Ứng xử ra sao trước áp lực lãi suất – tỷ giá năm 2023?
Việt Nam nên lựa chọn khung chính sách tiền tệ, lạm phát mục tiêu để ứng phó hiệu quả với những cú sốc, đồng thời tạo tiền đề cho các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác phát triển ổn định trong dài hạn như tăng trưởng, việc làm.
Nhân dịp Tết Quý Mão, PV đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, xung quanh áp lực lãi suất – tỷ giá với kinh tế Việt Nam năm 2023 và giải pháp hoá giải.GS. TS Tô Trung Thành. Ảnh: NVCC.
Không những thế, tỷ lệ cung tiền M2/GDP và tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cảnh báo cao so với các nước trong khu vực và trong nhóm các nước có mức thu nhập trung bình thấp. Ngoài ra, hệ thống tài chính – ngân hàng còn chưa lành mạnh một cách bền vững khi hệ số an toàn vốn (CAR) còn mỏng, chất lượng tài sản và nợ xấu có nguy cơ gia tăng, thanh khoản hệ thống khó khăn hơn…
Như vậy, dư địa chính sách tiền tệ sẽ bị thu hẹp đáng kể, khả năng tăng nhanh tín dụng và giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng là rất khó khăn.
FED đã và sẽ tăng lãi suất đồng đô la Mỹ để hút tiền từ khắp nơi về Mỹ, động thái này cũng khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất, điều chỉnh tỷ giá. Việt Nam nên ứng xử ra sao trong bối cảnh này?
Vấn đề này liên quan đến lý thuyết bộ ba bất khả thi. Cụ thể một quốc gia không thể thực hiện đồng thời việc giữ tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tiền tệ độc lập và tự do lưu chuyển vốn (mở cửa tài khoản vốn – PV).
Với độ mở lớn như hiện nay (cả về độ mở thương mại và tài chính – PV), trong điều kiện cơ chế điều hành tỷ giá còn neo theo đô la Mỹ thì Việt Nam phải chấp nhận tính độc lập của chính sách tiền tệ suy giảm. Theo đó, chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng bị ảnh hưởng lớn từ bên ngoài, khó đạt được mục tiêu mong muốn.
Trong ràng buộc bộ ba bất khả thi tại Việt Nam, chúng ta cần lựa chọn ưu tiên chính sách tiền tệ độc lập là mục tiêu quan trọng nhất. Hiện Việt Nam đang thực hiện chính sách tiền tệ đa mục tiêu, gồm: kiểm soát giá cả và lạm phát; ổn định đồng tiền; thúc đẩy tăng trưởng; xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh quốc gia.
Mục tiêu này vừa quá rộng, vừa không cụ thể, lại hướng vào đánh đổi chính sách (tăng trưởng và lạm phát), khiến cho thời gian gần đây điều hành chính sách tiền tệ có tính “giật cục” và khó dự đoán, ảnh hưởng đến tổng thể nền kinh tế.
Tôi cho rằng Việt Nam nên theo khung khổ chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu vì một lý do. Thứ nhất, chính sách tiền tệ lạm phát mục tiêu cho phép xác lập khuôn khổ chính sách minh bạch và tạo được lòng tin của công chúng.
Thứ hai, cho phép NHNN tự do, linh hoạt và tự quyết trong điều hành chính sách tiền tệ. Thứ ba, NHNN có thể đối phó hiệu quả với những cú sốc do có sự độc lập tương đối. Thứ tư, do hướng vào một mục tiêu duy nhất là lạm phát nên tạo tiền đề cho các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác phát triển ổn định trong dài hạn như tăng trưởng, việc làm.
Về dài hạn, khi thị trường tài chính đã lành mạnh, có cơ chế giám sát rủi ro hữu hiệu và thực hiện lộ trình tự do hóa tài khoản vốn thì đồng nghĩa với việc NHNN cần chuyển sang cơ chế quản lý tỷ giá linh hoạt hơn. Theo đó, những can thiệp hành chính của NHNN cần được dần gỡ bỏ, biên độ cho phép biến động tỷ giá cần được nới lỏng ở mức độ cao hơn, tiến tới thả nổi tỷ giá có quản lý khi các điều kiện vĩ mô đã chín mùi.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, khó có thể thả nổi tỷ giá. Việc điều hành tỷ giá cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bám sát diễn biến quan hệ cung – cầu ngoại tệ trên thị trường, tránh những cú sốc trong bối cảnh các nền tảng vĩ mô chưa thực sự ổn định. Vậy nên cần lựa chọn một mô hình “trung dung”, chấp nhận ổn định tỷ giá ở một mức độ nhất định, gia tăng mạnh dự trữ ngoại hối đi kèm với các biện pháp trung hòa có hiệu lực mạnh và chấp nhận được các chi phí phát sinh, và mấu chốt là phải lựa chọn cách thức kiểm soát vốn hiệu quả. Trong bối cảnh các giao dịch về vốn đang được tự do hóa theo thông lệ và cam kết hội thập, thì có những khu vực có thể kiểm soát chặt chẽ hơn, ví dụ kiểm soát nợ nước ngoài.
Vậy cần làm gì để giải quyết khó khăn về dòng vốn, thanh khoản cho thị trường tài chính trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế, hệ thống ngân hàng đang chịu áp lực lớn từ nợ xấu và tỷ giá, lãi suất?
Hiện vốn cho thị trường tài chính chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng, trong khi hệ thống ngân hàng đang chịu sức ép lớn về tín dụng, lãi suất, nợ xấu… Để giải quyết vấn đề này, một mặt cần đảm bảo sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng, mặt khác cần có giải pháp để phát triển các thị trường vốn, gồm thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu một cách an toàn và bền vững.
Với hệ thống ngân hàng, cần phát triển thị trường ngân hàng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD) như Basel III, IFRS 9.
NHNN cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại, tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng công nghệ.
Ngoài ra, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, tăng cường xử lý nợ xấu, tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống. Đồng thời, luật hóa Nghị quyết 42, rà soát toàn diện các luật khác có liên quan tới xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Với thị trường chứng khoán, cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán ổn định, vững chắc, đảm bảo là kênh cung ứng vốn trung – dài hạn quan trọng của nền kinh tế, qua đó giảm gánh nặng cho khu vực ngân hàng.
Tiếp tục đẩy mạnh việc tái cấu trúc TTCK theo 4 trụ cột lớn, gồm: Cơ cấu lại tổ chức thị trường; Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư; Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Tăng quy mô thị trường cổ phiếu và đa dạng hoá sản phẩm chứng khoán thông qua các giải pháp tăng số lượng, chất lượng hàng hoá, thúc đẩy cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch gắn với xếp hạng tín nhiệm. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giám sát thị trường tài chính để kịp thời phát hiện các rủi ro phát sinh trên thị trường này.
Tập trung chiến lược cho phát triển các nhà đầu tư có tổ chức thông qua việc mở rộng quy mô và phát triển đa dạng các loại hình quỹ đầu tư. Chú trọng đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chứng khoán; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý tội phạm trên thị trường chứng khoán. Tăng cường các hoạt động phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trường chứng khoán theo thông lệ quốc tế, phấn đấu được nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi theo cả MSCI và FTSE Rusell trước năm 2025.
Xây dựng và hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro hệ thống (systemic risk) nhằm đảm bảo tính ổn định cho toàn thị trường.
Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường năng lực giám sát, quản lý, cưỡng chế và thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế
Giải pháp của ông để hướng dòng vốn đi vào khu vực sản xuất, kinh doanh?
Trong bối cảnh hiện nay, chính sách hỗ trợ tín dụng bên cạnh tập trung vào các ngành sản xuất ưu tiên của nền kinh tế; nên hướng đến cả các doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng do đại dịch nhưng có độ lan tỏa lớn, có tác động tích cực đến các ngành, các lĩnh vực khác để thúc đẩy sản xuất của cả thị trường.
Để chuyển hướng các dòng vốn tín dụng vào các khu vực sản xuất và nền kinh tế thực, cần kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng “nóng” ở các thị trường tài sản. Cụ thể, giảm bớt dòng vốn vào các thị trường tài sản, bên cạnh chính sách tài khoá như thuế tài sản để hạn chế dòng tiền đầu cơ vào thị trường bất động sản, vàng; chính sách lãi suất, tỷ lệ tài trợ cho khoản vay mua nhà đất cần có khác biệt giữa BĐS đầu tiên mà cá nhân, hộ gia đình sở hữu với BĐS thứ hai và thứ ba.
Ngoài ra, kiểm soát cung tiền vào thị trường BĐS và nắn dòng tiền của khu vực ngân hàng vào khu vực nền kinh tế thực, lĩnh vực lan tỏa như sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm bằng các biện pháp kiểm soát tín dụng vào BĐS có chọn lọc như giám sát việc tài trợ các dự án BĐS thuộc cổ đông lớn và người có liên quan đến cổ đông lớn của ngân hàng, giám sát các hình thức ủy thác, repo BĐS, tăng cường giám sát rủi ro tại các tổ chức tín dụng có dấu hiệu bất ổn liên quan đến đầu tư/kinh doanh BĐS.
Cần kiểm soát chặt chẽ cung tiền nhưng cần cho phép nới lỏng chỉ tiêu tín dụng ở các ngân hàng có chỉ tiêu an toàn cao. Chẳng hạn, đáp ứng được được các tiêu chí của Basel II và có tỷ lệ nợ xấu thấp để gia tăng các dòng vốn tín dụng có chất lượng đến nền kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận