Tỷ phú toàn cầu 2023: Top 10 nắm 1.500 tỷ USD, 'ông trùm' châu Á thụt lùi
Dù trải qua một năm kinh tế thế giới đầy biến động, các tỷ phú công nghệ vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối trong năm nay nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong ngành cũng như xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Elon Musk giữ vững phong độ
Theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg và bảng xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Forbes, dữ liệu theo dõi đến ngày 18/12 cho thấy tỷ phú giàu nhất năm 2023 là ông Elon Musk - ông chủ hãng xe điện lớn nhất thế giới Tesla, đồng thời cũng là người sở hữu công ty mạng xã hội truyền thông X, công ty vũ trụ SpaceX và nhiều doanh nghiệp khác.
Forbes liệt kê khối tài sản của ông Musk tính tới ngày 18/12 là 254,9 tỷ USD, trong khi theo chỉ số tỷ phú Bloomberg, ông chủ Tesla sở hữu 231 tỷ USD tài sản ròng.
Không ngoa khi nói Tesla chính là "lá bài may mắn" của Elon Musk, bởi lẽ trong một năm mạng xã hội X (trước đây là Twitter) khiến tỷ phú này đau đầu vì doanh thu sụt giảm và hàng loạt bê bối về phát ngôn, thì chính cổ phiếu Tesla là yếu tố khiến khối tài sản của tỷ phú này tiếp tục "phình to" trong năm nay.
Cụ thể, theo dữ liệu của Bloomberg, giám đốc điều hành Tesla có thêm gần 94 tỷ USD tính tới ngày 18/12. Cổ phiếu công ty xe điện tăng hơn 130% tính từ đầu năm khiến ông Musk - người sở hữu khoảng 21% cổ phiếu và quyền chọn, gia tăng tài sản một cách đáng kể.
Tỷ phú số 1 thế giới Elon Musk.
Người giàu thứ 2 thế giới tính tới cuối năm là tỷ phú Bernard Arnault - người sở hữu tập đoàn hàng xa xỉ LVMH của Pháp. Theo BXH tỷ phú năm 2023 do Forbes công bố hồi tháng 4, tỷ phú người Pháp là người giàu nhất thế giới, được hưởng lợi từ xu hướng tăng trưởng tiêu dùng xa xỉ đẩy cổ phiếu tập đoàn lên cao kỷ lục.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, với khối tài sản khoảng 181 tỷ USD (theo Bloomberg) hay 200 tỷ USD (theo Forbes), tỷ phú LVMH đã "yên vị" ở vị trí thứ 2.
Xếp sau ông trong danh sách của Bloomberg là tỷ phú Amazon Jeff Bezos (172 tỷ USD), người sáng lập Microsoft Bill Gates (138 tỷ USD) và CEO Microsoft Steve Ballmer (127 tỷ USD).
Cùng sở hữu khối tài sản 121 tỷ USD là nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett và ông chủ Meta Mark Zuckerberg. Trong khi đó, 2 tỷ phú cùng họ Larry là Larry Page (120 tỷ USD) và Larry Ellison (118 tỷ USD) là những người áp chót trong danh sách. Tỷ phú Sergey Brin là người khép lại danh sách top 10 tỷ phú toàn cầu của Bloomberg, với khối tài sản 114 tỷ USD.
Tổng khối tài sản mà top 10 tỷ phú toàn cầu nắm giữ lên tới 1.443 tỷ USD, theo Bloomberg. Trong khi đó, tổng cộng khối tài sản gia tăng của nhóm này là 434,5 tỷ USD.
Nhóm tài sản gia tăng
Theo chỉ số tỷ phú của Bloomberg, người có khối tài sản tăng mạnh nhất trong năm 2023 là ông Elon Musk, khi chứng kiến tài sản ròng tăm thêm 94 tỷ USD. Các tỷ phú Mark Zuckerberg (+75 tỷ USD) và Jeff Bezos (+65 tỷ USD) lần lượt là những tên tuổi chứng kiến tài sản tăng mạnh nhờ cổ phiếu công ty tăng vượt bậc.
Bên cạnh những tên tuổi quen thuộc như Larry Page (+37 tỷ USD), Sergey Brin (+34,6 tỷ USD), Bill Gates (+28,4 tỷ USD), nhóm những tỷ phú chứng kiến tài sản tăng mạnh nhất trong năm nay còn có ông Jensen Huang (+29,2 tỷ USD) - ông chủ của công ty sản xuất chip Nvidia được ca tụng là "tương lai của AI".
Tổng tài sản tăng trưởng của 10 tỷ phú làm ăn thuận lợi nhất trong năm nay là 462,7 tỷ USD, theo Bloomberg.
Ông Jensen Huang là một trong những tỷ phú có khối tài sản tăng mạnh nhất trong năm nay.
Các tỷ phú công nghệ chiếm ưu thế
Đáng chú ý, trong số 10 tỷ phú giàu nhất năm 2023, có tới 8 tỷ phú thuộc lĩnh vực công nghệ, ngoại trừ ông Bernard Arnault thuộc lĩnh vực tiêu dùng và "nhà tiên tri xứ Omaha" Warren Buffett.
Trong nhóm 10 tỷ phú có tài sản tăng mạnh nhất trong năm, có tới 9/10 tỷ phú hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Người duy nhất nằm ngoài "vòng xoáy" công nghệ là ông Amancio Ortega - doanh nhân người Tây Ban Nha sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang nhanh Zara.
Tính rộng hơn, trong số 500 tỷ phú trong BXH thời gian thực của Bloomberg, ước tính có tới gần 80 tỷ phú hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.
Điều này một phần thể hiện xu hướng phát triển của công nghệ trong những năm gần đây, đồng thời cũng cho thấy sự phát triển bùng nổ của ngành này và trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp các công ty và tỷ phú hoạt động trong ngành hưởng lợi ra sao.
Ông Amancio Ortega - tỷ phú Zara.
Các "ông trùm" châu Á thất thế
Trong số những tỷ phú có khối tài sản sụt giảm nhiều nhất, đứng đầu là tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani (-35,4 tỷ USD). Scandal bán khống vào đầu năm nay đã khiến "đế chế" Adani rung chuyển, và không có gì đáng ngạc nhiên khi "ông trùm" công nghiệp Ấn Độ vẫn chưa thể lấy lại những gì đã mất. Tài sản hiện tại của ông Gautam Adani là khoảng 85 tỷ USD.
"Đế chế" của tỷ phú Gautam Adani đã lung lay sau bê bối bán khống.
Xếp ngay sau tỷ phú Ấn Độ là ông Zhang Yiming, người đứng sau ByteDance - công ty sở hữu ứng dụng TikTok. Mặc dù TikTok vẫn liên tục ghi nhận những cột mốc phát triển mới trên khắp toàn cầu và độ phổ biến của TikTok Shop tăng mạnh, nhưng ứng dụng này đã gặp phải những rào cản lớn về pháp lý tại Mỹ và một số quốc gia khác.
Theo đó, ông Zhang đã mất khoảng 12,6 tỷ USD trong năm nay, hiện ông có khối tài sản trị giá khoảng 42 tỷ USD.
Ngoài ra, rất nhiều tỷ phú Trung Quốc khác cũng ghi nhận khối tài sản sụt giảm trong năm nay do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế trong nước. Điển hình như "vua đồng" Wang Wenyin (-7,82 tỷ USD), người sáng lập công ty đồ uống lớn nhất Trung Quốc Nongfu Spring - ông Zhong Shanshan (-3,6 tỷ USD).
Tỷ phú Jack Ma, người đang xếp thứ 50 trong BXH thời gian thực của Bloomberg, cũng nằm trong số tỷ phú Trung Quốc đại lục có khối tài sản giảm sút. Cụ thể, ông Ma mất gần 3 tỷ USD trong năm nay, với khối tài sản còn lại là khoảng 29,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nhiều tỷ phú tại Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản cũng chứng khiến khối tài khoản sụt giảm trong năm nay.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận