URC kiếm bộn tiền từ Việt Nam với C2, Rồng Đỏ
Có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2003, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu của URC luôn tăng trưởng mạnh, qua đó đem về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Theo báo cáo tình hình thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) Việt Nam của Kantar – có trụ sở tại Vương Quốc Anh, 6 tháng đầu năm 2020, chi tiêu FMCG cho tiêu dùng tại nhà ghi nhận tăng trưởng đột biến, đặc biệt trong tháng 3 và 4 do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội. Thị trường FMCG được dự đoán sẽ trở lại bình thường với mức “tăng trưởng 1 chữ số” khi tình hình dịch bệnh lắng xuống.
Nhắc đến ngành FMCG, cụ thể với đồ uống đóng chai, có thể kể đến hàng loạt “đại gia” tại thị trường Việt Nam như Cocacola, Pepsi, Red Bull, Masan và Tân Hiệp Phát. Tuy nhiên, một đối thủ cũng được coi là xứng tầm nhưng ít người quan tâm hơn là Universal Robina Corporation (URC) – một trong những công ty thực phẩm lớn nhất tại Philippines.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 2003, hệ thống của URC nằm ở 2 công ty chính là Công ty TNHH URC Việt Nam (URC Việt Nam) và Công ty TNHH URC Hà Nội (URC Hà Nội).
Hiện nay, URC đang sở hữu 5 nhà máy sản xuất trải dài ở các tỉnh Bình Dương, Quảng Ngãi và Hà Nội, với 2 sản phẩm đồ uống đóng chai chủ lực là trà xanh C2 và nước tăng lực Rồng Đỏ.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 4 năm trở lại đây, doanh thu và lợi nhuận của URC Việt Nam và URC Hà Nội cùng tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, so với các doanh nghiệp ngoại cùng ngành như Công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (Suntory PepsiCo) hay Công ty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola) thì doanh thu của URC vẫn chỉ ở mức khiêm tốn.
Cụ thể, đối với URC Việt Nam, năm 2019, doanh thu thuần của công ty này đạt 6.333 tỷ đồng, cao gấp 6 lần so với năm 2016 (1.050 tỷ đồng); lãi thuần cũng tăng hơn 6 lần từ 20,3 tỷ đồng năm 2016 lên mức 659,3 tỷ đồng năm 2019.
Trong khi đó, năm 2019, doanh thu thuần của URC Hà Nội đạt 745 tỷ đồng, cao gấp hơn 8 lần so với năm 2016; lãi thuần ở mức 111,6 tỷ đồng, trong khi năm 2016 lỗ gần 25 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, URC không chỉ đánh riêng vào lĩnh vực nước giải khát hay đồ uống đóng chai. Công ty này còn đang cung cấp một số mặt hàng khác như bánh Cream-O, bánh Magic, kẹo Dynamite, snack Jack & Jill Puff Corn và Chikki.
Trong khi đó, Suntory PepsiCo và Coca-Cola chiếm lĩnh thị phần khi cung cấp hàng chục loại sản phẩm đồ uống từ trà, nước tăng lực, nước khoáng đến cả đồ uống có gas.
Còn Tân Hiệp Phát - đại đối thủ của URC, ngoài kinh doanh nước giải khát, tập đoàn này còn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tuy nhiên doanh thu chủ yếu vẫn đến từ một nhà máy sản xuất đồ uống tại Bình Dương.
Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của URC Việt Nam đạt 4.447 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 3.492 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8,7% và 23% so với thời điểm đầu năm; tổng tài sản của URC Hà Nội đạt 1.105 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 1.028 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 8,2% và 12%.
Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật hiện nay tại URC Việt Nam và URC Hà Nội là ông Laurent Levan (SN 1967, quốc tịch Pháp).
Tháng 5/2016, 2 sản phẩm đồ uống đóng chai của URC là trà xanh C2 và nước tăng lực rồng đỏ từng dính phải “scandal” khi có hàm lượng chì cao vượt ngưỡng cho phép, khiến người tiêu dùng phẫn nộ và lo lắng.
Ngay sau đó, Thanh tra Bộ Y tế đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5,8 tỷ đồng với URC Hà Nội, đồng thời thu hồi và tiêu hủy hơn 10 tấn hàng sản phẩm nước giải khát C2, Rồng Đỏ./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận