24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trương Huy Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

UPCoM sẽ có nhiều điểm mới

Ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong thời gian tới, HNX sẽ tập trung nhiều giải pháp để nâng cao tính minh bạch, thúc đẩy thanh khoản cho thị trường này.

Thời gian vừa qua, thị trường UPCoM đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi có những phiên hàng trăm cổ phiếu tăng giá. Tuy nhiên, quy mô thanh khoản của thị trường vẫn rất nhỏ so với hai sàn niêm yết cũng như tổng khối lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch. Cơ quan quản lý đã và đang có giải pháp gì để cải thiện tính thanh khoản cho thị trường này, thưa ông?

UPCoM ra đời với mục tiêu ban đầu là thu hẹp thị trường tự do, mở rộng thị trường có quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, UPCoM đã phát triển vượt kỳ vọng đặt ra ban đầu với quy mô ngày càng phát triển.

Trong giai đoạn từ 2009 đến 2012, quy mô thị trường UPCoM còn nhỏ, UPCoM chỉ giao dịch theo phương thức thỏa thuận nên thanh khoản còn khiêm tốn, vì vậy, các công ty chứng khoán không mấy mặn mà trong việc tham gia thị trường với tư cách thành viên cam kết hỗ trợ, dẫn tới việc công ty đại chúng gặp khó khăn khi thực hiện đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM.

Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 95/2010/TT-BTC, bãi bỏ quy định doanh nghiệp phải có một thành viên cam kết hỗ trợ khi đăng ký giao dịch trên UPCoM để đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp tham gia thị trường. Nhờ đó, trong các năm sau, quy mô thị trường UPCoM bắt đầu có sự tăng trưởng. Về phía HNX, Sở cũng liên tục đưa ra các giải pháp để tăng tính thanh khoản cho thị trường này.

Năm 2011, được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HNX quy định giá tham chiếu đối với cổ phiếu mới và biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu trên UPCoM là ± 40% nhằm hạn chế tình trạng nhà đầu tư đặt những mức giá bất hợp lý, làm ảnh hưởng đến việc xác định giá tham chiếu của cổ phiếu trong những ngày giao dịch tiếp theo.

Năm 2014, HNX cũng bắt đầu áp dụng hệ thống CIMS đối với các doanh nghiệp UPCoM, giúp các doanh nghiệp chủ động công bố thông tin, rút ngắn thời gian và giảm thiếu sai sót.

Để tăng tính hấp dẫn cho cổ phiếu UPCoM, thu hút thêm nhà đầu tư tham gia thị trường, năm 2015, được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HNX đã nới biên độ dao động giá cổ phiếu trên UPCoM từ ±10% lên ±15%. Việc mở rộng biên độ trên UPCoM lên ±15% nhận được nhiều sự đồng thuận từ các thành viên và nhà đầu tư trên thị trường.

Tuy nhiên, khi quy mô thị trường tăng trưởng mạnh, chất lượng các doanh nghiệp đăng ký giao dịch cũng bị phân hoá, không đồng đều. Do vậy, HNX đã tiến hành phân bảng UPCoM theo quy mô vốn và bảng cảnh báo nhà đầu tư.

Phân bảng UPCoM theo quy mô vốn giúp HNX phân loại lượng hàng hóa lớn trên sàn UPCoM và nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc theo dõi các nhóm doanh nghiệp theo vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, bảng cảnh báo nhà đầu tư bao gồm các mã chứng khoán bị hạn chế đăng ký giao dịch và tạm ngừng giao dịch nhằm lưu ý nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư.

Thực tế, một trong những lý do khiến UPCoM chưa hấp dẫn đông đảo nhà đầu tư là các mã cổ phiếu chưa được phép margin. Một số ý kiến đề xuất cho các công ty chứng khoán chọn cổ phiếu có đủ điều kiện về thanh khoản, vốn hóa, chất lượng doanh nghiệp và tuân thủ “trên chuẩn” về việc công bố thông tin sẽ được cấp margin. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

UPCoM đã có tính quản lý nhưng còn thiếu tính thị trường. Do vậy, nhiệm vụ trong thời gian tới là phải củng cố và bổ sung tính thị trường cho UPCoM, hoàn thiện và đưa mảng thị trường này thành mảnh ghép của thị trường cổ phiếu.

Thời gian qua, công tác giám sát trên thị trường này được đẩy mạnh và đạt tới mức giám sát cao như đối với thị trường niêm yết.

Thông tư 120/2020/TT-BTC ngày 31/12/2020 đã mở đường cho hoạt động giao dịch ký quỹ trên UPCoM khi quy định chứng khoán được giao dịch ký quỹ bao gồm cả cổ phiếu đăng ký giao dịch đáp ứng các tiêu chí theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về thời gian đăng ký giao dịch, quy mô vốn và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như tính thanh khoản, biến động giá của cổ phiếu...

Thực chất, các doanh nghiệp UPCoM quy mô lớn (vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên) đã phải thực hiện công bố thông tin giống như doanh nghiệp niêm yết.

Do đó, việc cho phép các doanh nghiệp UPCoM có đủ điều kiện về thanh khoản, vốn hóa, chất lượng doanh nghiệp được giao dịch ký quỹ cũng sẽ được quản lý giống như đối với các doanh nghiệp niêm yết. Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nghiên cứu và sẽ có hướng dẫn để có thể triển khai giao dịch ký quỹ đối với cổ phiếu UPCoM.

Ông có thể chia sẻ thêm những giải pháp HNX sắp triển khai để phát triển, cũng như để tăng cường tính công khai minh bạch cho UPCoM?

Hiện tại, Sở đang tập trung nhiều giải pháp để nâng cao tính minh bạch, thúc đẩy thanh khoản cho thị trường UPCoM.

Một là, từ thành công của Chương trình Chấm điểm công bố thông tin và minh bạch đã áp dụng đối với công ty niêm yết, năm 2018, lần đầu tiên, HNX đã triển khai chương trình này cho các công ty đại chúng quy mô lớn trên UPCoM.

Từ kết quả chương trình, HNX đã tổ chức vinh danh các doanh nghiệp thực hiện tốt công bố thông tin minh bạch nhằm tạo hiệu ứng lan toả cho các doanh nghiệp trên thị trường, thúc đẩy các hoạt động quản trị công ty của các doanh nghiệp UPCoM.

Hai là, bộ tiêu chí đánh giá liên tục được hoàn thiện, nâng cấp theo hướng đưa thêm các tiêu chí thông lệ, nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận với các thông lệ mới để áp dụng vào hoạt động của doanh nghiệp.

Quá trình đánh giá và công khai kết quả đánh giá sẽ chỉ cho doanh nghiệp biết những điểm yếu, những khoảng hở trong quản trị của doanh nghiệp, để giúp doanh nghiệp hoàn thiện chính mình.

Sau 3 năm đánh giá đối với doanh nghiệp UPCoM, kết quả cho thấy, chất lượng quản trị công ty, công bố thông tin của doanh nghiệp có sự cải thiện qua từng năm.

HNX cũng chú trọng nâng cao chất lượng thị trường bằng việc sàng lọc thường xuyên và cho phép hủy đăng ký giao dịch bắt buộc đối với các doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục giải thể, không xác định được địa chỉ trụ sở chính, không công bố thông tin, không tiến hành họp đại hội đồng cổ đông trong nhiều năm liên tục (từ 3 năm trở lên)...

Ba là, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về thị trường UPCOM hướng đến nhà đầu tư và doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh các hoạt động giám sát chủ động từ cả hai phía doanh nghiệp và nhà đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa và tính minh bạch, tăng tính hấp dẫn của thị trường.

Bốn là, tăng cường công tác giám sát cả định kỳ và bất thường, cả trên phương diện đầu tư nâng cấp hệ thống công bố thông tin doanh nghiệp (CIMS), hệ thống giám sát giao dịch để tăng năng lực xử lý cũng như khả năng xử lý tự động.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
92,537.40 -5,678 (-5.78%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả