24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trương Huy Hoàng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 của Campuchia cao hơn cả Mỹ

Chiến dịch tiêm vaccine của Campuchia không chỉ vượt qua nhiều nước khu vực mà còn vượt cả nhiều nước giàu nhất trên thế giới, trong đó có Mỹ. Điều gì đứng sau thành công của quốc gia Đông Nam Á này.

Tỷ lệ tiêm vaccine đứng thứ hai Đông Nam Á và vượt Mỹ

Một trong những khía cạnh ít được dự báo gần đây trong câu chuyện chống COVID-19ở Đông Nam Á là thành công đáng chú ý của Campuchia trong chiến lược phân phối vaccine. Tính tới 6/9, 2/3 dân số nước này đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine trong khi tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ là 53%. Ngoài Singapore với hơn 3/4 dân số được tiêm vaccine đầy đủ, đây là quốc gia tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất ở Đông Nam Á.

Chiến dịch tiêm vaccine của Campuchia không chỉ vượt qua nhiều nước khu vực mà còn vượt cả nhiều nước giàu nhất trên thế giới, trong đó có Mỹ. Tháng trước, công ty cố vấn và đầu tư Các đối tác Chiến lược Mekong (Mekong Strategic Partners) ở Phnom Penh công bố một báo cáo cho thấy, Campuchia "đang hoàn thành chương trình trước khoảng 8 tháng so với kế hoạch".

Với tỷ lệ hiện nay, báo cáo trên nhận định, Campuchia sẽ đạt được tỷ lệ tiêm vaccine đầy đủ là 70% vào 21/9/2021, trong khi Philippines đặt mục tiêu là 22/7/2022, Indonesia và Thái Lan là 22/7/2022. Trong khi đó, Phnom Penh là một trong những thủ đô mà người dân được tiêm vaccine nhiều nhất thế giới với khoảng 99% dân số trưởng thành đã được tiêm vaccine đầy đủ. Theo báo cáo, điều này sẽ giúp Campuchia ở vị trí thuận lợi để chấm dứt phong tỏa và tái khởi động nền kinh tế đang bị đình trệ sớm hơn so với nhiều quốc gia khác.

Lý giải thành công của Campuchia

Điều gì giải thích cho thành công của Campuchia trong chiến lược phân phối vaccine? Rõ ràng, các yếu tố về địa lý và dân số tương đối nhỏ, khoảng 16,5 triệu người, đã giúp ích phần nào cho chiến lược tiêm chủng của Campuchia. Tuy nhiên, báo cáo trên cũng nhấn mạnh đến "kế hoạch phân phối vaccine khoanh vùng đơn giản và rõ ràng dựa trên khu vực thay vì dựa trên độ tuổi" của chính phủ Campuchia, cũng như việc áp dụng quy định tiêm vaccine bắt buộc với nhiều lĩnh vực, trong đó có các lực lượng vũ trang và nhân viên công vụ. Những nỗ lực của chính phủ cũng được hỗ trợ bởi tỷ lệ thấp những người có tâm lý ngần ngại tiêm vaccine so với nhiều quốc gia khác.

Một lý do cũng quan trọng không kém là những nhằm đảm bảo có đủ vaccine để tiêm cho người dân. Theo báo cáo trên, Campuchia đã cố gắng có được vaccine "bằng mọi phương tiện có thể", trong đó có việc nhận hỗ trợ qua sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cũng như qua sự hỗ trợ nhờ các mối quan hệ song phương và mua trực tiếp từ một số quốc gia.

Phần lớn số vaccine mà Campuchia nhận được, khoảng 27 triệu trong số 30 triệu liều nhận được cho tới nay, đến từ Trung Quốc. Mặc dù vaccine bất hoạt do Sinopharm và Sinovac BioTech sản xuất có hiệu quả thấp hơn so với các vaccine mRNA do Pfizer và Moderna sản xuất nhưng rõ ràng, các loại vaccine Trung Quốc đã giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong ở Campuchia, thậm chí cả khi biến thể Delta tiếp tục hoành hành ở quốc gia này.

Chưa thể lơi lỏng cảnh giác

Trong một thông báo ngày 6/9, WHO cho biết chính phủ Campuchia đã có hướng tiếp cận thành công với chiến lược tập trung và dựa trên bằng chứng nhằm kiềm chế sự lây nhiễm, hạn chế tối đa sự gián đoạn xã hội và bảo vệ tính mạng của mọi người.

"Mặc dù dữ liệu cho thấy tình hình đang cải thiện nhưng rủi ro của sự gia tăng số ca mắc COVID-19vẫn rất cao", WHO nhận định.

WHO cũng cho biết sự lây nhiễm đã giảm ở Campuchia là nhờ việc thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa và chiến dịch tiêm vaccine được hầu hết công chúng chấp nhận rộng rãi.

Tuy nhiên, WHO cũng cảnh báo, sau 20 tháng trải qua đại dịch, nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới, đang cố gắng thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại và tương tác xã hội, đã ngày càng mệt mỏi sau khi gắn hy vọng của họ vào vaccine với việc quay lại cuộc sống bình thường.

WHO nhấn mạnh, sự tham gia của cộng đồng và trách nhiệm của từng cá nhân trong việc đưa ra những lựa chọn phù hợp để ngăn chặn sự lây lan của virus sẽ là những khía cạnh chủ chốt của chiến dịch truyền thông tiếp theo.

WHO khuyến cáo, các biện pháp cần được áp dụng để hạn chế sự lây nhiễm, trong đó có việc chấm dứt 3C gồm: không gian kín (closed spaces), các địa điểm đông người (crowded places) và tiếp xúc gần (close-contact).

Tổ chức này cũng cho rằng, chính phủ nên nhắc nhở người dân những điều nên làm và không nên làm, cũng như lên kế hoạch để có thể nhanh chóng thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn như hạn chế đi lại trong trường hợp khủng hoảng. WHO cũng khuyến cáo chính phủ Campuchia mở cửa an toàn các ngành kinh doanh có rủi ro thấp vẫn đang đóng cửa và chuẩn bị việc mở cửa các ngành rủi ro cao bằng cách thực hiện các biện pháp giảm nhẹ tác động của đại dịch.

Hạn chế việc đi lại không cần thiết và tập trung đông người, cũng như xây dựng các hệ thống giám sát cũng là những ưu tiên cao.

"Sự an toàn chung của cộng đồng chúng ta dựa trên các hành động của từng cá nhân. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể kiềm chế sự lây lan của COVID-19 và hướng tới tương lai tươi sáng. Chiến lược thích nghi này và các biện pháp khác, với những hành động tập thể và cá nhân sẽ giúp Campuchia có thêm hy vọng mới và cơ hội tốt nhất để chiến thắng đại dịch COVID-19. Cùng với việc thực hiện chiến lược và biện pháp phản ứng, chúng ta phải tiếp tục tăng cường phản ứng của hệ thống y tế trong phát hiện và phản ứng trước các đợt bùng phát dịch bệnh", WHO đánh giá.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả