Tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc mất 7 tỷ USD sau loạt bê bối
Ông Kim Beom-su (Brian Kim), người sáng lập hãng công internet khổng lồ Kakao Corp., từng gây chấn động khi vượt qua Lee Jae-yong, người thừa kế Tập đoàn Samsung, trở thành tỷ phú giàu nhất Hàn Quốc...
Ông Kim gây ấn tượng khi vươn lên vị trí dẫn đầu dù có xuất thân bần hàn. Tuy nhiên, sau đó lại xuất hiện hàng loạt vấn đề gây tranh cãi.
Đầu tiên là những chỉ trích về sự độc quyền của Kakao, hiện là một trong những tập đoàn lớn nhất tại Hàn Quốc, cùng với Samsung, Hyundai, SK và LG - những tập đoàn gia đình còn được biết đến là chaebol. Công ty này bắt đầu từ dịch vụ nhắn tin di động và mở rộng thông qua các thương vụ thâu tóm, sáp nhập với 100 công ty khác. Kakao đã tận dụng cơ sở khách hàng hơn 52 triệu người của dịch vụ nhắn tin KakaoTalk để mở rộng thêm nhiều dịch vụ bao gồm quảng cáo, thương mại điện tử, bản đồ, game và dịch vụ tài chính. Kakao hiện cũng kinh doanh mảng truyện tranh mạng (webtoon) - hình thức giải trí được ưa chuộng tại Hàn Quốc. Một mảng kinh doanh phát đạt khác của Kakao là Kakao Games - công ty chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng hồi tháng 9/2020.
Tiếp đến là bê bối liên quan tới việc một số lãnh đạo cấp cao của công ty bán cổ phiếu ngay sau thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thành công của một công ty con. Những người này sau đó đã từ chức.
Chưa dừng lại ở đó, tuần trước, truyền thông Hàn Quốc rầm rộ đưa tin về việc ông Kim có thể đã trốn thuế thu nhập từ việc sáp nhập Kakao và trang web Daum vào năm 2014 với số tiền lên tới 886 tỷ Won (722 triệu USD). Kakao phủ nhận và cho rằng đây là cáo buộc vô căn cứ.
Loạt rắc rối nêu trên đã khiến cổ phiếu Kakao mất tới 48% giá trị so với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 6/2021, khiến tài sản của ông Kim “bốc hơi” 7 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index. Vào giai đoạn đỉnh cao nhất, tài sản của ông lên tới 14,8 tỷ USD.
Theo các nhà phân tích, đây là một ví dụ khác cho thấy tình thế đã đổi chiều với các tỷ phú công nghệ sau một thời gian họ được hưởng lợi lớn nhờ giá cổ phiếu công ty tăng mạnh trong đại dịch Covid-19.
“Các vấn đề gây tranh cãi có ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của nhà đầu tư. Chúng tôi dự báo cổ phiếu công nghệ sẽ còn tiếp tục giảm nữa”, nhà phân tích Hyunyong Kim của Hyundai Motor Securities Co., có trụ sở tại Seoul, cho biết.
Vươn lên từ hoàn cảnh nghèo khó và là người đầu tiên trong số các anh chị em của mình học đại học, Kim thành lập công ty tiền thân của Kakao vào năm 2006 và ra mắt ứng dụng nhắn tin di động thành công rực rỡ KakaoTalk 4 năm sau đó. Sau đó, công ty bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng trực tuyến, mua sắm, trò chơi và gọi xe. Đại dịch Covid-19 trở thành cú hích lớn khi mọi người ít tương tác trực tiếp hơn và chuyển sang trực tuyến, thúc đẩy lưu lượng truy cập lớn tới các ứng dụng của Kakao.
Trong chưa đầy 2 năm, 3 công ty con của Kakao gồm Kakao Games Corp., KakaoBank Corp. và Kakao Pay Corp đã lần lượt IPO. Dự kiến sắp tới sẽ còn nhiều thương vụ lớn khác bao gồm IPO của Kakao Mobility Corp. và công ty thành viên vận hành nền tảng truyện tranh trực tuyến Piccoma.
Tuy nhiên, tăng trưởng chóng mặt cũng khiến Kakao đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn của cơ quan chức năng. Việc công ty này thống trị thị trường bị chỉ trích là đe dọa tới sinh kế của các cửa nhỏ và thuộc sở hữu gia đình. Tháng 9 năm ngoái, ông Kim cam kết sẽ đầu tư 300 tỷ Won để hỗ trợ các tiểu thương nhỏ, đồng thời cho biết sẽ xem xét loại bỏ các dịch vụ cạnh tranh với họ như giao hoa.
“Gần đây, chúng tôi đã ý thức sâu sắc về việc mình đã không nhận thức được trách nhiệm với xã hội khi quá phấn khích với sự phát triển của các công ty con. Là một công ty đã nhận được sự ủng hộ của công chúng, chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn để khắc ghi việc mình đã thế nào khi mới bắt đầu”, ông Kim nói tại một phiên điều trần trước Quốc hội vào tháng 10 năm ngoái.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận