Ukraine dọa đảo ngược quyết định từ bỏ vũ khí nguyên tử nếu bị đe dọa
Ukraine có thể từ bỏ cam kết là một quốc gia phi hạt nhân trong hàng thập kỷ qua và đảo ngược quyết định từ bỏ vũ khí nguyên tử nếu bị đe dọa, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảnh báo.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 19/2, ông Zelensky chỉ ra rằng, năm 1994, Ukraine đã tham gia Bản ghi nhớ Budapest và từ bỏ vũ khí hạt nhân để đối lấy sự đảm bảo an ninh. Tổng thống Ukraine nhận định, động thái trên có thể bị đảo ngược nếu nước này bị Nga đe dọa.
Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine đã tham vấn với những quốc gia trong Bản ghi nhớ Budapest 3 lần như một phần trong nỗ lực xem xét lại các điều khoản nhưng không đạt được bất kỳ thành công nào.
"Hôm nay, Ukraine sẽ làm điều đó lần thứ tư", ông Zelensky thông báo, đồng thời nhấn mạnh ông đã đề nghị Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đưa ra các yêu cầu tham vấn nhưng đó sẽ là nỗ lực cuối cùng từ phía Ukraine.
"Nếu chúng không được thực hiện và không có quyết định rõ ràng nào liên quan đến những đảm bảo an ninh cho đất nước chúng tôi, Ukraine có quyền tin rằng Bản ghi nhớ Budapest không hiệu quả và tất cả các quyết định năm 1994 đều bị đặt câu hỏi", Tổng thống Ukraine nhận định.
Nhà lãnh đạo này cũng nhấn mạnh, "những chỉ trích tập thể" của các đồng minh phương Tây cho tới nay vẫn chưa biến thành "những hành động tập thể".
Ông Zelensky cho biết ông không đồng ý với "lãnh đạo của một nước lớn" về các khả năng áp lệnh trừng phạt lên Nga, đồng thời thể hiện sự không hài lòng với bình luận của những người đồng cấp khác.
"Chúng tôi không cần lệnh trừng phạt khi chúng tôi bị nã pháo, khi các đường biên giới biến mất, khi quốc gia của chúng tôi bị chiếm đóng. Cuối cùng thì lợi ích của những lệnh trừng phạt này nằm ở đâu?"
Trong những tháng qua, phương Tây đã nhiều lần cáo buộc Nga lên kế hoạch tấn công Ukraine, song Moscow đã phủ nhận về việc này. Ngày 18/2, các nhà chức trách phe ly khai ở miền đông Ukraine cáo buộc quân chính phủ Ukraine lên kế hoạch cho một bước ngoặt quân sự tại lãnh thổ của họ song các quan chức Kiev cũng phủ nhận cáo buộc trên.
Tổng thống Zelensky nhận định, các Thỏa thuận Minsk, vốn được coi là lộ trình cho đàm phán hòa bình, đã không mang lại lợi ích cho Ukraine. Nhà lãnh đạo này muốn một thỏa thuận mới được ký kết bởi các nước lớn, trong đó có Nga và Mỹ, cũng như bao gồm một số điều khoản đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận