Ứng phó đại dịch COVID-19: Một số 'tư lệnh ngành' đã làm gì?
Dịch diễn biến phức tạp, một số “tư lệnh ngành” liên quan trực tiếp vào việc khơi thông nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu kép, họ đã làm những gì? Có một thực tế mật độ ra văn bản từ các bộ ngành rất nhiều, nhưng hiệu quả xử lý vấn đề liên quan (như ùn tắc, đứt gãy cung ứng, hỗ trợ doanh nghiệp) chưa như mong đợi…
Tháo gỡ điểm nghẽn lưu thông: Rất nỗ lực, nhưng….
Có thể nói lần đầu tiên, ở cương vị Bộ trưởng GTVT, nhiều người bất ngờ khi ông Nguyễn Văn Thể cứng rắn với ùn tắc vận tải ở Cần Thơ. “Đề nghị tất cả đơn vị, nhất là địa phương đặt ra quy định phải tự hỏi xem cái đó có khó khăn gì cho vận tải không, có phát sinh thêm thủ tục, chi phí không? Các địa phương cần rà soát lại toàn bộ quy định liên quan, cái gì trái chỉ đạo của Thủ tướng, hướng dẫn của Bộ GTVT phải bỏ. Quy định làm phát sinh thêm thủ tục, tăng chi phí cho doanh nghiệp và khó cho lưu thông hàng hóa là không được. Tất cả thông tin này bộ sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng. Địa phương nào còn thêm quy định phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”, ông Thể nói tại cuộc họp giữa Bộ GTVT, Công Thương, NN&PTNN cùng đại diện 63 tỉnh thành ngày 25/8.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng thừa nhận, đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Hiện việc lưu thông hàng hóa còn vướng mắc ở một số nơi do địa phương “vẽ” thêm quy định ngoài hướng dẫn của bộ. Theo ông Thể, hướng dẫn (số 1570) để thực hiện chỉ đạo (tại văn bản 1015 của Thủ tướng và 5187 của Văn phòng Chính phủ) là tâm huyết của Chính phủ, Bộ GTVT, Công Thương, NN&PTNN; qua đó nhằm thống nhất các quy định trên toàn quốc, giải phóng toàn bộ hoạt động vận tải hàng hóa, đáp ứng mục tiêu an sinh, phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Chiều 27/8, trả lời PV Tiền Phong Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đã thành lập 2 tổ công tác đặc biệt giải quyết các vướng mắc về nông sản ở khu vực phía Nam và phía Bắc. Hoạt động của tổ công tác diễn ra tích cực, giúp các tỉnh tiêu thụ nông sản khá hiệu quả. Tuy vậy, thông qua tổ công tác, bộ nhận thấy hoạt động cung cầu trước nay còn lúng túng, cần phải thay đổi trong thời gian tới.Cũng theo Bộ trưởng GT-VT, Chính phủ đã thống nhất chỉ đạo, tất cả hàng hóa đều thiết yếu. Tất cả các tuyến đường bộ, đường thủy là “luồng xanh” vận chuyển hàng hóa. Các phương tiện vận chuyển hàng hóa đều được lưu thông, xe có mã QR được ưu tiên qua các chốt kiểm soát (chỉ tiền kiểm và hậu kiểm), không có mã QR mới phải chịu kiểm tra nghiêm ngặt.
Đối với việc tháo gỡ tiêu thụ nông sản cho các tỉnh ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Tổ công tác 970 (của Bộ NN&PTNT) đã kết nối được khoảng hơn 1.200 đầu mối, giúp tiêu thụ hàng chục nghìn tấn nông sản, đồng thời kiến nghị Chính phủ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn. Song nhiều địa phương thực hiện chưa nghiêm túc và chậm trễ trong việc giải quyết khâu lưu thông, có tình trạng “ngăn sông cấm chợ”. Ông Tiến ví dụ trường hợp TP Cần Thơ. Bộ GTVT và Bộ NN&PTNT liên tục yêu cầu xóa bỏ việc kiểm soát hàng hóa bằng hình thức trung chuyển (vì chưa đúng với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành), nhưng đến tận 26/8, địa phương này vẫn chưa tháo gỡ.
Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, giai đoạn đầu của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, khâu chống dịch cũng như cung ứng hàng hóa thiết yếu cho dân ở vài ngày đầu gặp khó khăn, do đứt gãy chuỗi cung ứng. Đến nay, với sự chỉ đạo thống nhất của Chính phủ và phối hợp giữa các ngành, tình hình cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu được cải thiện, cơ bản. “Đợt dịch này diễn biến phức tạp và khó đảm bảo sẽ sớm kết thúc nên các giải pháp của Bộ Công Thương phải tính đến kịch bản xấu hoặc xấu hơn. Có như vậy, các quyết sách ban hành cũng như kế hoạch hành động mới đúng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Chính phủ giao”, Bộ trưởng Diên nói.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đến nay đã 1 tháng 10 ngày, bộ này duy trì Tổ Công tác đặc biệt phía Nam “cắm chốt” nơi tâm dịch. Đây cũng là quãng thời gian các đơn vị của Bộ đã chạy đua với thời gian để đảm bảo cho chuỗi cung ứng hàng hoá, lưu thông không bị đứt gãy trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội. Hàng loạt đề xuất khẩn, quyết sách nhanh và những văn bản hỏa tốc đã được Bộ Công Thương đưa ra trong thời gian qua để gỡ khó cho lưu thông hàng hóa trong nước, giữa các tỉnh cũng như cho xuất khẩu.
Ngân hàng hạ lãi suất, giảm phí
Ngày 27/8, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, việc các ngân hàng thương mại (NHTM) hạ lãi suất, giảm phí, hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn lúc này thể hiện cách ứng xử và trách nhiệm với xã hội. Thứ nhất, doanh nghiệp đang lúc khó khăn, ngân hàng cần chia sẻ lợi ích, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp. Thứ 2, quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp hiện là quan hệ cộng sinh, doanh nghiệp khoẻ thì ngân hàng khoẻ; doanh nghiệp yếu, chết hay khó khăn, ngân hàng cũng khó. Tuy nhiên, các NHTM cần hoạt động tuân thủ quy định của luật doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng, quyền lợi cổ đông, đặc biệt phải đảm bảo các chỉ số tài chính lành mạnh. Do đó, khi điều hành, NHNN sẽ cân đối để hài hoà cũng như tính đến những cơ chế nghiệp vụ để hỗ trợ lại các NHTM vì sự chia sẻ hỗ trợ này.
“Ngân hàng phải hỗ trợ doanh nghiệp không phải chỉ thời điểm này mà còn phải nghĩ đến sau dịch, làm thế nào để phục hồi nền kinh tế, phục hồi đời sống hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch, đảm bảo giữ vững nền tài chính quốc gia. Đó cũng là nhiệm vụ chúng tôi đang tính đến”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Theo Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2020, lãi suất toàn hệ thống trung bình giảm khoảng 1,2-1,5%. Bảy tháng đầu năm 2021, lãi suất giảm thêm khoảng 0,5%. Trước tình hình dịch lan rộng ở các địa phương, đặc biệt là tỉnh phía Nam, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM giảm tiếp lãi suất cho các doanh nghiệp thông qua 2 nguồn gồm cắt giảm tối đa chi phí hoạt động và chia sẻ lợi nhuận của các NHTM. “Thực hiện chỉ đạo của NHNN, Hiệp hội ngân hàng và 16 NHTM đã đồng thuận và cam kết sẽ giảm tiếp lãi suất cho các đối tượng, với tinh thần khó khăn nhiều giảm nhiều, khó khăn ít giảm ít. Cụ thể, 16 NHTM cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm tổng số 20.300 tỷ đồng thông qua các nguồn trên”.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, với việc bỏ “luồng xanh”, hàng thiết yếu; kiểm soát vận tải hàng hóa chỉ còn nhằm vào tài xế và người theo xe. Dù đã có hướng dẫn áp dụng chung toàn quốc của Bộ GTVT, nhưng địa phương vẫn yêu cầu thêm các quy định khác, khi trách nhiệm chống dịch do lãnh đạo tỉnh thành chịu. “Một số địa phương chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng, các chỉ đạo của bộ ngành thường không áp dụng hết, hoặc lại vẽ thêm, dẫn tới bộ hướng dẫn một đằng, địa phương vẫn làm một nẻo. Muốn gỡ vướng chỉ có cách Thủ tướng ban hành chỉ đạo, hướng dẫn chung toàn quốc. Chúng tôi đã kiến nghị như vậy gửi Tổng cục Đường bộ, nhưng khi hướng dẫn được ban hành vẫn là của bộ ký”, ông Quyền nói.
“Trên thực tế, NHNN vẫn đang cho cập nhật theo sát các cam kết của NHTM, đồng thời hỗ trợ gỡ vướng ngay khi có vấn đề cần xử lý. Đơn cử như tại Hội nghị trực tuyến ngày 26/8, liên quan đến cho vay thu mua lúa gạo. Trước khó khăn của nhiều doanh nghiệp khi không còn tài sản đảm bảo, hay hạn mức gần hết, NHNN đã yêu cầu các NHTM tính đến việc có thể cho vay thông qua phương án dòng tiền của doanh nghiệp”. Phó Thống đốc nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận