Ứng xử của ngân hàng trong bối cảnh nợ xấu tăng
Nợ xấu có nguy cơ tăng vọt trong khi quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 không còn được duy trì, thì phía ngân hàng cần đảm bảo chặt chẽ các quy trình, thủ tục cho vay.
Xu hướng nợ xấu tăng vọt
Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) năm 2024 đã luật hóa những quy định về xử lý nợ xấu từ Nghị quyết 42/2017/QH14, giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể thúc đẩy quá trình xử lý và thu hồi nợ xấu một cách chủ động và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, có sự thay đổi lớn trong quyền hạn của các TCTD khi thu hồi nợ, đó là quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 42 không còn được duy trì.
Trong khi đó, tình trạng nợ xấu hiện đang ở mức cao và có nguy cơ gia tăng. Các biện pháp như giãn, hoãn nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước chỉ là giải pháp tạm thời, không xử lý triệt để vấn đề nợ xấu mà chỉ lùi thời gian xử lý.
Đặc biệt tới đây, Thông tư 02 tiếp tục được gia hạn, nợ xấu sẽ chỉ được đẩy về tương lai chứ không thực sự được giải quyết, khiến triển vọng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng càng gặp nhiều khó khăn.
Cuối quý IV/2023, ngành ngân hàng đã chứng kiến sự bùng nổ trong tăng trưởng tín dụng, góp phần đẩy tỷ lệ nợ xấu giảm đáng kể từ 2,24% ở cuối quý 3 xuống còn 1,93%. Tính đến ngày 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế mới chỉ ở mức 0,26% và nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng lại có xu hướng tăng vọt, cho thấy thách thức về nợ xấu là một vấn đề thực tế.
Theo dữ liệu mới nhất từ WiGroup, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng của Việt Nam đã tăng vượt qua ngưỡng 3%, một mức đáng báo động so với các năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giờ đây cũng giảm xuống dưới mốc 100%, là một dấu hiệu cho thấy các ngân hàng đang gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ dự phòng rủi ro cho các khoản nợ không thu hồi được.
Sự gia tăng nợ xấu không chỉ được ghi nhận ở các ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ, mà còn ở cả những ngân hàng lớn. Điều này cho thấy một vấn đề rộng hơn trong quản lý rủi ro và chất lượng tài sản của ngành ngân hàng, đòi hỏi sự chú ý và can thiệp kịp thời từ các cơ quan quản lý.
Ngân hàng ứng xử ra sao?
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) chia sẻ, trong bối cảnh nợ quá hạn tăng cao, nhiều khách hàng của các ngân hàng thương mại lại thể hiện thái độ bất hợp tác, gây khó khăn trong việc thương lượng và giải quyết nợ. Điều này buộc các ngân hàng phải chuyển hướng sang giải pháp tố tụng để thu hồi nợ, thường mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí.
Mặt khác, không ít đương sự cố tình gây ra các tranh chấp bên thứ ba, thậm chí khởi kiện ra tòa án nhằm kéo dài thời gian xử lý các tài sản bảo đảm. Điều này không chỉ làm phức tạp thêm quá trình thu hồi nợ, mà còn gây thiệt hại không nhỏ cho các ngân hàng trong việc bán đấu giá tài sản.
Nhìn ở một góc độ khác, chúng ta cần đặt ra câu hỏi: Tại sao phải có Nghị quyết 42 mới xử lý được nợ xấu và vấn đề cốt lõi của việc xử lý nợ xấu là phải có quyền thu giữ tài sản đảm bảo? Thời điểm khách hàng sẵn sàng thế chấp tài sản để vay vốn, thì đến khi không trả được nợ sẽ phải bàn giao tài sản đó, nhưng lại buộc phía ngân hàng phải cưỡng chế thu hồi, như vậy là không văn minh.
“Tôi cho rằng khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 42 đã là một vấn đề rồi, không ai mong muốn có luật riêng dành cho xử lý nợ xấu mà vì “cực chẳng đã”. Do đó trong quan hệ dân sự cần có sự bình đẳng, minh bạch, rõ ràng giữa chủ nợ và người vay, bao gồm cả bình đẳng khi bàn giao tài sản.
Về phía các ngân hàng cũng cần có cách ứng xử phù hợp. Trước đây, ngân hàng có thể đơn giản về thủ tục, nhưng hiện tại bên vay phải tuân thủ đúng quy trình thẩm định, đầy đủ thủ tục, đáp ứng các điều kiện mới được giải ngân vốn. Tránh tình trạng đến khi không trả được nợ, cũng không bàn giao tài sản, gây thiệt hại cho phía ngân hàng. Thực tế điều này vô tình dẫn tới thủ tục, quy định chặt chẽ hơn trong thời gian tới”, TS. Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ.
Theo vị đại diện Hiệp hội ngân hàng, đối với câu chuyện xử lý nợ xấu, trước hết cần đặt ra vấn đề đó là ý thức của người đi vay. Thứ hai là trong luật dân sự không có quy định về thu giữ tài sản thì cũng không thể đưa vào Luật Các tổ chức tín dụng. Vậy tới đây, nếu người vay có tài sản đảm bảo, nhưng cố tình không trả nợ thì cần phải đưa vào luật hình sự về chiếm đoạt tài sản mới là đúng, từ đó ý thức trách nhiệm của người vay mới tăng lên.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận