi dào, có thể đạt trên chục tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam giải ngân và đón nhiều tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp nước ngoài (FII).
Thời gian gần đây, sự suy giảm của đồng USD trên thị trường thế giới cùng với sự ổn định của đồng VND trong nước khiến đồng bạc xanh không còn là loại tài sản được ưa thích như trong nhiều năm trước đó.
Đồng USD không còn được ưa chuộng tại Việt Nam như nhiều năm trước.
Trong cả thập kỷ qua, VND luôn có xu hướng mất giá so với USD nhưng gần đây đồng nội tệ đã ổn định, lạm phát trong nước cũng thấp. Lạm phát 2020 chỉ hơn 2,3%, trong khi lạm phát trong 2021 được dự báo chỉ khoảng 1,8%.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng đồng USD ở mức 6-7%, trong khi lãi suất USD danh nghĩa ở mức 0%. Đây là yếu tố hỗ trợ mạnh cho đồng nội tệ.
Theo SSI Research, cán cân thanh toán tổng thể nhìn chung duy trì thặng dư nhờ lượng giải ngân FDI và lượng kiều hối tích cực, cũng như cán cân thương mại quay trở lại xuất siêu trong 10 tháng đầu năm.
Cụ thể, cán cân thương mại trong tháng 10 cao hơn tương đối so với ước tính. Nhờ vậy, nguồn cung - cầu ngoại tệ trên thị trường cân bằng trong giai đoạn cuối năm và giúp tỷ giá USD/VND duy trì trạng thái ổn định hoặc có thể tiếp tục giảm nhẹ.
Xu hướng lên giá của VND diễn ra trong nhiều tháng qua và được dự báo có thể lên tiếp trong bối cảnh Mỹ nới lỏng tiền tệ, bơm ra thị trường một lượng lớn tiền trong nhiều năm qua.
Gần đây, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phát tín hiệu thu hẹp gói kích thích kinh tế ngay từ cuối năm nay, trong năm 2022 nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất. Đây là áp lực mới lên đồng VND.
Dù vậy, diễn biến tỷ giá còn phụ thuộc quan hệ Việt - Mỹ. Gần đây, Mỹ xem xét một số nước, trong đó có Việt Nam, có thao túng tiền tệ hay không sau khi các nước vi phạm 3 tiêu chí do Mỹ đề ra. Đó là thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất 20 tỷ USD; thặng dư cán cân vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP; can thiệp một chiều và kéo dài trên thị trường ngoại tệ, thể hiện qua việc mua ròng ngoại tệ trong ít nhất 6 tháng trên giai đoạn 12 tháng, với tổng lượng ngoại tệ mua ròng tương đương ít nhất 2% GDP trong giai đoạn 12 tháng.
Theo thỏa thuận mới đạt được giữa Bộ Tài chính Mỹ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Việt Nam sẽ cho phép tiền đồng dịch chuyển linh hoạt hơn, tạm thời chấm dứt xung đột về tỷ giá giữa Mỹ và Việt Nam.
Theo đó, NHNN “sẽ tiếp tục cải thiện tính linh hoạt của tỷ giá tiền đồng theo thời gian, cho phép tiền đồng dịch chuyển cùng với diễn biến của thị trường tài chính và tỷ giá và với các yếu tố kinh tế cơ bản, đồng thời duy trì sự ổn định về kinh tế vĩ mô và thị trường tài chính”.
(Theo Vietnamnet)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận