24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Phương Tùng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tỷ phú nợ tiền tỷ, cơn sóng nợ xô đổ những đại gia ngang dọc

Những sóng nợ ấy, không hình hài, không từng đợt như sóng biển ngoài khơi; mà cuộn tròn quanh quẩn nơi làng chài tỷ phú Nghĩa An (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) đằng đẵng mấy năm rồi.

Những sóng nợ ấy, rất vô hình, nhưng hào phóng ban tặng bao hốc hác, bao dấu chân chim trên bao khuôn mặt người dân làng chài; lắm lúc, là những cái trở mình trong đêm, với tiếng thở dài: bao giờ thì hết nợ?

Câu hỏi thăm thẳm ấy, tôi nhiều lần hỏi họ và biết rằng mình thật ngớ ngẩn, khi mà những câu trả lời nhận được, thường là những cái lắc đầu diệu vợi, đôi khi tưởng chừng như thảng thốt. Rất lạ!

Qua thời vàng son

Sáng sớm, tôi men theo chiếc cầu sắt từ bên bờ xã Nghĩa Phú sang xã Nghĩa An. Chiếc cầu rất hẹp, vừa đủ khổ cho hai chiếc xe máy, đó là giải pháp tạm thời để người dân hai bên bờ qua lại trong lúc chiếc cầu bê tông to lớn hơn đang thi công. Khi sang xã Nghĩa An, không khí trong hàng dài dãy nhà ở đây có vẻ không được tươi tắn.

Tôi ghé một quán cà phê gần bến tàu, nơi có mấy người đàn ông trung niên nước da ngăm đen đang phì phèo khói thuốc, bên cạnh họ là mấy người phụ nữ, có vẻ trầm mặc hơn. Họ nói đủ thứ chuyện, song, có… lòng vòng đâu đó, thì cũng nhanh chóng trở về với mối lo, là những khoản nợ mà họ đang mắc phải.

Biết nghề biển là… biển giã, nhưng ông Hồ Thanh Lâm không ngờ rằng có ngày mình lâm cảnh nợ nần như bây giờ. “Tôi có đôi tàu với tổng công suất gần 1.000 CV” - ông Lâm nhiều lần nhắc lại. Với đôi tàu đó, vài năm trước, mỗi năm ông kiếm được 2-3 tỷ đồng. Còn bây giờ, ông phải canh cánh nỗi lo bữa ăn từng ngày bằng cách đi làm công nhân sơ chế tôm ở khu công nghiệp trên TP Quảng Ngãi. Trong khi đó, đôi tàu tiền tỷ của ông nằm bờ mà không biết ngày nào sẽ lại được ra khơi.

Hỏi ra mới biết, không chỉ mỗi ông Lâm, mà ở làng chài một thời được mệnh danh là “làng chài tỷ phú này”, có rất nhiều người rơi vào cảnh tương tự. Nên thành ra, tháng 8 ở làng chài Nghĩa An trở nên hoang hoải với hàng dài tàu công suất lớn đang nằm bờ.

Tỷ phú nợ tiền tỷ, cơn sóng nợ xô đổ những đại gia ngang dọc
Có tàu, vì nằm bờ quá lâu và bị bỏ bê nên hư hoại, chìm hỏng.

Ở quán nước gần đó, ông Trương Hoài Phong và ông Trương Văn Ca ngồi nhắc nhớ thời vàng son vừa đi qua của làng chài. Đó là giai đoạn từ năm 2012 đến 2016, ngư dân Nghĩa An phất lên như diều gặp gió từ nghề lưới kéo, hay còn gọi là nghề lưới giã cào.

“Thời đó, mỗi năm, với một đôi tàu giã cào, chủ tàu sẽ kiếm được vài tỷ đồng. Nên người ta mới gọi là “làng chài tỷ phú” - ông Phong nhớ lại. Trong đà làm ăn hanh thông ấy, ngư dân xã Nghĩa An rộ lên nâng công suất máy và đóng tàu lớn. Ở tầm quãng những năm 2012 trở về trước, tàu chỉ có công suất từ 380CV - 420CV; nhưng từ sau năm 2012, được nâng lên từ 540 CV - 950 CV.

“Vào giai đoạn đầu của việc nâng cấp máy và tàu, việc đi biển cũng diễn ra vô cùng thuận lợi. Máy công suất lớn, tàu to đã giúp nâng cao năng suất khai thác. Chính vì vậy mà từ con số chỉ có vài chục đôi tàu ban đầu, chỉ trong vài năm ngắn ngủi, xã Nghĩa An có đến hàng trăm đôi tàu như vậy” - ông Phong kể đầy hào hứng.

Nhưng rồi giọng ông chùng xuống, rơi vào đoạn bắt đầu xuất hiện yếu-tố-thất-bại của việc nâng cấp máy tàu rầm rộ mà không có một quy củ nào cụ thể. Đó là từ cuối năm 2016, những “chuyến biển trăm triệu” thưa dần, kéo theo những “năm biển tiền tỷ” cũng thưa dần. Và ông Phong không tránh được cái thở dài: “Mà đau hơn, là nợ nần bắt đầu chồng chất”.

Tỷ phú nợ tiền tỷ

Ông Phong là một tay làm biển có tiếng ở Nghĩa An, dù đã nghỉ biển nhiều năm nay do tuổi cao, nhưng ông đã phân bổ 4 đôi tàu cho 4 người con của mình. 4 đôi tàu này, cũng đang nằm trong vòng xoáy nợ nần nghiệt ngã của làng chài Nghĩa An với khoản nợ “đâu chừng 3 hay 4 tỷ gì đó. Có điều, con của tôi đang ráng gượng xem có gỡ gạc được gì không, nếu mà đến cuối năm nay tình hình không có chuyển biến tích cực, thì cho nằm bờ luôn” - ông Phong chia sẻ.

Bên cạnh ông Phong là ông Ca, ông vừa từ ngoài Bắc về được vài hôm. Ông Ca là lao động trên tàu cá của anh Trương Hoài Phú - con trai trưởng của ông Phong. “Tôi về thăm nhà thôi, tàu thì nằm ở Bạch Long Vỹ sau chuyến biển vừa đủ vốn, chắc mấy hôm nữa ra đó lại rồi đi biển tiếp, xem có kiếm được tí cơm cháo gì không” - ông Ca vừa nói vừa cười.

Tỷ phú nợ tiền tỷ, cơn sóng nợ xô đổ những đại gia ngang dọc
Lão ngư Trương Hoài Phong với câu chuyện thăng trầm ở làng chài tỷ phú.

Tôi đặt câu hỏi: “Vậy từ đầu năm đến giờ, chú đi mấy chuyến rồi?”. “Chuyến vừa về là chuyến thứ 5”. “Ổn không chú?”. “Có gì đâu mà ổn, đang muốn… bạc mặt đây nè. Tổng cộng 4 chuyến trước mới kiếm được khoảng 500 triệu, còn chuyến rồi thì hòa vốn. Đi từ đầu năm đến giờ mà được có 500 triệu, thì có gì đâu mà chia”.

Trong cuộc chơi của họ, tỷ lệ ăn chia giữa chủ tàu và người lao động (mà dân biển hay gọi là “bạn”, “đi bạn”) sẽ là 6 - 4. Chủ tàu nhận 6 phần và có trách nhiệm lo toàn bộ phí tổn, bao gồm cả sửa chữa. Còn 4 phần còn lại, sẽ chia đều cho số người lao động trên mỗi tàu. Vậy đó, 4 phần của 500 triệu là 200 triệu, mà tàu có 17, 18 người lận, tính ra mỗi người được chưa tới 12 triệu. 7 tháng đi biển mới kiếm được 12 triệu, thì tính ra mỗi tháng là bao nhiêu đâu, đúng không? Còn tháng vừa đi về hòa vốn đó, coi như… trắng tay!

Đó là phía người lao động, còn chủ tàu, mà cụ thể ở đây là anh Phú, thì 300 triệu có được sau 8 tháng biển, chỉ là giúp “cầm cự” để xem sắp tới tình hình có khả quan hay không mà thôi. Chính vì vậy, mà khi tàu vào bờ, anh Phú cho neo ở Bạch Long Vỹ chờ ngày “dặm tổn” cho chuyến biển tiếp theo.

“Chớ nó chạy tàu về đây, thì mất mấy chục triệu tiền dầu nữa” - ông Phong giải thích. Ông Phong cũng nói rằng, mặc dù mình và con cái đang nợ tiền tỷ, nhưng còn may mắn là gắng gượng được thêm thời gian nữa, chứ tại Nghĩa An, rất nhiều người phải cho tàu nằm bờ và tìm việc khác kiếm sống qua ngày khi mắc nợ tiền tỷ.

Như vợ chồng chị Nguyễn Thị Mỹ Vạn, năm 2013, họ bàn nhau vay vốn đóng 2 tàu công suất lớn, mỗi năm kiếm được hơn 1 tỷ đồng. “Nhưng rồi nghề biển lao dốc, chúng tôi bị nợ nần chồng chất, đến nay hơn 7 tỷ đồng. Chồng tôi từ chủ tàu, trở thành người làm thuê cho tàu khác” - bà Vạn nước mắt lưng tròng.

Nghe cuộc nói chuyện giữa chúng tôi, bà Trương Thị Phấn, là mẹ chồng của chị Vạn, nói rằng mình muốn lên thành phố kiếm gì đó làm để giúp vợ chồng con trai trả nợ, nhưng lại “mắc” trông hai đứa cháu nội cho vợ chồng con đi làm kiếm bạc cắc từng ngày. Căn nhà cấp 4 mà chị Vạn đang dang dở ý định sửa chữa, không khí như ngột ngạt khi trời sắp sửa vào trưa.

Tôi rời nhà chị Vạn, lang thang trong mấy ngách nhỏ ở Nghĩa An, thấy đâu đâu cũng như chững lại. Nhớ buổi sáng ở bến cá, khi anh Dương Minh Tiến, người ướt sũng ném cho vợ tấm lưới với ít cá. Đó là thành quả của anh sau mấy tiếng đồng hồ đi lặn ở gành biển.

Thời điểm ngư dân Nghĩa An phất lên, anh Tiến góp tiền tích cóp được, cùng vợ bàn vay thêm ngân hàng để sắm đôi tàu giã cào 520 CV với giá 4,5 tỷ đồng. Thấy làm ăn ngon lành, vay thêm 3,5 tỷ để nâng cấp tàu máy, cũng là lúc nghề giã cào đi vào lao đao, khiến cho vợ chồng anh… lảo đảo trong số nợ nần ngân hàng gần 4 tỷ đồng. Đôi tàu lớn trị giá 8 tỷ đồng nằm bờ chờ kê biên, bán sắt vụn.

Chưa hết, trong mục tài sản thế chấp trong hợp đồng cho vay của ngân hàng, còn có cả căn nhà. “Thế nên, hai vợ chồng mới làm cái chòi này để ở tạm chờ ngày qua đoạn khổ này” - chị Đào, vợ anh Tiến thở dài. Căn chòi này của họ, mới được dựng vài tháng nay, bằng tre và bạt trên nền đất của xã. Họ nhẩm tính, thời gian họ từ tỷ phú trở thành người mang nợ tiền tỷ, chỉ vẻn vẹn trong 2 năm.

Theo thống kê, xã biển Nghĩa An có hơn 90% dân số theo nghề biển đánh lưới chuồng, giã cào với trên 1.000 chiếc tàu đánh bắt xa bờ cùng 12.000 lao động. Trong số này, có hơn 500 tàu công suất lớn với 6.000 lao động chuyên nghề giã cào. Trong số 500 tàu chuyên nghề giã cào, có đến 80% chủ tàu thuyền vay nợ ngân hàng, vay của người thân và “tín dụng đen”.

Bà Võ Thị Lệ Thu - Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết, trung bình, mỗi chủ tàu nợ 4 - 6 tỷ đồng, mức thấp nhất là từ 1,5 - 2 tỷ đồng, bên cạnh đó, có không ít trường hợp chủ tàu nợ trên chục tỷ đồng. Chưa là con số thống kê chính xác và cụ thể, nhưng tổng số nợ mà các chủ tàu ở làng chài tỷ phú này đang mang là khoảng 800 tỷ đồng, từ nhiều nguồn vay, mượn khác nhau.

Vì đâu nên nỗi?

“Vậy thì, theo chú, vì đâu mà từ những chuyến biển thu về tiền tỷ mỗi năm, thì nay lại nợ tiền tỷ mỗi năm?” - tôi đặt vấn đề với ông Phong. Vị lão ngư này bảo rằng, có 4 nguyên nhân khiến cho ngư dân làng chài Nghĩa An này rơi vào cảnh khốn đốn như hiện tại: “Đó là chi phí nhiên liệu lên cao, tàu Trung Quốc quấy rối, sản lượng cá giảm và người lao động nợ tiền chủ tàu”.

Lấy công suất của một đôi tàu nhà mình trong 2 mốc trước và sau năm 2012 cho chuyến biển từ 15 đến 20 ngày, ông Phong tính toán rằng so với trước năm 2012, thì chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến biển như vậy sẽ nhiều hơn 140 triệu đồng.

“Sở dĩ có điều này, là trước năm 2012, đôi tàu có công suất nhỏ hơn. Thêm nữa, giai đoạn đó giá nhiên liệu cũng rẻ hơn, khi chỉ có giá khoảng 9.000 - 10.000 đồng/ lít dầu diezel, còn giai đoạn sau này có khi lên đến 17.000 đồng mỗi lít” - ông Phong giải thích.

Tỷ phú nợ tiền tỷ, cơn sóng nợ xô đổ những đại gia ngang dọc
Khó khăn trong đánh bắt xa bờ, ngư dân làng chài nay chỉ biết bám biển gần bờ để mưu sinh.

Cũng theo ông Phong, thời điểm giá nhiên liệu bắt đầu tăng “chóng mặt”, cũng là lúc tàu cá Trung Quốc gia tăng sự quấy rối ở ngư trường ưa thích của nghề lưới kéo. “Việc tàu mình nâng cấp từ hơn 300 CV lên đến gần 1.000 CV, là thấy to đối với mình, chớ so với tàu cá Trung Quốc, thì chẳng khác gì là kiến với châu chấu” - ông Phong ví von.

Rồi tiếp: “Không những thế, tàu cá của Trung Quốc toàn bằng vỏ thép, được trang bị dàn ngư cụ lớn, hiện đại. Một lần kéo lưới của họ, năng suất phải hơn gấp 3 lần so với mình”. “Ủa, tàu cá Trung Quốc quấy rối vậy, sao mình không báo cơ quan chức năng?” - tôi thắc mắc. Ông Phong cười: “Báo chứ, nhưng tàu cá Trung Quốc đông quá, và họ “me” lúc không có lực lượng chức năng của mình là tràn vào cào nhanh rồi đi!”.

Về chuyện này, ông Ca thêm vào: “Bọn họ (tàu cá Trung Quốc - NV) quậy ghê lắm, vì ỷ tàu to và đông”. Ông Phong đặt vấn đề: “Mà ngư trường của mình, mình từ tốn khai thác và còn chú trọng bảo vệ. Chứ tàu cá Trung Quốc thì không, họ khai thác kiểu tận diệt, họ chỉ nhắm đến một mục đích là khai thác càng nhiều càng tốt, bao gồm cả số lần lẫn sản lượng mỗi lần”.

“Ba nguyên nhân trên khiến cho nghề giã cào rơi vào cảnh khó khăn dần dần, và những khó khăn này chồng chất nhau trên đôi vai chủ tàu. Thường thì trước mỗi chuyến biển, chủ tàu phải cho “bạn” vay mượn, hay nói nôm na là ứng tiền để họ đưa vợ con lo chuyện gia đình.

Thời điểm làm ăn được, sau chuyến biển, trừ tiền vay ứng trước ra, “bạn” biển thậm chí còn được nhận thêm tiền. Nhưng kể từ khi làm ăn khó khăn, tiền công của họ không bù lại được khoản đã tạm vay ứng trước đó. Một hai chuyến không sao, nhưng cứ nhiều chuyến như vậy, cộng dồn lại, khiến cho “bạn” biển không có khả năng chi trả và chủ tàu phải “gánh” hết” - ông Phong thở dài.

“Và đó là nguồn cơn của nợ chồng nợ?” - tôi hỏi. Ông Phong gật đầu ngay, giải thích: “Đúng rồi. “Bạn” nợ mình, nhưng vì để có người lao động trên tàu ra khơi, mình vẫn phải tiếp tục cho “bạn” vay ứng tiền. Nhưng vì làm ăn không được, lại thâm hụt vốn, nên chủ tàu như tôi phải tiếp tục đi vay tiền từ các nguồn để xoay tiền cho “bạn” mượn cũng như các phí tổn khác để ra khơi.

Đó chính là lí do vì sao mà các chủ tàu nhanh chóng đi vào cảnh khốn đốn, nhất là không còn đủ điều kiện vay ngân hàng mà phải vay “tín dụng đen” ở ngoài”. Chỉ riêng tiền cho “bạn” vay mượn, trung bình mỗi năm, một đôi tàu giã cào phải cần đến khoảng 500 triệu đồng cho việc này. Nhà ông Phong có 4 đôi tàu như vậy, vị chi là 2 tỷ đồng.

Tôi hỏi tiếp: “Mình cho người lao động vay mượn tiền như vậy, nhưng đi biển không được, thì họ lấy gì mà trả?”. Ông Phong cười, kiểu cười trừ: “Thì đúng rồi, lao động biển, mà biển đói thì làm gì có tiền trả”.

“Vậy mình tính sao?”. “Tính sao là sao. Chịu thôi chứ biết sao giờ, họ có tiền đâu mà đòi. Và sau câu “họ có tiền đâu mà đòi”, những người như ông Phong, ông Lâm hay chị Vạn, anh Tiến,… thường kèm theo cái lắc đầu: “Là coi như mình chấp nhận mất”. Hỏi ra mới biết, là quá trình cho “bạn” vay mượn ấy, không hề có giấy tờ, chứng từ gì!

Trong cơn sóng nợ quật quăng

Tiếp tục lang thang làng chài, góp nhặt, chắp vá những câu chuyện từ những tỷ phú mang nợ tiền tỷ, có một điều này không thể không lưu tâm. Là trong cơn rầm rộ nâng cấp máy tàu công suất lớn, các đại lý máy tàu gần đây đã tung chiêu để ngư dân đổi máy công suất nhỏ công nghệ Nhật sang máy công suất lớn công nghệ Trung Quốc.

Tỷ phú nợ tiền tỷ, cơn sóng nợ xô đổ những đại gia ngang dọc
Máy móc Trung Quốc là một phần nguyên nhân khiến cho nghề cá ở Nghĩa An gặp khó khăn.

Vì còn khoản nợ liên quan, nên một chủ tàu xin phép được giấu tên kể rằng các đại lý sẽ cho mua với nhiều ưu đãi như giá thấp hơn một chút, số tiền bỏ ra ban đầu chỉ khoảng chục phần trăm so với giá của máy, số nợ còn lại sẽ được trả dần theo kiểu “có bao nhiêu, trả bấy nhiêu, khi nào hết thì thôi” mà không phải trả tiền lãi.

“Sở dĩ họ tung chiêu này, vì biết đa phần chủ tàu đang nợ nần nhiều do vay tiền để cải tạo tàu máy trước đó” - một chủ tàu giấu tên cho hay. Một trong những nhược điểm của máy tàu Trung Quốc, là tiêu tốn khá nhiều nhiên liệu. Và họ tính toán rằng, so với trước đây, thì bây giờ mỗi chuyến ra khơi của họ phải tốn thêm từ 200 đến hơn 350 triệu đồng chi phí dầu, nhớt. Đặt trong bối cảnh sản lượng khai thác đi xuống trầm trọng, thì chi phí này “góp phần” làm gia tăng các khoản nợ nần cho chủ tàu.

Đó là chưa nói, theo bà Phạm Thị Công - Phó Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An, thì sau vài ba năm, loại máy tàu này trở nên “rệu rã” và thành gánh nặng của ngư dân. Trong khi đó, ông Phong còn đưa ra một cái nhìn nguy hại khác từ máy tàu Trung Quốc: “Nó hư, nằm bờ sửa đã đành. Ớn nhất là sắm tổn hết mấy trăm triệu để đi biển. Ra đến khơi, nó hư vặt, không vận hành khai thác được, phải quay ngược lại vào bờ, là tốn cả mớ tiền”.

Thế nhưng, khi đặt câu hỏi trách nhiệm quản lí nhà nước ở đâu khi để đại lý len lỏi đưa máy tàu Trung Quốc về làng chài này, là sự trống vắng cho câu trả lời. Cũng giống như việc, không ít chủ tàu đã nhiều lần lên tiếng việc một số ngân hàng cho vay nhưng không qua xác minh ở xã.

“Như thế này, là theo quy định ấy, ngân hàng trước khi cho vay cần phải thông qua xã xác minh. Điều này đảm bảo rằng người vay là người thật sự có nhu cầu và cả năng lực trong việc làm biển. Đằng này không thông qua xã, ngân hàng xuống, coi tài sản thế chấp đủ điều kiện là cho vay. Bất chấp người vay là người chưa hoặc rất ít kinh nghiệp đi biển, nhưng vì thấy làm giã cào được quá, nên ham, lao theo. Việc này khiến cho số lượng tàu cá ở Nghĩa An tăng đột biến, phá vỡ sự cân bằng và ít nhiều “góp phần” dẫn đến sự vụ ngày hôm nay” - ông Phong bộc bạch.

Về việc này, ông Đỗ Hồng Minh - Phó chủ tịch UBND xã Nghĩa An xác nhận: “Các ngân hàng cho ngư dân vay trực tiếp, đâu có xác minh tại xã, nên hiện tại không biết ngư dân trong xã nợ các ngân hàng bao nhiều tiền. Chỉ thấy rất nhiều ngân hàng những tháng qua cử người về đây làm việc với cán bộ xã và người dân ở đây”.

Việc cho vay kiểu này, dẫn đến tình trạng dở khóc dở cười, là dù theo điều khoản cho vay, ngư dân sẽ phải giao tàu và nhà cho ngân hàng để xóa nợ nếu không thể trả được nợ. Thế nhưng, trong cảnh ngán ngẩm nợ tiền tỷ ngập đầu, nhiều chủ tàu rất muốn… giao tàu và nhà cho ngân hàng để trừ nợ cho “nhẹ đầu mà còn tính đường làm ăn khác”, thì ngân hàng… không chịu nhận!

“Ngân hàng sợ nhận tàu sẽ không có chỗ neo và không ai trông coi tàu thì tàu sẽ hư hỏng, giá trị con tàu sẽ bị mất đi” - anh Tiến lý giải. Thế là, mặc dù xuống kiểm kê dọa kiện, thu hồi này kia, nhưng ngân hàng lại không thể thu tàu của ngư dân để cấn nợ. Thậm chí, có trường hợp quay ra… động viên ngư dân cố gắng bảo quản tàu… cho tốt.

Như vậy, suy cho cùng, với khoản nợ từ phía ngân hàng, chủ tàu còn thở phào nhẹ nhõm đôi chút. Nhưng với khoản nợ “tín dụng đen” ở ngoài, chủ tàu thật sự trong vòng vây khốn đốn. Như trường hợp chị Vạn, trong lúc khó khăn quá, chị Vạn “đánh liều” đi vay “tín dụng đen” 33 triệu đồng để trả nợ bạn thuyền, mà không ngờ rằng lãi chồng lãi khiến cho sự khốn cùng của gia đình càng thêm bi đát, khi các chủ nợ thường xuyên thuê xã hội đen đến hăm dọa.

Những lúc ấy, chị Vạn chỉ biết ôm con và cầu mong mọi sự êm xuôi. Nhưng tính ra, chị Vạn còn ở lại nhà là còn… may mắn. Vì có rất nhiều người, vì bị xã hội đen liên tục đòi nợ, đe dọa đến cùng cực sợ hãi mà bỏ nhà dạt đi nơi khác.

Người đàn ông tên Hơn, cũng là một chủ tàu, chỉ tay về mấy căn nhà đang khóa chặt cửa, thở dài: “Họ bị nhóm cho vay “tín dụng đen” đòi nợ liên tục nên bỏ vào Nam, lên Tây Nguyên để trốn nợ, và cũng là tìm đường mưu sinh mới. Một số người dân cho biết, thỉnh thoảng, từ khoảng 20-21 giờ, là có nhóm thanh niên xăm trổ tới nhà các con nợ chửi bới, đập cửa ầm ầm hăm dọa đòi trả nợ. Có người bị đánh bị thương, gãy chân,… khiến cho làng chài tỷ phú ngày nào giờ trong sóng nợ xô vồ, là những phập phồng lo lắng.

Trước tình hình làng chài tỷ phú ngập trong nợ nần, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Tăng Bính chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc giải quyết khó khăn của ngư dân và các ngân hàng cho vay khai thác thủy sản.

Ông Bính giao Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ngãi cùng địa phương tìm hiểu tình hình khai thác thủy sản thực tế của ngư dân làng chài Nghĩa An. Từ đó, các cơ quan chức năng đề xuất UBND tỉnh có giải pháp giảm bớt thiệt hại cho ngư dân và ngân hàng.

Trước đó, ông Trần Ngọc Căng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi từng yêu cầu các cơ quan đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi bảo kê, tạo điều kiện cho băng nhóm hoạt động tín dụng đen. Còn theo Công an tỉnh Quảng Ngãi, từ cuối năm 2018 đến nay, đã phát hiện 154 người hoạt động tín dụng đen, phần nhiều là những người đến từ các tỉnh phía Bắc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả