USD không dễ bị thay thế
Một số quốc gia, như Nga, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU)… đã và đang tìm cách “tẩy chay” đồng USD.
Mặc dù vây, trao đổi với DĐDN, TS. Bùi Ngọc Sơn, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cho rằng USD không dễ bị thay thế.
Nga và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận sử dụng đồng nội tệ của hai nước trong hoạt động giao thương, thay vì USD.
- Hiện nay một số quốc gia lớn như Trung Quốc, Nga, kể cả EU… đang tìm cách thay thế USD trong thanh toán quốc tế. Theo ông, động thái này có làm “lung lay” vị thế của USD trên thị trường quốc tế?
TS. Bùi Ngọc Sơn
Theo tôi, việc làm suy yếu USD ở thời điểm hiện tại, thậm chí trong dài hạn là điều rất khó. Bởi vì, USD đang được coi là một trong những kênh đầu tư an toàn nhất trên thế giới, và điều này vẫn tăng lên trong bối cảnh biến động về kinh tế, chính trị. Đồng thời, nhu cầu thanh toán bằng USD trong giao dịch quốc tế đã trợ lực cho ngành dịch vụ tài chính toàn cầu.
Cần chú ý rằng, để trở thành một đồng tiền chung toàn cầu, thì quốc gia sở hữu đồng tiền đó phải có nền kinh tế quy mô lớn, ổn định và thể chế minh bạch. Bên cạnh đó, quốc gia đó phải có nền quốc phòng mạnh, mạng lưới toàn cầu vững chắc, thậm chí là yếu tố lịch sử… Ngoài ra, Ngân hàng trung ương phải độc lập hoàn toàn với Chính phủ. Tất cả điều này đều hội tụ ở nước Mỹ, nên USD đang chiếm nhiều ưu thế hơn hẳn so với các đồng tiền khác.
Dù đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc đã được thêm vào rổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF, nhưng chưa được thả nổi, mà vẫn bị kiểm soát bởi chính sách tiền tệ và hệ thống kinh tế - tài chính khép kín của Trung Quốc.
Trong khi đồng Rúp của Nga là một loại tiền tệ dễ biến động hơn, một phần do các lệnh trừng phạt hiện hành của Mỹ và Châu Âu, và một phần do quốc gia này có nguồn thu chính từ xuất khẩu dầu mỏ, nên đồng Rúp dễ bị tổn thương trước những biến động của giá dầu quốc tế.
Còn đồng EUR cũng không thể sánh bằng USD, vì khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) bất ổn nội bộ, kinh tế trì trệ kéo dài, mất cân đối tài khoản vãng lai, lúng túng trong kiểm soát nợ công…
Do đó, dù các quốc gia nói trên nỗ lực “tẩy chay” USD, thì đồng tiền này cũng không dễ bị thay thế trong giao dịch quốc tế.
- Vậy theo ông, tại sao Nga, Trung Quốc... luôn nỗ lực làm suy yếu đồng USD?
Sở dĩ Nga, Trung Quốc đang tìm cách làm suy yếu USD là do các quốc gia này đều đang muốn tránh các sức ép và các lệnh cấm vận từ phía Mỹ. Cụ thể với Trung Quốc, khi Mỹ tuyên bố chiến tranh thương mại, đồng CNY đã bị mất giá mạnh một phần do nhà đầu tư rút vốn, tháo chạy khỏi quốc gia này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Nga cũng muốn bảo vệ các doanh nghiệp của họ khỏi các biện pháp trừng phạt thứ cấp của Mỹ trong việc truy tố các thực thể có hoạt động kinh doanh với các nước đang bị Mỹ áp lệnh cấm vận như Iran hoặc Venezuela...
Ngoài ra, Nga và Trung Quốc đều đang nỗ lực gia tăng tầm ảnh hưởng toàn cầu, trong khi Mỹ đang dần thu hẹp sự hiện diện tại nhiều nơi trên thế giới. Thông qua việc tăng cường tầm ảnh hưởng của đồng nội tệ, các quốc gia này sẽ có cơ hội thay thế Mỹ trong việc nâng cao vai trò và vị thế tại các quốc gia đang phát triển.
- Trước những biến động phức tạp của thị trường tiền tệ quốc tế, ông có những khuyến nghị gì cho cơ quan quản lý Nhà nước, cũng như các doanh nghiệp?
Việc VND đang neo vào USD cũng có một số tác động tiêu cực. Khi xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ- Trung, thì Trung Quốc đã phá giá mạnh CNY so với USD, khiến VND tăng giá so với CNY. Điều này làm cho các doanh nghiệp Việt Nam giảm sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp Trung Quốc; đồng thời hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam, gây sức ép cho hàng hóa nội địa.
Đồng thời, thực tế trên cũng dẫn tới tình trạng hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu sang một số quốc gia khác, đặc biệt sang Mỹ.
Do đó, NHNN cần có chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, vừa nhằm bảo đảm an ninh tiền tệ, vừa hỗ trợ kiểm soát phần nào tình trạng mất cân bằng trong cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Về phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và/hoặc doanh nghiệp có hoạt động phụ thuộc nhiều vào biến động lãi suất - tỷ giá, cần chủ động sử dụng các công cụ phòng vệ rủi ro thông qua các sản phẩm phái sinh trong khuôn khổ NHNN cho phép.
- Xin cảm ơn ông.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận