UN: Campuchia vẫn tăng trưởng lành mạnh, không có bẫy nợ phía trước
Nhiều chuyên gia đã có dự báo ảm đạm về Campuchia và tuyên bố rằng nước này sắp rơi vào bẫy nợ. Tuy nhiên, Báo cáo Thương mại và Phát triển 2022 của Liên Hợp Quốc (UN) công bố ngày 03/10 gần như không ủng hộ kết luận đó.
Báo cáo chuyên sâu của UN cũng nêu tên các quốc gia bị vỡ nợ tính đến ngày 30/06 năm nay, gồm Zambia, Lebanon, Sri Lanka và Surinam; các quốc gia đang tái cơ cấu nợ gồm Chad, Ethiopia, Mozambique. Trong khi đó, tại Uganda, Zambia, Ai Cập và Pakistan, lợi suất trái phiếu gần bằng hoặc trên 10 điểm phần trăm so với tín phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm.
Trong số các quốc gia lâm vào cảnh căng thẳng vì nợ nần hoặc có nguy cơ căng thẳng tài chính, theo đánh giá tính bền vững nợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), có 14 quốc gia có thu nhập thấp; 19 quốc gia có thu nhập trung bình thấp, trong đó có Lào (là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á) và 9 quốc gia có thu nhập trung bình cao.
Đối với Campuchia, lạm phát cao và suy giảm kinh tế toàn cầu vẫn là những thách thức lớn.Tuy nhiên, nền kinh tế Vương quốc vẫn đang trên đà phục hồi. Tăng trưởng kinh tế được dự báo đạt 5% trong năm 2022 và 5.5% vào năm 2023.
Theo dữ liệu chính thức, tỷ lệ nợ/GDP của Campuchia vẫn nằm dưới ngưỡng tiêu chuẩn toàn cầu là 40%. Tính đến tháng 6/2022, theo Bản tin thống kê nợ công Campuchia, tổng nợ công của Chính phủ là 9.7 tỷ USD.
Tại một số quốc gia, do thiếu kinh phí và áp lực về ngân sách, kế hoạch tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đang diễn ra chậm chạp. Trong khi đó, tại Campuchia tỷ lệ tiêm chủng gần như đã đạt 100%. Quốc gia Đông Nam Á này cũng đã nới lỏng một số hạn chế, bao gồm việc dỡ bỏ yêu cầu giấy chứng nhận tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đối với du khách đến đất nước này. Vương quốc cũng đang tiến triển về phương diện giảm thiểu căng thẳng về biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển dài hạn.
Theo Bản tin thống kê nợ công Campuchia do Bộ Kinh tế và Tài chính (MEF) công bố, 68% nợ nước ngoài của Campuchia đến từ các đối tác phát triển song phương và 32% còn lại của các đối tác phát triển đa phương.
Theo bản tin, 42% nợ công của Campuchia dưới dạng USD; 20% dưới dạng Quyền rút vốn đặc biệt (SDR); 13% Nhân dân tệ (RMB); 10% Yên Nhật (JPY); 7% Euro (EUR) và 8% còn lại là các tiền tệ khác.
Trong giai đoạn nửa đầu năm 2022, Chính phủ Campuchia đã thanh toán 213.5 triệu USD cho các đối tác phát triển, gồm 155.11 triệu USD thanh toán cho các đối tác song phương và 58.39 triệu USD thanh toán cho các đối tác đa phương.
Ông Meas Soksensa, người phát ngôn của MEF, gần đây cho biết tình hình nợ công của Campuchia vẫn ổn và vẫn ở mức rủi ro nợ nần thấp. Ông nói: “Tổng nợ nước ngoài của chúng tôi hiện nằm trong khoảng 33-35% GDP, vẫn bên dưới ngưỡng 40%”.
Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Campuchia trong năm nay lên 4.8% từ mức dự báo 4.5% được đưa ra hồi tháng 4/2022. Theo WB, xuất khẩu hàng dệt may, giầy dép và sản phẩm du lịch, xe đạp và nông sản đã tiếp tục hỗ trợ và thúc đẩy Campuchia phục hồi sau Covid-19.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận