Úc, New Zealand xem xét lại chiến lược chống Covid-19
Tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta trong đại dịch Covid-19 buộc Úc và New Zealand phải xem xét lại chiến lược hạn chế tối đa số ca nhiễm của họ.
Úc chuyển sang hạn chế số ca nhập viện, thay vì đếm ca nhiễm
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Đài truyền hình ABC hôm 22-8, Thủ tướng Úc, Scott Morrison nói rằng có khả năng cao đất nước của ông sẽ không bao giờ đưa số ca nhiễm Covid-19 về zero một lần nữa. Ông cho rằng trọng tâm của chiến lược chống đại dịch Covid-19 của Úc cần phải chuyển sang hạn chế số ca nhập viện, thay vì tìm mọi cách dập tắt hoàn toàn dịch bệnh.
Ông nói khi tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở Úc đạt 70-80%, các biện pháp hạn chế đi lại và kinh doanh sẽ được dỡ bỏ. Ông nhấn mạnh: “Bạn không thể sống trong tình trạng phong tỏa mãi như thế và đến lúc nào đó, bạn cần phải thay đổi”.
Trong bài viết trên tờ Daily Telegraph, ông Morrison cho rằng số ca nhiễm gia tăng không làm ảnh hưởng đến kế hoạch tái mở cửa của Úc. Ông viết: “Hiện tại, chiến lược quốc gia của chúng ta là dập tắt virus và tiêm vaccine cho càng nhiều người dân càng tốt nhưng đó là chiến lược thiển cận vì chỉ tập trung vào số ca nhiễm”.
Trong cuộc trò chuyện với Đài truyền hình TVNZ, Bộ trưởng phụ trách phòng chống Covid-19 của New Zealand, Chris Hipkins nói rằng tính chất lây nhiễm cực cao của biến thể Delta đặt ra những câu hỏi lớn về cách tiếp cận hạn chế số ca nhiễm triệt để hiện nay của New Zeland
Ngay từ đầu đại dịch, cả Úc và New Zealand đều ủng hộ chiến lược kiểm soát tối đa số ca nhiễm Covid-19, bằng cách đóng cửa biên giới, phong tỏa các thành phố. Chiến lược này đã ngăn ngừa được đáng kể số ca tử vong và giúp họ được ca ngợi như những hình mẫu chống dịch. New Zealand chỉ ghi nhận 26 ca tử vong trong đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, các đợt bùng phát dịch gần đây với tốc độ lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đang thách thức chiến lược của họ. Hôm 22-8, Úc ghi nhận 914 ca nhiễm mới, lập kỷ lục về số ca nhiễm trong một ngày. Hôm trước đó, New Zeland báo cáo 21 ca nhiễm mới, cao nhất kể từ tháng 4 năm ngoái.
Delta chọc thủng hệ thống phòng chống dịch của New Zeland
Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern dự kiến triệu tập cuộc họp nội các vào hôm 23-8 để thông qua quyết định gia hạn lệnh phong tỏa sau khi lệnh này được áp đặt trên toàn quốc trong vòng 1 tuần kể từ ngày 17-8.
“Với một loại virus có thể lây nhiễm trong vòng 24 giờ sau khi ai đó nhiễm nó, điều này khiến trận đánh thay đổi. Bằng cách áp đặt lệnh phong tỏa cấp độ cao nhất, chúng ta có thể kiểm soát nó nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế rằng chúng ta không thể lúc nào cũng thành công”, Bộ trưởng phòng chống Covid-19 của New Zeland, Chris Hipkins nói. Ông cho rằng hệ thống phòng chống đại dịch Covid-19 của New Zealand đã vận hành hiệu quả trước đây nhưng khi biến thể Delta xuất hiện, nó dường như trở nên kém mạnh mẽ.
Ông nói: “Biến thể Delta không giống như những gì chúng ta ứng phó trước đây trong đại dịch này. Nó làm thay đổi tất cả và điều này có nghĩa là tất cả sự biện pháp phòng chống dịch của chúng ta bắt đầu có vẻ như không còn đầy đủ nữa”.
Đợt bùng phát dịch mới nhất ở New Zealand khiến chính phủ nước này bị chỉ trích vì chậm trễ tiêm vaccine do thái độ chủ quan sau khi kiểm soát thành công trong thời kỳ đầu của dịch bệnh. Cho đến nay, chỉ mới có 20% dân số của New Zealand được tiêm phòng đầy đủ, một trong tỷ lệ thấp nhất ở thế giới phát triển.
Người phát ngôn đảng Quốc gia đối lập, Chris Bishop nói rằng đợt bùng phát dịch hiện hay bộc lộ sự thiếu khẩn cấp trong kế hoạch tiêm vaccine của chính phủ. “Sự tự mãn của chính phủ và sự bất lực trong việc bảo đảm nguồn cung vaccine Covid-19 đã khiến chúng ta trở thành những mục tiêu dễ bị tổn thương trước biến thể Delta khi nó xâm nhập vào cộng đồng”, ông nói.
David Seymour, lãnh đạo đảng ATC New Zeland đối lập, cho rằng ông Hipkins không thể sử dụng biến thể Delta để biện hộ cho các thất bại trong chống dịch hiện nay. Ông nói: “Chúng ta đã biết đến biến thể Delta kể từ tháng 12 năm ngoái. Từ đó đến nay, chúng ta đã làm gì?”
Theo Bloomberg, AFP
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận