Ứng xử với chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương
Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ sẽ đem lại nhiều cơ hội cho khu vực.
Tuy nhiên, chiến lược này đối trọng với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc, nên các quốc gia trong khu vực phải ứng xử linh hoạt phù hợp với từng hoàn cảnh.
Ông Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, mới đây cho biết Mỹ sẽ công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới tại diễn đàn Shangri-la vào cuối tháng 5 này ở Singapore.
Mỹ sẽ ưu tiên gì?
Trong thập niên qua, Mỹ ngày càng tập trung vào khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. Tháng 3 vừa qua, khi ra điều trần trước Quốc Hội Mỹ, tân Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Shanahan đã tuyên bố rằng dự toán ngân sách quốc phòng cho năm 2020 nhằm đáp lại những thách thức từ Trung Quốc đối với an ninh quốc gia của Mỹ. Bởi vậy, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng được Mỹ coi trọng, đặc biệt sau khi chính quyền Trump lựa chọn chiến lược này làm chính sách chủ chốt của mình ở châu Á.
Không khó để nhận ra rằng, Washington và các đồng minh ở châu Á đang ra sức “quảng bá” chương trình này để không tụt hậu so với sáng kiến BRI của Bắc Kinh. Đó cũng là lý do Mỹ rốt ráo vấn đề này ngay sau khi Hội nghị Thượng đỉnh BRI vừa kết thúc cách đây không lâu.
Như vậy, về không gian địa lý, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương là một khu vực rộng lớn, trên 80 triệu km vuông bao trùm hết biển Ấn Độ Dương và các quốc gia xung quanh.
Với chủ trương cơ bản “Tự do” và “Mở”, Mỹ kêu gọi đầu tư mở và tự do hàng hải, thương mại, cho thấy dấu hiệu ám chỉ hành vi phi pháp của các cường quốc khác trên Biển Đông càng rõ nét hơn.
Xét về vai trò, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tiếp nối chiến lược “xoay trục châu Á” dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng lần này cho thấy quyết tâm mạnh mẽ hơn từ chính quyền Trump.
Mặc dù nội dung chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương chưa được công bố nhưng khả năng cao không nằm ngoài hai nội dung tự do hàng hải, thương mại và đầu tư hạ tầng, lĩnh vực an ninh liên quan đến “địa chính trị”.
Đối sách của các nước nhỏ
Nếu Trung Quốc mang đến sáng kiến BRI giá trị hàng trăm tỷ USD cho hạ tầng giao thông mà không nhắc nhiều đến vấn đề “an ninh khu vực”, thì Hoa Kỳ cung cấp chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương hứa hẹn nhiều hấp dẫn.
Ngoài toan tính và cạnh tranh tầm chiến lược giữa các nước lớn, mọi kế hoạch mang lại hòa bình, ổn định cho khu vực chắc chắn nhận được sự đồng tình của phần lớn các nước trong khu vực.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas ngày 3/4 vừa qua đã có cuộc thuyết trình về Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ. Đây có thể được xem khâu “tiếp thị” mào đầu.
Về kinh tế, ông Douglas đã chỉ ra 3 lĩnh vực mà Mỹ sẽ tập trung vốn đầu tư vào khu vực này trong tương lai là: hạ tầng, kinh tế số và năng lượng. Đây là 3 lĩnh vực mà Việt Nam đang tìm kiếm nguồn lực đầu tư, trong đó nổi lên vài mục tiêu quan trọng như tuyến đường cao tốc Bắc - Nam; giải quyết tình trạng thiếu năng lượng trong vài năm tới và làm thế nào để tiệm cận với cuộc cách mạng 4.0.
Đó là những mục tiêu rất lớn, nguồn lực tư nhân trong nước không thể đảm trách, vì vậy đầu tư FDI từ chiến lược của Mỹ là giải pháp nhất cữ lưỡng tiện, nhất là khi FDI từ Mỹ vào Việt Nam hiện mới chỉ khoảng 1,5 tỷ USD, so với Phillippines là 6 tỷ USD, Thái Lan là 15 tỷ USD, Singapore hơn 260 tỷ USD…
Khía cạnh kinh tế hạ tầng của chiến lược này có thể định hình lại thị trường vốn cho khu vực, giúp các nước nhỏ có nhiều chọn lựa hơn, đồng thời đủ “công cụ đàm phán” để đảm bảo lợi ích giữa các bên.
Mỹ hứa hẹn mang đến phương thức “quản trị” minh bạch hơn. Chẳng hạn nếu muốn chất lượng cơ sở hạ tầng chất lượng cao thì việc mời thầu phải công khai, minh bạch. Hẳn nhiên, đây là một nội dung mà Việt Nam đang rất cần thay đổi.
Tuy nhiên, mặt trái của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương rất cần dự lường trước, về bản chất nó gây mâu thuẫn ích lợi giữa các cường quốc, có thể gây xung đột mạnh ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, an ninh tại khu vực.
Trong bối cảnh đó, các nước nhỏ phải chọn lựa cho mình phương án ứng phó linh hoạt phù hợp với từng hoàn cảnh, từng thời kỳ; đồng thời cũng không nên chờ đợi thái quá vào ngoại lực, tức là phải có nguồn lực đối ứng tương xứng mới hy vọng tận dụng cơ hội có hiệu quả.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận